ClockThứ Sáu, 19/03/2021 06:45

Bài toán tăng giá trị hải sản cho ngư dân

TTH - Biển đang giúp nhiều người thoát nghèo, song để làm giàu từ biển trong thực trạng chuyện “được mùa mất giá” cứ lặp đi lặp lại thì bài toán tăng giá trị hải sản cho ngư dân xem chừng còn nhiều thách thức.

Nâng cao giá trị thủy sản đầm phá Tam Giang - Cầu HaiLiên kết sản xuất để tăng giá trị hải sản

Ngư dân thị trấn Thuận An sửa chữa tàu cá

Phụ thuộc 

Cảng cá Thuận An (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang) đang thời điểm tấp nập. Ngư dân vào mùa đánh bắt vụ cá Nam-mùa khai thác chiếm đến gần 60% sản lượng trong cả năm. Ngoài hoàn thành việc tìm bạn tàu, cải hoán tàu cá, chuẩn bị nhu yếu phẩm vươn khơi, khi con tàu “đạp” sóng, ngư dân lại phải vướng vào nỗi âu lo mang tên “giá cả hải sản”.

Con tàu hơn 800 mã lực của ngư dân Trần Văn Dũng (thị trấn Thuận An) đã giong buồm sau kỳ nghỉ đông kéo dài 3 tháng. Tiết trời tốt, ông Dũng cùng bạn tàu đang có những chuyến biển thuận buồm xuôi gió. “Mấy năm trở lại đây, nghề biển không thuận lợi lắm. Ngoài sản lượng bấp bênh, giá trị hải sản dường như thụt lùi. Điệp khúc mất giá tái diễn hàng năm, đặc biệt là trong thời điểm cá vụ Nam, chính vì vậy, ngư dân chúng tôi khá âu lo”, ông Dũng chia sẻ.

Ngoài yếu tố trồi trụt của thị trường cộng với tác động của dịch bệnh, thiên tai, hiện nay, sự phụ thuộc vào thương lái khiến ngư dân luôn ở thế bị động. Hải sản được đánh bắt dù cao hay thấp nhưng sự quyết định về giá trị không nằm trong tay ngư dân. Thực tế, không chỉ sản phẩm của tàu đánh bắt xa bờ, các sản phẩm thủy sản nói chung đang bị thâu tóm bởi “đầu nậu”. Không phủ nhận các “đầu nậu” cũng góp phần giúp giải quyết đầu ra hải sản, giúp thuận lợi hơn trong việc giao thương nhưng sự chênh lệch lợi ích là luôn thấy rõ.

“Mỗi chuyến biển, chúng tôi liên lạc với các tàu đánh bắt để thu mua, sau đó cập bờ giao dịch với “đầu nậu”. Khi biển vào mùa, sản lượng cao, việc bị họ ép giá là bình thường, lý do đưa ra khá thuyết phục như, hàng nhiều hay lưu thông khó khăn. Song thực tế là cùng một loại hải sản đó, giá tiểu thương bán ở chợ cao hơn rất nhiều. Dù vậy, nếu chúng tôi không bán cho “đầu nậu” cũng chẳng biết bán cho ai”, ngư dân Nguyễn Văn Lộc (xã Phú Thuận, huyện Phú Vang) nói.

Cảng cá Thuận An có hàng chục thương lái thu mua. Ngoài những cơ sở cấp đông có tiếng thì có nhiều chuyến xe đông lạnh chở cá tươi tiêu thụ khắp cả tỉnh, thậm chí các tỉnh, thành lân cận. Các thương lái cũng có thỏa thuận “ngầm” với nhau là không phá giá đã quy ước, dù trên thị trường giá trị hải sản có thể cao.

Anh Lê Văn C. (huyện Phong Điền), một thương lái thu mua hải sản ở cảng cá Thuận An hơn 10 năm nay tiết lộ: “Thu mua cá cũng phải hỗ trợ nhau. Ví dụ giá trị thực tế ở thị trường tăng 10 đồng thì thu mua của ngư dân tăng 2 đồng, nếu có người tăng nhiều hơn con số đó sẽ bị “cạch mặt” ngay. Do vậy, đôi khi cá thu mua của ngư dân 9.000 đồng/kg nhưng tiêu thụ ở chợ có thể lên đến 30-35.000 đồng/kg”.

