ClockChủ Nhật, 13/02/2022 07:11

Bình yên quê nhà

TTH - Vừa ra tết, nhưng chuyện đi, chuyện ở của những lao động một thời ly hương đã thành quá vãng…

Quan tâm tạo việc làm cho lao động từ các vùng có dịch COVID-19 trở vềNhu cầu tuyển dụng lao động tăng dần đến quý II/2022Tỷ lệ gia tăng lao động trong doanh nghiệp đang chững lạiPhó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ thăm, tặng quà người lao động

1. Tài rời Sài Gòn đã gần nửa năm. Bởi sự bình an mà anh lựa chọn quê nhà nương náu. Trong thâm tâm, anh không hề nghĩ bản thân có thể đứt đoạn với việc tha phương mưu sinh. Mảnh đất ở miền Nam cho anh quá nhiều thứ, một cái nghề sống được, một gia đình yên ấm và cả tình yêu với mảnh đất này…

20 năm sống ở Sài Gòn là không quá dài nhưng đủ để giúp anh gửi tình yêu, rồi xem thành phố mang tên Bác như quê hương thứ hai. Đùng một cái, thành phố “lâm bệnh”, xưởng sản xuất giày da của anh vắng luôn tiếng đập gõ chát chúa.

Tài sốc! Mất việc, mất luôn mức lương mấy chục triệu đồng mỗi tháng có nơi nào đáp ứng? Những đứa con vẫn đang trong độ tuổi khát sữa. Đại dịch ập đến, ai cũng mong muốn sự yên bình, dẫu bản thân không thể là người lựa chọn.

Trong dòng người đổ xô từ miền Nam về Huế đợt dịch lần trước có Tài. Thật may mắn, anh về được quê hương - vùng ven biển Ngũ Điền gió Lào cát trắng.

Ở nơi anh từng dứt áo ra đi bởi cái ăn, ngôi nhà nép bên rặng dương liễu vẫn vậy, gió biển thộc vào từng cơn. Tài phải làm lại từ đầu, nhưng làm gì khi đại dịch len lỏi về tận quê?.

Anh đánh liều đi biển, làm bạn thuyền vượt sóng gần chục hải lý bủa cá khoai. Cầm mấy triệu bạc từ vụ cá khoai, lòng bàn tay chầy xước và hai cục chai như nắm tay trẻ con, chưa kể những lần nôn ói bởi cơn say sóng. 20 năm rồi anh mới ngửi lại mùi tanh của con cá vờn trên mặt nước thì những vết hằn trên thân thể âu cũng là chuyện đương nhiên. “Tôi không ngờ đi biển lại khổ như vậy, mà cũng phải có tay nghề mới làm được. Bây giờ, tôi đã chuyển sang làm phụ thợ nề, công mỗi ngày được 300 nghìn. Ngoài ra, có sẵn nghề đóng giày nên tôi nhận thêm hàng từ miền Nam làm thêm vào buổi tối. Từ khi rời Sài Gòn với nỗi lo việc làm bây giờ cũng tạm ổn. Trung bình mỗi tháng kiếm được 10-15 triệu, đủ để trang trải chi phí cuộc sống”, Tài bày tỏ.

Các doanh nghiệp góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương

Hơn 3 tháng Sài Gòn phong tỏa, trong tâm thức lao động tha hương sẽ chắc chắn tự vấn bản thân, có nên về quê? Bởi lúc trước, đó là những khó khăn khiến họ phải đi tìm chân trời mới. Thế rồi, cũng như Tài, trong dòng lao động hồi hương, ngoài mong bình yên đa số thoát khỏi Sài Gòn bởi những khốn khó bủa vây. Những khi ấy, ai cũng cảm nhận được rằng, lúc gian khó nhất cùng lúc người ta tìm về đất mẹ. Mái nhà dẫu còn dột nát, nhưng hạt cơm quê lúc nào cũng thấm đẫm nghĩa tình...

