ClockThứ Năm, 03/09/2020 09:56

Bảo tồn “Bảo tàng nước” lớn nhất Đông Nam Á - Kỳ 2: Đối diện thách thức

TTH.VN - Nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng, có vai trò quan trọng là thế, nhưng hệ đầm phá Tam Giang-Cầu Hai vẫn đối diện với nhiều thách thức do nạn đánh bắt hủy diệt chưa giải quyết triệt để khiến nguồn lợi thủy sản có nguy cơ suy kiệt.
 

 

Rộng hơn 22.000 ha, trải dài trên 68km, vùng đất ngập nước Tam Giang-Cầu Hai được ví như “bảo tàng” nước lớn nhất đông Nam Á. 33% dân số Thừa Thiên Huế mưu sinh nhờ vào nguồn lợi vùng đầm phá này.

 

 
 

Với người dân Quảng Lợi (huyện Quảng Điền), một trong những nỗi lo khiến họ mất ăn mất ngủ là nạn “ngư tặc” lộng hành ở khu bảo vệ thủy sản Vũng Mệ.

Ông Hồ Trúc, Chi hội trưởng Chi hội Nghề cá thôn Hà Công chia sẻ, “bọn chúng rất mạnh động, sử dụng kích điện đánh bắt. Dù thường xuyên tổ chức tuần tra nhưng các đối tượng vẫn lén lút khai thác trộm đêm khuya.

 

Lực lượng công an tuần tra, thu giữ phương tiện, dụng cụ đánh bắt thủy sản trái phép

Hằng năm, các chi hội nghề cá trên địa bàn xã Quảng Lợi bắt giữ, xử phạt hành chính trên dưới 10 vụ vi phạm trong khu bảo vệ thủy sản, xử phạt hành chính hàng chục triệu đồng. Có thời điểm, các đối tượng sử dụng thuyền công suất lớn gắn xung điện đánh bắt hủy diệt trên vùng đầm phá thuộc hai huyện Quảng Điền và Phong Điền. Lực lượng kiểm ngư, chi hội nghề cá phải sử dụng ca nô, thuyền công suất lớn lực lượng đông (khoảng 30 người) tổ chức mật phục hàng tháng để truy bắt.  

Cách đây vài năm, trong khi đang làm công tác truy bắt, ông Võ Đà, lúc đó là Trưởng Công an thị trấn Sịa (huyện Quảng Điền) bị ngư tặc đâm trọng thương phải điều trị dài ngày. Sau đó, các đối tượng bị bắt và xử phạt tù giam mỗi người từ 6 đến 9 tháng.

Thống kê ban đầu, tại các địa phương ven đầm phá Tam Giang-Cầu Hai có trên 1.500 hộ chuyên hành nghề xung điện, giã cào, lừ mắt lưới nhỏ để khai thác mang tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản.

 

Nghề lừ trên đầm phá

TS.Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, từ đầu năm 2020 đến nay, Chi cục Thủy sản và các chi hội nghề cá tổ chức khoảng 400 lượt tuần tra, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động khai thác thủy sản trên đầm phá, phát hiện và xử phạt hơn 20 vụ vi phạm.

 

Theo ý kiến các chi hội nghề cá nêu trong một số cuộc họp, kinh phí là một khó khăn khiến hoạt động tuần tra, truy bắt đối tượng vi phạm khó ngăn chặn triệt để. Một chi hội trưởng chi hội nghề cá Quảng Điền giải bày: “Chi cục Thủy sản tỉnh cấp khoảng 1 triệu đồng/năm cho chi hội, không đáp ứng đủ xăng dầu cho hoạt động tuần tra. Việc mua sắm phương tiện thiết bị tuần tra cả trăm triệu đồng. Các chế độ hỗ trợ cho lực lượng làm công tác quản lý, tuần tra không có… Kinh phí chi hội lại hạn hẹp. Nhiều cái khó nên nó bó cái khôn là vì vậy. Mong các dự án hoặc chính quyền các cấp hỗ trợ thêm cho hoạt động này.”

