|
|
Là địa phương thường xuyên tổ chức các lễ hội nên vấn đề vệ sinh, môi trường rất được Thủy Thanh quan tâm |
Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn (CTRSH) tại nguồn góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu nguy cơ phát tán các tác nhân gây bệnh, tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí trong thu gom, xử lý rác thải... Từ lợi ích thiết thực này, sau khi tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn, khảo sát, trang cấp thiết bị cho một số địa phương vào cuối năm 2022, đến đầu năm 2023, Hương Thủy đã chọn 4 xã, phường: Thủy Lương, Thủy Tân, Thủy Phù và Thủy Thanh để thực hiện thí điểm phân loại CTRSH tại nguồn.
Qua thời gian ngắn thực hiện, hoạt động này bước đầu đạt được những kết quả nhất định, qua đó, tạo chuyển biến và dần hình thành thói quen, ý thức tự giác ở mỗi cá nhân, hộ gia đình và các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Là địa phương đang đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, thường xuyên tổ chức các hoạt động lễ hội, thời gian qua, Thủy Thanh cơ bản tổ chức thành công “Chợ đêm cầu Ngói” diễn ra thường kỳ vào mỗi dịp cuối tuần. Lượt người về Thủy Thanh ngày càng tăng, số quầy buôn bán ban đầu chỉ có 7 thì nay tăng lên 96 quầy... Điều này góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập không chỉ với người dân địa phương.
Đáng chú ý, đi kèm về phát triển kinh tế - xã hội, thì ý thức của người dân về vấn đề rác thải, vệ sinh môi trường cũng chuyển biến tích cực. Bên cạnh thường xuyên thực hiện “Ngày Chủ nhật xanh”, hiện 9/9 thôn trên địa bàn xã đã thực hiện mô hình thu gom rác thải tại hộ gia đình; đặt các thùng rác tại các xứ đồng nhằm tránh thẩm thấu hóa chất từ bao bì, chai thuốc bảo vệ thực vật vào môi trường, qua đó tiếp tục gìn giữ môi trường và thực hiện tốt việc phân loại CTRSH tại nguồn.
“Trên cơ sở những chuyển biến tích cực liên quan đến môi trường, Thủy Thanh phấn đấu xây dựng 4 tuyến đường và 2 điểm công cộng theo mô hình “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn”. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các HTX nông nghiệp trên địa bàn đầu tư trang thiết bị thu gom rác thải, lắp đặt thêm thùng rác tại các xứ đồng; bố trí xuồng rác tập trung tại các vị trí phù hợp…”, ông Trần Duy Việt – Chủ tịch UBND xã Thủy Thanh cho hay.
Ông Ngô Văn Vinh – Phó Chủ tịch UBND TX. Hương Thủy nhìn nhận, tuy thời gian thực hiện chưa lâu, nhưng từ việc triển khai đồng bộ cả ở khâu tuyên truyền lẫn thực hiện; vừa làm vừa rút kinh nghiệm và phát huy những sáng kiến, ý tưởng mới cùng sự tham gia tích cực của các tổ chức, cá nhân, việc phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn TX. Hương Thủy bước đầu đạt được những kết quả nhất định.
Trước đây, CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo 3 nhóm. Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện, để phù hợp thực tế, Hương Thủy đã điều chỉnh thành 4 nhóm, gồm: nhóm tái chế, tái sử dụng; nhóm chất thải thực phẩm; nhóm chất thải nguy hại và nhóm chất thải còn lại (không bao gồm chất thải xây dựng, xác chết động vật nuôi).
Để việc phân loại CTRSH tại nguồn đạt hiệu quả cao, Hương Thủy cũng đã điều chỉnh phương thức, tần suất thu gom. Theo đó, đơn vị thu gom, vận chuyển sử dụng loa, chuông hoặc hình thức thông báo khác khi đến lấy CTRSH; đảm bảo thu gom riêng biệt các nhóm chất thải sau phân loại, có thiết bị lưu giữ riêng các nhóm chất thải sau phân loại bên trong phương tiện thu gom; thu gom tối thiểu 2 lần/tuần đối với CTRSH thông thường, 1 năm/lần đối với CTRSH nguy hại...
“Trong quá trình triển khai, bên cạnh khuyến khích người dân tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân hữu cơ, thức ăn chăn nuôi…, vừa giúp bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp hữu cơ, Hương Thủy cũng lên kế hoạch trao đổi, học tập kinh nghiệm từ các đơn vị bạn, từ đó tìm ra giải pháp phù hợp với thực tiễn tại mỗi địa phương”, ông Ngô Văn Vinh cho hay.
Từ kết quả khả quan sau thời gian thực hiện thí điểm ở một số địa phương, quý II/2023, TX. Hương Thủy đã triển khai hoạt động phân loại CTRSH tại nguồn trên toàn địa bàn thị xã. Động thái này hứa hẹn góp phần giúp hình thành thói quen sống thân thiện với môi trường, giảm áp lực về chôn lấp CTRSH, qua đó chung tay xây dựng một Thừa Thiên Huế sáng, xanh, sạch và không rác thải.