Thương lái thu mua cá tại Cảng cá Thuận An

Liên kết, tìm kiếm thị trường

Hiện nay, Nhà nước chưa có quy định niêm yết giá hải sản tại các cảng cá. Do vậy, việc thương lái thâu tóm, quyết định giá trị hải sản tồn tại hàng chục năm nay. Cơ quan chức năng quản lý hay can thiệp vấn đề này có nhiều rào cản.

Những năm qua, đối với tàu cá đánh bắt xa bờ ăn nên làm ra, để tìm đến sự ổn định của giá trị hải sản, họ đặt vấn đề thỏa thuận về giá với các doanh nghiệp, cơ sở cấp đông ngay trước chuyến vươn khơi. Điều đó giúp giải quyết nỗi lo đầu ra lẫn ổn định về giá. Song, không phải lúc nào ngư dân cũng đáp ứng đầy đủ về số lượng, chất lượng nguyên liệu cho doanh nghiệp. Chính vì thế, trên địa bàn tỉnh hầu như vắng bóng các cơ sở chế biến hải sản từ nguyên liệu nguồn gốc tại địa phương.

Ông Trương Văn Chính, chủ cơ sở đông lạnh hải sản Chính Thủy (đặt tại cảng cá Thuận An) cho rằng, doanh nghiệp này cũng liên kết với một số tàu cá để thu mua hải sản, giá trị cũng được thỏa thuận từ trước, song bên cạnh sản lượng, chất lượng nguồn hàng cũng phải đáp ứng theo yêu cầu của doanh nghiệp. “Dù chúng tôi có hiện đại hóa công nghệ cấp đông nhưng nếu các tàu cá không bảo đảm chất lượng nguồn hàng thì việc thu mua cũng không thuận lợi”, ông Chính nói.

Hiện đại hóa tàu cá đang là câu chuyện được nhắc đi nhắc lại trong nhiều năm trở lại đây. Việc làm này không chỉ tăng năng lực đánh bắt mà còn góp phần tăng giá trị hải sản. Dù có sự tiến bộ nhưng so với nhiều tỉnh, thành khác, ngư dân Thừa Thiên Huế vẫn đang còn chậm. Ngoài ít những loại cá có giá trị cao, chất lượng hải sản sau khi cập bờ vẫn còn thấp.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý nông lâm sản, hải sản tỉnh, ông Hồ Đăng Khoa, muốn tăng giá trị hải sản phải bắt đầu từ ngư dân, những con người trực tiếp khai thác được sản phẩm. Không phủ nhận thương lái thâu tóm thị trường, song ngư dân cũng đang thiếu sự liên kết để xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm. Ngoài ra, thường xuyên tìm hiểu thị trường cũng là yếu tố góp phần giúp ngư dân giảm sự chèn ép đến từ các người thu mua.

“Để tăng giá trị, chúng tôi cũng có kế hoạch xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ hải sản. Song, trước mắt ngư dân phải hiện đại hóa về công nghệ đánh bắt, xác định được vùng đánh bắt cũng như công nghệ bảo quản hải sản… Từ đó, mới đáp ứng được những yêu cầu của doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng. Nếu bảo đảm được quy trình hình thành nên chuỗi, giá trị hải sản của ngư dân sẽ được ổn định”, ông Khoa nhận định.

Bài, ảnh: Lê Thọ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống gia đình

Nhờ những biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình được triển khai đồng bộ và tích cực, số vụ bạo lực ngày càng giảm. Việc hỗ trợ các nạn nhân bị bạo lực gia đình được tiến hành kịp thời.

Gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống gia đình
Nỗi niềm con nước vùng lộng

Vùng biển bãi ngang - nơi có hàng ngàn ngư dân, gắn bó hàng trăm năm với nghề biển đang vật lộn với con sóng.

Nỗi niềm con nước vùng lộng
Bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống di tích tại Hương Trà

Về tổng thể, các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn TX. Hương Trà đã được tu bổ, tôn tạo dưới sự quản lý của các cơ quan chuyên môn và theo quy định của Luật Di sản văn hóa. TX. Hương Trà cũng đang đối mặt với một số vướng mắc liên quan đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản này.

Bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống di tích tại Hương Trà

TIN MỚI

Return to top