 

Bộ nghề xiết lưới điện được anh Phương cất giữ làm kỷ niệm, lâu lâu mang ra ôn lại chuyện cũ

Trò chuyện với nhiều ngư dân lão làng sống chết với phá, điều khiến họ âu lo nhất chính là sự suy giảm của một số loài thủy sản cũng như sản lượng đánh bắt giảm dần so với thời gian trước.

Có thời điểm, nhiều loài thủy sản giá trị như cá vược, cua xanh, ghẹ vàng, các loại cá dìa, mú, hồng, ong, nâu, hanh, tôm đất... không còn xuất hiện trên vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai, hoặc có nhưng rất ít.

 

Nguồn lợi suy giảm khiến người dân mưu sinh khó khăn hơn

Ông Trần Xuân Tám, Chi hội trưởng Chi hội Nghề cá Vinh Hiền (huyện Phú Lộc) lo lắng: “Hai năm trở lại đây, lượng thủy hải sản giảm hẳn. Một số đặc sản như lệt huyết, lệt cơm, cá kình… vùng đầm phá ở Vinh Hiền vắng bóng dần. Người ta tìm mua lệt cú vài trăm ngàn đến tiền triệu mỗi cân nhưng thời gian gần đây hầu như không có con nào lọt vào tay lưới ngư dân".

Theo kinh nghiệm dân gian, lệt cú là loài ưa môi trường sạch. Sự mất dấu loài thủy sản đặc hữu này cho thấy, môi trường sống đầm phá vùng Vinh Hiền đã thay đổi.

Người dân ven đầm phá lý giải nguyên nhân của sự suy giảm nguồn lợi là do nghề lừ mắt lưới nhỏ và nước thải từ các ao hồ nuôi tôm, tẩy rửa lừ bằng hóa chất ảnh hưởng chất lượng nguồn nước đầm phá.

 

Tẩy rửa lừ gây ô nhiễm môi trường

“Phần lớn các hộ đều sắm lừ, chỉ khác là mắt lưới lớn, nhỏ. Mặc dù UBND tỉnh đã có quy định cụ thể về mắt lưới lừa trong khai thác song nếu xử lý hộ này mà lọt hộ kia sẽ dẫn tới kiện tụng. Phải chấp hành thống nhất theo quy định và áp dụng chế tài nghiêm khắc hơn”, ông Hoàng Lam, Trưởng Chi hội nghề cá Lộc Bình 2 (Phú Lộc) nêu quan điểm.

Không chỉ mất dấu một số loài thủy sản giá trị, sản lượng khai thác cung có dấu hiệu giảm. Chỉ tính riêng tại Vinh Hiền, năm 2012-2013, sản lượng khai thác thủy sản trên đầm phá đạt 700-800 tấn, nay chỉ còn 400-500 tấn/năm. Mỗi năm, chỉ tiêu khai thác được đưa ra thảo luận thật sự là một thách thức đối với các chi hội nghề cá, đặt ra bài toán bảo tồn ổn định để duy trì nguồn lợi được dài lâu, bền vững.

 

Môi trường, môi sinh đập cửa Lác đã thay đổi qua thời gian

Ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh cho rằng, với mật độ dân số ở vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai ngày càng tăng cao (tỷ lệ phát triển dân số vùng đầm phá khoảng 1,8%, cao hơn so với tỷ lệ chung của tỉnh là 1,18%), kéo theo nhiều vấn đề gây tác động đến môi trường.

Điển hình là chất thải rắn sinh hoạt xuất hiện ngày càng nhiều ở các vùng ven phá, trôi nổi trên mặt nước, đóng thành lớp dày đặc do nhiều năm không được thu gom xử lý. Nhất là bao bì ni lông không thể tiêu hủy, tích tụ ngày một nhiều, cản trở sự lưu thông nước, trao đổi chất ở đầm phá, gây ô nhiễm rất lớn đến môi trường hệ đầm phá.

