ClockThứ Sáu, 04/09/2020 09:47

Bảo tồn “Bảo tàng nước” lớn nhất Đông Nam Á- kỳ 3: Mô hình cho tương lai

 

 

Rộng hơn 22.000 ha, trải dài trên 68km, vùng đất ngập nước Tam Giang-Cầu Hai được ví như “bảo tàng” nước lớn nhất đông Nam Á. 33% dân số Thừa Thiên Huế mưu sinh nhờ vào nguồn lợi vùng đầm phá này.

 

 
 

Nhằm đưa hệ sinh thái độc đáo của khu vực Đông Nam Á này trở thành vùng đặc thù kinh tế, đồng thời là khu dự trữ môi trường sinh quyển riêng có của Thừa Thiên Huế, nhiều ý tưởng đã được khơi gợi…

T.S Phạm Ngọc Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh là người gần hai mươi năm gắn bó với công việc nghiên cứu và dự án trồng rừng ngập mặn. Khởi điểm năm 2012, ông Dũng trồng thí điểm những cây đước ở rú Chá từ hạt giống ở rừng ngập mặn Bù Lu, Phú Lộc. Những cây đước sống sót, tạo nên khoảng xanh trong rừng chá mỗi độ thu về. Cùng với công tác chăm sóc bảo vệ, rú Chá trở thành môi trường lý tưởng cho các loài thủy sinh phát triển, bảo vệ sinh thái cho hàng trăm hộ dân sống ven khu vực này.

Rừng ngập mặn được triển khai trồng ở nhiều địa bàn trên toàn tỉnh

 

Trước đây, việc trồng rừng ngập mặn không được đồng thuận bởi điều kiện thổ nhưỡng ở Thừa Thiên Huế không phù hợp. Qua nhiều lần tạo bãi bồi nhân tạo trồng đước cho Rú Chá thành công, phương pháp này được áp dụng trồng rừng ngập mặn ở Quảng Lợi, (Quảng Điền). Ngành lâm nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đã đến học tập kinh nghiệm và cách thức triển khai trồng rừng như trên.

 

Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thăm rừng ngập mặn Rú Chá

 

Từ mô hình rú Chá, diện tích rừng ngập mặn được Chi cục Kiểm lâm tỉnh trồng 2016 đến nay khoảng 126 ha. Trong đó, huyện Quảng Điền 50,5 ha (trồng 4 năm đã phát huy tác dụng); còn lại tại xã Hương Phong (TX. Hương Trà) 21,5 ha; xã Phú Diên (Phú Vang) 30 ha và huyện Phú Lộc 24,5 ha.

Có rừng, tôm cá có nơi trú ngụ, sinh sản; tạo sinh kế cho hàng vạn ngư dân vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai.

Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi (Quảng Điền) - một trong những địa phương hưởng lợi từ đầm phá-ông Phan Đăng Bảo thông tin: Nguồn lợi thủy sản đầm phá nương nhờ vào rừng ngập mặn là nguồn sinh kế ổn định, bền vững cho ngư dân vùng đầm phá, không chỉ ở Quảng Lợi. Sản lượng thủy sản ở các vùng rừng ngập mặn tăng nhanh, đem lại thu nhập cao, bền vững cho ngư dân. Năm 2019, riêng nghề khai thác thủy sản đem lại nguồn thu hơn 20 tỷ đồng, đó là một con số đáng phấn khởi.    

 

Theo ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh, các khu vực từ vùng núi đến ven biển sẽ an toàn hơn khi có các đai rừng nguyên sinh, rừng ngập mặn làm nhiệm vụ phòng hộ che chắn, chống xói lở đất, cát. Ngay cả muốn phát triển kinh tế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, nghiên cứu khoa học... cũng phải dựa vào tiềm năng đa dạng sinh học về rừng, đầm phá, biển.

Gần 40 năm sống bền bỉ cùng đầm Cầu Hai, ông Trần Xuân Tám, một lão ngư trầm tư bên chén trà khi nghĩ về tương lai của những thế hệ trẻ bám nghề ngư.

Ông Tám suy tư: “Nếu tính 1 hộ 4 khẩu làm nghề đánh bắt di động thì lượng thủy sản thu được chỉ đủ sống. Từ 2016 đến nay, tình hình khai thác “hèn” lắm (khó khăn hơn)! Không biết con cháu mai sau sẽ sống như thế nào”? Nỗi lo của ông Tám được chúng tôi đặt lên bàn của nhiều cơ quan chức năng, các chuyên gia…

Phần lớn các thuyền khai thác thủy sản vùng đầm phá đều sử dụng lừ với các mắt lưới khác nhau

 

Theo Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Xã hội (CSRD), sinh kế của người dân phụ thuộc trực tiếp vào tài nguyên thiên nhiên và môi trường đầm phá. Trong khi đó, khu vực này đang phải chịu sức tải không ít của việc gia tăng dân số, ô nhiễm môi trường, nhu cầu đánh bắt tăng…

Bà Phạm Thị Diệu My – Giám đốc CSRD cho rằng, đây là vùng nhạy cảm bởi thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan. Người dân cần được định hướng, trang bị các kiến thức liên quan để lồng ghép vào kế hoạch phát triển sinh kế. Hơn nữa, cần nâng cao nhận thức cho cộng đồng để họ có thể tuân thủ và phát triển sinh kế theo định hướng bảo vệ nguồn lợi”.

