ClockThứ Tư, 15/05/2024 05:56

Bảo vệ và phát huy giá trị nhà rường cổ Bao Vinh - Kỳ II: Kỳ vọng từ một đề án

TTH - Trước thực trạng xuống cấp của hệ thống nhà rường cổ Bao Vinh, UBND TP. Huế phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức khảo sát, nghiên cứu và lập Đề án chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà rường cổ Bao Vinh trình UBND tỉnh phê duyệt để sớm triển khai đề án.

Bảo vệ và phát huy giá trị nhà rường cổ Bao Vinh - Kỳ I: Nhà rường cổ… “kêu cứu”

Phố cổ Bao Vinh cần được chỉnh trang, đồng bộ hạ tầng để thu hút khách 

Triển vọng từ đề án

Từ năm 2003, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3032 về việc phê duyệt quy hoạch xây dựng bảo tồn và phát huy đô thị cổ Bao Vinh, xã Hương Vinh (Hương Trà), nay là phường Hương Vinh, TP. Huế. Tuy nhiên, sau hơn 20 năm, đến nay quyết định hầu như chưa thực hiện được do chưa có các chính sách hỗ trợ đầu tư cụ thể, việc triển khai còn nhiều lúng túng, không có nguồn lực, sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan còn nhiều bất cập. Vì vậy, hệ thống nhà rường cổ Bao Vinh trong một thời gian dài không được trùng tu, sửa chữa dẫn đến tình trạng xuống cấp trầm trọng, có một số nhà có nguy cơ sụp đổ, cá biệt có trường hợp vì không có khả năng trùng tu nên đã chuyển nhượng, số thì phá dỡ hoàn toàn để xây mới theo lối hiện đại.

Tháng 2/2020, UBND tỉnh đã có thông báo kết luận về việc đồng ý chủ trương bổ sung danh mục các nhà rường cổ ở khu vực Bao Vinh vào danh mục các công trình được hưởng chính sách của Đề án phát huy giá trị nhà vườn Huế. Đồng thời, căn cứ Nghị quyết số 26 ngày 8/12/2022 của HĐND tỉnh ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn đặc trưng, nhà rường cổ trên địa bàn tỉnh và các đơn đăng ký tham gia đề án của các đại diện hợp pháp nhà rường cổ Bao Vinh, UBND TP. Huế và các sở, ban, ngành liên quan đã khảo sát, trực tiếp làm việc với các chủ nhà rường để vận động tham gia đề án. Sau thời gian triển khai, hiện Đề án hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà rường cổ Bao Vinh đã hoàn thiện và trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt để sớm triển khai, mở ra triển vọng mới cho phố cổ Bao Vinh nói chung và các ngôi nhà rường cổ Bao Vinh nói riêng, góp phần tạo diện mạo mới cho khu phố cổ.

Trên cơ sở khảo sát thống kê của đoàn công tác, căn cứ tiêu chuẩn phân loại và giá trị nhà rường cổ Bao Vinh, thống kê được 21 nhà còn có giá trị. Từ danh mục 21 nhà rường cổ được khảo sát, thống kê, thành phố và địa phương đã tiến hành phối hợp kiểm kê, làm việc với các hộ dân là đại diện hợp pháp nhà rường cổ Bao Vinh có điều kiện phù hợp tiêu chí theo phạm vi, đối tượng áp dụng, tiêu chí phân loại và điều kiện được tham gia chính sách phù hợp và theo nguyện vọng, nhu cầu đăng ký tham gia đề án. Đồng thời, đáp ứng tổ chức sử dụng, khai thác phát triển dịch vụ du lịch; theo đơn đăng ký các hạng mục hỗ trợ và tham gia dịch vụ, khai thác phát triển dịch vụ du lịch của nhà rường cổ và theo danh mục đề xuất tham gia đề án, đã lựa chọn được 11 nhà rường cổ, trong đó có 4 nhà tứ giác có kiến trúc đặc thù khu vực tiếp giáp bờ sông tự nguyện đăng ký tham gia đề án giai đoạn 2023 – 2026 và phù hợp điều kiện tiêu chí.

Tuy nhiên, UBND TP. Huế nhận thấy việc đưa 4 nhà tứ giác có kiến trúc đặc thù (khu vực tiếp giáp bờ sông) tham gia đề án là không còn phù hợp, sẽ gây khó khăn cho công tác đền bù, giải tỏa khi triển khai thực hiện dự án sau này. Vì vậy, thành phố đã lựa chọn danh mục 7 nhà rường cổ tự nguyện đăng ký tham gia đề án giai đoạn 2023 – 2026 và phù hợp điều kiện tiêu chí, bao gồm nhà ông Nguyễn Ngọc Trác, số 55 Bao Vinh; bà Nguyễn Thị Thu Cúc, số 61; Trần Thị Tằm, số 75; Phan Thị Diệu Liên, số 77B; Nguyễn Thanh Hà, số 79; Hoàng Phước, số 89 và Nguyễn Văn Uẩn, 99 Bao Vinh.

