ClockThứ Hai, 13/09/2021 07:45

Biến đổi khí hậu - thách thức và hành động thích ứng - Kỳ 1: Vùng dễ tổn thương

TTH - Nằm trong vùng chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu (BĐKH), Thừa Thiên Huế thường xuyên đối mặt với thiên tai, dịch bệnh và nhiều thách thức khó lường. Làm thế nào để ứng phó, giảm thiểu và chung sống hài hòa với BĐKH là bài toán mà chính quyền và người dân đang tìm lời giải.

Biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ xảy ra các đại dịchChủ tịch Quốc hội phát biểu về ứng phó với đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậuĐông Nam Á có thể tổn thất 28 nghìn tỷ USD nếu không triển khai nhanh hành động khí hậu

Có nền kinh tế phụ thuộc vào thiên nhiên, dù chính quyền và người dân Thừa Thiên Huế luôn nỗ lực để vượt khó vươn lên phát triển kinh tế - xã hội, nhưng nhiều thành quả, công sức, đầu tư dễ bị thiên tai cướp đi dễ dàng chỉ trong tích tắc.

Liên tục các trận bão lớn xảy ra năm 2020 khiến tình trạng sạt lở bờ biển ngày càng nghiêm trọng

Mối nguy lớn từ thiên nhiên

Sáp nhập địa giới hành chính TP. Huế, Hương Phong rồi sẽ mang dáng dấp, hình hài của một đô thị động lực. Nhưng sẽ mất rất lâu, vì nhiều năm qua, với địa thế "vũng rốn" của TX. Hương Trà, Hương Phong chịu nhiều tác động nặng nề do thiên tai như bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn... làm ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, kinh tế - xã hội của địa phương.

Dọc phá Ô Lâu, Tam Giang - Cầu Hai còn có nhiều miền quê cát trắng, thấp trũng của huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc quanh năm đón 2 mùa thời tiết khô hạn và mưa bão cực đoan. Mùa khô, hiện tượng thiếu nước vẫn là "căn bệnh trầm kha" ở những vùng dân cư sống ven biển, ven đầm phá và vùng cao. Những vùng này thường xuyên thiếu nước ngọt phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt trong các tháng 3, 4 và 7, 8 hàng năm.

Rõ nét nhất trong năm 2019, lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm, chỉ đạt 60%-70%, các hồ chứa lớn trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn do lưu lượng về hồ thấp, không đủ nước để tích. Thậm chí đến tháng 12/2019, là tháng mưa nhưng mực nước các thủy điện và hồ thủy lợi biến động không nhiều, tổng dung tích hữu ích của các hồ chỉ đạt 49,63%, gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và phát điện.

5 trận lụt xảy ra liên tục trên địa bàn tỉnh do ảnh hưởng của bão từ tháng 9 đến 12/2020 đã cướp đi 41 sinh mạng, làm 11 người mất tích tại Thủy điện Rào Trăng 3 và 142 người bị thương; 27.663 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng và ảnh hưởng rất lớn đến nông nghiệp, chăn nuôi, cơ sở hạ tầng... với giá trị thiệt hại hơn 2.273 tỷ đồng. Đây chỉ là những tổn thất mới được điểm qua của năm 2020 để chứng tỏ khả năng hủy diệt của thiên tai trước đó và sắp tới sẽ còn khủng khiếp.

Theo kết quả đánh giá khí hậu trên địa bàn tỉnh vừa được Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện, diện tích của tỉnh có nguy cơ trượt đất ở mức trung bình và cao. Phần diện tích có nguy cơ trượt đất cao và rất cao chiếm tới gần 1/3 diện tích tỉnh, chủ yếu vào khu vực vùng núi thuộc các huyện A Lưới, Nam Đông và Phú Lộc. Đây cũng là một trở ngại lớn đối với phát triển khu vực tây và nam của tỉnh là những nơi vẫn còn nghèo không chỉ ở mức độ tỉnh mà ở mức độ quốc gia.

Thiên tai, diễn biến thời tiết thất thường ảnh hưởng nặng nề đến trồng trọt

Thế mạnh nông nghiệp bị đe dọa

Nông nghiệp là lĩnh vực lâu đời và quan trọng của địa phương và cũng là ngành thường xuyên bị tác động bởi những thảm họa về khí hậu. Các hiện tượng thiên tai như lũ lụt và bão không chỉ phá hoại mùa màng mà còn làm hư hỏng cơ sở hạ tầng thủy lợi, giao thông đi lại. Toàn tỉnh có hơn 330.000 hộ dân hoạt động sinh kế chủ yếu là khai thác, nuôi trồng thủy sản và hậu cần nghề cá... Đối mặt với thiên tai, bão lũ, đời sống của những hộ dân này chịu tổn thương nhiều mặt, tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy hải sản dễ bị đánh hư. So với trước kia, sản lượng đánh bắt thủy sản trên đầm phá nay đã giảm gần một nửa, chỉ còn khoảng 2.000-2.500 tấn/năm.

Đối với dân cư vùng ven biển, đầm phá và những hộ làm nông nghiệp lại càng khó phất lên khá giả vì thường chịu tác động lớn của ngập úng, hạn hán, gây thất bát, hư hỏng cây trồng, rau màu. Bên cạnh đó, sự tác động của gió tây khô nóng nên năm nào Thừa Thiên Huế cũng có diện tích đất nông nghiệp bị hạn, trung bình khoảng 6.746 ha, chiếm khoảng 13% diện tích gieo cấy hàng năm.

ThS. Dương Ngọc Phước, Khoa Phát triển nông nghiệp, Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế cho rằng, BĐKH làm gia tăng thời tiết khô nóng, lũ, ngập úng, hạn hán, sâu bệnh, gây tác động lớn đến sinh trưởng, phát triển của cây trồng, vật nuôi. Năng suất của cây trồng, vật nuôi giảm, khiến ngành nông nghiệp phải đối mặt với nhu cầu lớn về các cây, con giống để thích ứng với BĐKH và các hiện tượng cực đoan của thời tiết.

Khoảng 1/3 dân số toàn tỉnh có sinh kế phụ thuộc vào tài nguyên đầm phá, hoạt động sản xuất chủ yếu là nuôi trồng thủy sản và trồng trọt. Nên đời sống của người dân rất dễ chịu tác động bởi các cú sốc do thiên tai, BĐKH và nguy cơ tái nghèo, gia tăng tỷ lệ hộ nghèo sẽ hiện diện ở những vùng dễ bị tổn thương như vùng bãi ngang ven biển (BNVB), vùng núi dễ bị sạt lở đất...

ThS. Dương Ngọc Phước đưa ra kết quả điều tra, tỷ lệ giảm nghèo của các xã đặc biệt khó khăn BNVB thấp so với tỷ lệ giảm nghèo chung trên toàn tỉnh. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo các xã BNVB là 7,28%, trong khi toàn tỉnh là 3,67%.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

Kỳ 2: Biến thách thức thành cơ hội

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ động thích ứng

Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế đưa vào khai thác đã được một thời gian. Điều dễ dàng nhận thấy là sức hút của trung tâm thương mại cực kỳ lớn. Trong khi đó, những siêu thị, nhà hàng, quán ăn, cửa hàng thời trang khác trên địa bàn TP. Huế giảm lượng khách đến đáng kể.

Chủ động thích ứng

TIN MỚI

Return to top