 

 

Đầm phá ô nhiễm một số loài đặc hữu ít dần

Chính sự gia tăng lượng chất thải sinh hoạt xuống đầm phá trong điều kiện lưu thông nước kém khiến ô nhiễm chất hữu cơ và coliform ngày một nghiêm trọng.

 

Thức ăn, hóa chất xử lý hồ nuôi... ảnh hưởng đến chất lượng nước đầm phá

Nhắc đến chất lượng nguồn nước vùng Tam Giang – Cầu Hai trong những năm gần đây, một cán bộ làm công tác nghiên cứu bày tỏ âu lo. “Dẫu chưa có thông số cụ thể nhưng với vài ngàn ha tôm nuôi hạ triều, đồng nghĩa với một diện tích khá lớn vùng ven đầm phá bị chận lại làm ao tôm. Đó là hướng đi trong phát triển kinh tế hiệu quả, song cần phải tính toán hoặc có phương án phù hợp vì lớp trầm tích bồi lắng nhiều năm ở hồ nuôi, hóa chất, thức ăn ảnh hưởng nhiều đến nguồn nước đầm phá”, vị này lý giải....

 

 

Bên cạnh đó, trong các trận lũ, vùng đầm phá được ví như là miệng chứa vô số các loại chất thải từ vùng cao đổ về, làm ô nhiễm chất lượng nước khu vực này. Theo đánh giá các nhà chuyên môn, chính những nguyên nhân trên đã và đang làm biến đổi nguồn  nước, dẫn đến suy thoái tài nguyên thủy sinh vật và giảm đáng kể tính đa dạng sinh học của đầm phá. Trong tương lai, cơ hội sử dụng tài nguyên của đầm phá cũng như vùng ven biển cũng sẽ bị hạn chế và mất dần.

 

Nuôi cá lồng nước lợ khu vực phá Tam Giang

 

Kỳ 1:Nguồn sống cho bao phận người

Nội dung: Hải Triều - Tuệ Ninh - Kim Oanh

Hình ảnh: Thanh Toàn-Tuệ Ninh-Phan Thành-Hải Triều-Nguyên Linh-Văn Đình Huy

Video: Long Mộc

Thiết kế: Nguyễn Quân

Concept: Phú Giang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Nhìn vô trong Huế...”

Thuở ấu thơ, trẻ con làng tôi đứa mô cũng có một niềm ao ước đó là được đi Huế chơi ít nhất là một lần. Đình làng Đại Lộc quê tôi có một lùm mù u rậm rạp và là chốn để chúng tôi leo trèo và hát những câu nghêu ngao vào những buổi chiều hè: “Trèo lên cây mù u nhìn vô trong Huế...”. Rồi những đêm không trăng, trời đầy sao, lũ trẻ con làng chúng tôi nhìn về phía xa xôi, nơi có một quầng sáng phía chân trời và nói với nhau rằng, đó là Huế. Hồi đó, làng tôi có một chuyến đò đi Huế hàng ngày xuất phát ở bến đò Đồng Dạ, nơi con sông Ô Lâu bắt đầu chảy qua làng tôi. Nhưng phải có công chuyện chi quan trọng thì nông dân làng tôi mới đi Huế, còn trẻ con như chúng tôi thì rất khó để được đi.

“Nhìn vô trong Huế  ”
Con đò trên phá Tam Giang

Giữa những làn sóng vỗ bập bềnh pha lẫn một chút hương vị mặn mòi của gió biển, phá Tam Giang hôm ấy lộng lẫy ánh nắng vàng rực. Dưới mái che của con đò nhỏ, chị Thương, một người phụ nữ vẫn từng ngày lặng lẽ mưu sinh nơi linh hồn của con nước.

Con đò trên phá Tam Giang
Mãn nhãn với dù lượn trên phá Tam Giang

Trong 2 ngày 8-9/6, trên bầu trời đầm phá Tam Giang và biển Quảng Công, Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền) đã diễn ra những màn trình diễn dù lượn đầy ấn tượng, độc đáo, tạo cảm giác lạ lẫm, thích thú cho người dân và du khách.

Mãn nhãn với dù lượn trên phá Tam Giang
Return to top