Phát huy giá trị đô thị cổ

Theo lãnh đạo UBND TP. Huế, bảo tồn và phát huy các giá trị đặc trưng của phố cổ Bao Vinh, đặc biệt là hệ thống nhà rường cổ, làm nền tảng dần khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị đô thị cổ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của địa phương. Trong đó, việc phát huy giá trị nhà rường cổ để phát triển KT-XH, nhất là khai thác giá trị nhà cổ kết hợp với phố cổ Bao Vinh phục vụ phát triển du lịch - dịch vụ là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trong tiến trình cùng với cả tỉnh đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Mục tiêu cụ thể của đề án là định hướng cải tạo và mở rộng theo nhu cầu ở, sinh hoạt, kinh doanh của người dân; lập danh mục nhà cổ bao gồm danh mục ưu tiên và phân kỳ đầu tư; xây dựng tiêu chí phân loại, điều kiện tham gia hỗ trợ; xây dựng các tiêu chí hỗ trợ trùng tu, tôn tạo; xây dựng tiêu chí hỗ trợ kinh doanh, hoạt động khai thác dịch vụ, xây dựng các chính sách về thuế, quản lý môi trường, quy hoạch, xây dựng…

Theo chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn đặc trưng, nhà rường cổ trên địa bàn tỉnh; các chính sách hỗ trợ thực hiện đề án, kinh phí hỗ trợ trùng tu, tôn tạo nhà chính, bao gồm hỗ trợ chi phí khảo sát, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, thiết kế trùng tu nhà chính tối đa không quá 50 triệu đồng/nhà; hỗ trợ trùng tu, tôn tạo nhà rường cổ tối đa 1 tỷ đồng/nhà (nhà loại 1), tối đa 800 triệu đồng/nhà (nhà loại 2) và tối đa 600 triệu đồng/nhà (nhà loại 3)… Ngoài ra, đề án cũng đưa ra một số chính sách hỗ trợ khác, như hỗ trợ tổ chức kinh doanh khai thác, phát triển dịch vụ, du lịch tại nhà rường cổ; hỗ trợ xây mới, cải tạo nâng cấp nhà vệ sinh, thiết bị thu gom và xử lý rác thải, nước thải; hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, truyền nghề; hỗ trợ quy hoạch xây dựng và đầu tư hạ tầng…

Theo kế hoạch phân kỳ thực hiện đề án, năm 2024 triển khai hỗ trợ trùng tu 2 nhà rường cổ (loại 1); năm 2025 hỗ trợ trùng tu 3 nhà rường cổ (loại 1); năm 2026 hỗ trợ trùng tu 2 nhà rường cổ (1 nhà loại 2 và 1 nhà loại 1).

Bài, ảnh: Thanh Hương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tận tâm với công tác bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở

Với vai trò là Tổ trưởng Tổ an ninh thôn, luôn tận tâm, nhiệt huyết với công tác bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở, anh Đoàn Văn Rinh - chàng trai 9X người Tà Ôi ở vùng cao A Lưới vinh dự được Bộ trưởng Bộ Công an tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện các nghị quyết, chỉ thị về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng công an xã, thị trấn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tận tâm với công tác bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở
Phát huy sức mạnh đại đoàn kết từng thôn, xóm, khu dân cư

Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam và Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2024), sáng 16/11, bà Nguyễn Thị Ái Vân, TUV, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã chúc mừng và chung vui với cán bộ, Nhân dân thôn Xuân Sơn, xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc trong Ngày hội Đại đoàn kết.

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết từng thôn, xóm, khu dân cư
THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Dây Đai An Toàn Bảo Vệ Người Lao Động Khi Làm Việc Trên Cao

Làm việc trên cao luôn là một công việc nguy hiểm và đòi hỏi sự tập trung, kỹ năng và trang bị an toàn tuyệt đối. Hình ảnh những công nhân xây dựng, thợ sơn, hay nhân viên bảo trì mất thăng bằng, ngã từ độ cao có thể khiến nhiều người rùng mình. Những vụ tai nạn lao động đáng tiếc này không chỉ gây ra thiệt hại nặng nề cho nạn nhân và gia đình, mà còn gây tổn thất lớn cho doanh nghiệp, tổ chức. Tuy nhiên, với một thiết bị bảo hộ lao động quan trọng như dây đai an toàn, chúng ta hoàn toàn có thể ngăn chặn và giảm thiểu rủi ro tai nạn đáng tiếc.

Dây Đai An Toàn Bảo Vệ Người Lao Động Khi Làm Việc Trên Cao

TIN MỚI

Return to top