 

Tam Giang – Cầu Hai đóng vai trò chiến lược trong sự phát triển kinh tế của tỉnh. Nhiều nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ triển khai 5 năm qua với kinh phí hàng trăm triệu đồng, trong đó có hướng phát triển các sản phẩm thuỷ sản đặc trưng như, cá dìa, cá nâu, cá ong bầu… Thông tin khá thú vị là tháng 5/2019, UBND tỉnh đã đưa nhóm thủy, hải sản vùng đầm phá, trong đó có cá vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai vào danh mục những sản phẩm chủ lực của Thừa Thiên Huế.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cần tạo thành một chuỗi, gắn kết với thị trường, giải quyết vấn đề một cách có hệ thống mới có thể nhân rộng hoặc đưa vào đời sống.

Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học về nuôi trồng thủy sản được triển khai ở vùng đầm phá

 

Muốn bảo vệ đầm phá và khai thác bền vững, người dân cần quay trở về với cách sản xuất hài hòa với thiên nhiên. “Tái cơ cấu lại các khu bảo vệ thủy sản sẽ gắn liền với sinh kế của người dân. Đồng thời, tăng cường hơn nữa hàm lượng khoa học công nghệ đối với các đề tài triển khai trong lĩnh vực đầm phá”, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Phan Thị Thu Hồng nêu quan điểm.

Dưới góc độ chuyên môn, bà Hồng cho rằng: “Cần chuyển dịch lại quá trình khai thác làm sao phù hợp, phải có người cầm trịch trong lực lượng lao động khu vực đầm phá. Và muốn bứt phá không cách nào khác là áp dụng công nghệ cao, hướng đến chủ động nguồn nước”, bà Hồng nhấn mạnh.

Cùng với việc chuyển đổi sinh kế nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu bảo tồn, phục hồi hệ sinh thái, nhiều hoạt động cụ thể cho từng phân vùng khu bảo tồn đã được xây dựng. Trong đó, kết hợp phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng nhằm giảm áp lực khai thác tài nguyên trực tiếp tại phân khu phục hồi sinh thái là một hướng đi sẽ tạo nên những cú hích cho cục diện chung.

Chưa thực sự nổi tiếng như Biển Hồ Tonle Sap – Campuchia; Hồ Inle-Bang Shan, Myanmar... song hệ thống đầm phá Tam Giang – Cầu Hai được bạn bè trong và ngoài nước mới biết đến qua những bức ảnh, thước phim tuyệt đẹp trên các trang mạng xã hội và kênh truyền hình.

Chèo thuyền sub ngắm cảnh và trải nghiệm nghề ngư trên phá Tam Giang

 

Cách đây 3 năm, trên đầm Ngư Mỹ Thạnh (Quảng Lợi, Quảng Điền) đã xuất hiện hình thức du lịch cộng đồng: Ngắm hoàng hôn trên phá Tam Giang, đón bình minh, chèo thuyền sub hái quả và lá cây bần về chế biến thức ăn... Chương trình này có sự tham gia của cộng đồng địa phương và hoạt động trải nghiệm các nghề đổ nò, đạp trìa, tung chài, nơm cá... Vào mùa du lịch, chị Lường Thị Hiền, một hướng dẫn viên trong tour cộng đồng này thống kê bình quân chị đón 400 khách/ tháng.

Anh Nguyễn Đình Thành, Phó Giám đốc Công ty CP du lịch Đại Bàng, đơn vị đang tổ chức các tour du lịch sinh thái trên đầm phá Quảng Lợi chia sẻ tại một hội nghị chuyên đề về du lịch đầm phá rằng tour du lịch này rất được yêu thích. Người dân địa phương có thêm công việc mới về thao diễn nghề, chạy thuyền và bán thêm thủy sản cho khách, nhờ vậy, thu nhập của họ tăng lên đáng kể.

 

Du lịch ở đầm Ngư Mỹ Thạnh (Quảng Lợi, Quảng Điền) và đầm Chuồn (Phú An, Phú Vang) thu hút nhiều khách du lịch nhất trong hệ thống đầm phá

Trong khi đó, đầm Chuồn (Phú An, Phú Vang) lại có lợi thế để phát triển dịch vụ du lịch ẩm thực với các loại cá, tôm, cua tự nhiên tươi ngon, đặc biệt là món bánh xèo cá kình trứ danh được biết đến trên các kênh khám phá du lịch. Đầm Chuồn là điểm đến sáng tác yêu thích của nhiều đoàn làm phim châu Âu, châu Á và các nhiếp ảnh gia trong, ngoài nước.

Xa hơn, ở xã Lộc Bình, địa phương này đang đón một số doanh nghiệp Hà Nội tìm hiểu đầu tư khu nghỉ dưỡng ở núi Quện bởi khu vực này cảnh sắc rất đẹp, có thể phóng tầm mắt ra toàn cảnh đầm cầu Hai và phù hợp với du lịch sinh thái”. Ông Lương Trọng Hậu, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Bình hé lộ. “Nếu phát triển du lịch sinh thái ở các vùng bảo tồn và sẽ giảm tải áp lực cho đầm phá. Người dân sẽ chuyển sang nuôi trồng phục vụ du lịch, có công ăn việc làm ổn định và sẽ đầu tư bảo vệ hệ sinh thái đầm phá tốt hơn”, ông Hậu kỳ vọng.

 

Ông Nguyễn Văn Phúc - Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh đánh giá, dự án trồng rừng ngập mặn được triển khai khiến môi trường sinh thái đầm phá phục hồi tốt hơn. Bên cạnh đó, người dân có thêm nguồn thu nhập từ sản phẩm rừng ngập mặn. “Chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp khi tổ chức lồng ghép thêm truyền thông cho du khách về bảo vệ môi trường sinh thái vùng đầm phá và bảo vệ giá trị rừng ngập mặn”, ông Phúc cho hay.

Đánh giá tiềm năng du lịch lĩnh vực này, một số hãng lữ hành cho rằng, cần có sự đầu tư để có thêm sản phẩm mới hấp dẫn, không nên đi theo lối cũ sẵn có.

Phát triển du lịch vừa góp phần phát huy giá trị, vừa giảm tải áp lực cho đầm phá

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định nhận định: “Chúng ta đang thiếu sự đầu tư về hạ tầng thiết yếu cho phát triển du lịch. Cần quy hoạch, sắp xếp lại nò sáo, các bến thuyền du lịch. Bên cạnh đó còn thiếu những nhà đầu tư lớn. Nếu chúng ta quy hoạch tốt sẽ phân vùng phục vụ phát triển cho các định hướng khác nhau, trong đó có du lịch”.

Theo thông tin ông Định tiết lộ thì tỉnh đang định hướng đầu tư một cảng cá lớn hội đủ điều kiện đánh bắt chế biến ở khu vực Cầu Hai. Ngoài ra sẽ quy hoạch lại các cảng phục vụ riêng cho du lịch. Việc đầu tư các tuyến đường tiếp tục trong tương lai theo hướng vừa bảo vệ đầm phá vừa “kéo” các hộ dân hướng mặt ra đầm, lấy đầm phá làm mặt tiền để hình thành các khu đô thị, khu dân cư.

Chặng đường biến những hoạch định thành hiện thực vẫn còn phía trước.  Phát triển vùng ven biển, đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trở thành vùng đặc thù kinh tế - khu dự trữ môi trường sinh quyển sẽ là mục tiêu để cả chính quyền và cộng đồng cùng nhìn về một hướng trong hành trình bảo tồn và phát triển.

Nội dung: Tuệ Ninh - Lê Thọ - Hải Triều

Hình ảnh: Tuệ Ninh - Long Mộc - Nguyễn Trực - Hải Triều - CC Kiểm Lâm - Hoài Thương - Nguyên Linh

Thiết kế: Quang Thiều

Concept: Phú Giang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Nhìn vô trong Huế...”

Thuở ấu thơ, trẻ con làng tôi đứa mô cũng có một niềm ao ước đó là được đi Huế chơi ít nhất là một lần. Đình làng Đại Lộc quê tôi có một lùm mù u rậm rạp và là chốn để chúng tôi leo trèo và hát những câu nghêu ngao vào những buổi chiều hè: “Trèo lên cây mù u nhìn vô trong Huế...”. Rồi những đêm không trăng, trời đầy sao, lũ trẻ con làng chúng tôi nhìn về phía xa xôi, nơi có một quầng sáng phía chân trời và nói với nhau rằng, đó là Huế. Hồi đó, làng tôi có một chuyến đò đi Huế hàng ngày xuất phát ở bến đò Đồng Dạ, nơi con sông Ô Lâu bắt đầu chảy qua làng tôi. Nhưng phải có công chuyện chi quan trọng thì nông dân làng tôi mới đi Huế, còn trẻ con như chúng tôi thì rất khó để được đi.

“Nhìn vô trong Huế  ”
Con đò trên phá Tam Giang

Giữa những làn sóng vỗ bập bềnh pha lẫn một chút hương vị mặn mòi của gió biển, phá Tam Giang hôm ấy lộng lẫy ánh nắng vàng rực. Dưới mái che của con đò nhỏ, chị Thương, một người phụ nữ vẫn từng ngày lặng lẽ mưu sinh nơi linh hồn của con nước.

Con đò trên phá Tam Giang
Mãn nhãn với dù lượn trên phá Tam Giang

Trong 2 ngày 8-9/6, trên bầu trời đầm phá Tam Giang và biển Quảng Công, Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền) đã diễn ra những màn trình diễn dù lượn đầy ấn tượng, độc đáo, tạo cảm giác lạ lẫm, thích thú cho người dân và du khách.

Mãn nhãn với dù lượn trên phá Tam Giang

TIN MỚI

Return to top