Lâu lắm mới gặp lại bạn cũ, nhìn anh ngồi bệt bên vệ đường cạnh chợ Vĩnh Tu (huyện Quảng Điền) với mấy mớ cá tươi đon đả mời khách mới thấy cuộc sống như bàn tay úp ngửa. Tốt nghiệp đại học ngành thủy sản, Trần Long (Quảng Ngạn, Quảng Điền) làm việc cho một công ty thủy sản ở Đồng Nai, cũng bởi đại dịch khiến doanh nghiệp của anh điêu đứng, phá sản. Long dắt díu gia đình trở lại quê với mớ kiến thức cùng 10 năm kinh nghiệm nuôi trồng. Vợ chồng anh đành lang bạt khắp bến cảng vùng biển, bến đò đầm phá để buôn cá kiếm đồng vào đồng ra. Long bảo, sẽ không bao giờ anh ly hương thêm một lần nào nữa. Khốn khó khiến anh nhận ra nhiều thứ và thứ nghĩa tình quê hương luôn là máu thịt. “Khi vợ chồng tôi sống ở khu phong tỏa ở Đồng Nai, nhiều chuyến hàng nhu yếu phẩm từ Huế gửi vào khiến chúng tôi rơi nước mắt. Khó lắm nên trở lại quê và lại được bà con, hàng xóm giúp đỡ. Sau nhiều năm ở miền Nam tích lũy kinh nghiệm, đây cũng là lúc tôi quyết định lập nghiệp trên quê hương. Buôn cá chỉ là nghề tạm thời, sắp tới tôi dự định cùng một người bạn tận dụng tiềm năng tại vùng cát ven biển Quảng Điền để nuôi tôm công nghệ cao. Với tôi, khởi nghiệp chưa bao giờ là muộn”, Long tâm sự.

2. Những cuộc hồi hương tự phát đã ở phía đằng sau. Nhưng, đại dịch vẫn còn diễn biến phức tạp. Chỉ có điều, con người đã chủ động hơn trong việc đối phó, xem con COVID-19 quái ác như thứ virus thông thường và tuân thủ những khuyến cáo của cơ quan chức năng.

Hơn ai hết, những người ly hương từ miền Nam độ mấy tháng trước cảm nhận rõ nhất khốn khó. Sau bình yên khi trở về, nhiều doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn sẵn sàng chào đón. Tại các khu, cụm công nghiệp, doanh nghiệp đang khát lao động. Họ sẽ  giúp lao động hồi hương có thêm việc làm ngay tại nơi mình sinh ra.

Những năm gần đây, nỗ lực của chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp hoạt động. Họ lập nhà máy ngay trên những vùng quê hẻo lánh, nhưng lợi cả đôi đường, vừa tạo công ăn việc làm cho người dân, vừa thỏa mãn được nhu cầu lao động...

Có ai ngờ rằng, hơn một thập kỷ trước thôi, người dân vùng ven biển Ngũ Điền, kéo dài đến Quảng Ngạn, Quảng Công muốn ngửi được mùi nhà máy phải băng qua trảng cát bỏng rát, vượt đò dọc. Nhưng nay, từ sáng sớm những chiếc xe đưa đón công nhân vượt rặng keo tràm đưa lao động đến tận nhà máy. Chị Phan Thị Hồng (công nhân Công ty Scavi Huế) hơn chục năm làm công nhân tại các khu công nghiệp ở miền Nam nhẩm tính: “Tổng thu nhập của vợ chồng tôi làm công nhân ở Bình Dương khoảng 25 triệu đồng/tháng, số tiền đó đủ để chi phí cuộc sống chứ không dư dả. Trở về quê, cũng làm công nhân, thu nhập 16 triệu đồng/tháng, nhưng lại dư được vài triệu đồng/tháng. Dù thu nhập thấp hơn nhưng mức sống ở quê thấp, nhà cửa cũng có sẵn nên không tốn nhiều chi phí. Sau đợt dịch vừa rồi, tôi quyết ở lại quê sinh sống”.

Chị Hồng đã 2 lần nhiễm COVID-19. Lần bị nhiễm ở Bình Dương, chị rất khổ sở mới thoát khỏi con virus vô hình. Ở lần tái nhiễm mới đây, chị thuộc đối tượng F0 không triệu chứng, được cách ly, điều trị tại nhà. “Lúc trước không có việc làm mới khăn gói vào Nam, chứ ở quê mình có sẵn nhà cửa. Nhiễm COVID-19 cũng được chính quyền, bà con thân thuộc quan tâm hỗ trợ nên không lo lắng nhiều. Những lúc bệnh tật mới thấy được nghĩa tình nơi quê nhà”, chị Hồng bày tỏ.

Trong một lần trao đổi, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nói rằng, dẫu còn một số khó khăn, nhưng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sẵn sàng tiếp nhận lao động trở về từ các địa phương. Những đối tượng này sẽ được tạo điều kiện tối đa để có việc làm.

Theo thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội, mặc dù dịch COVID-19 khiến tình hình sản xuất, kinh doanh của một số DN tại địa phương bị đình trệ, nhưng trong những tháng cuối năm 2021, có 34 DN trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế cần tuyển dụng gần 7.700 lao động. Và hiện nay, trong kế hoạch các doanh nghiệp, sẽ tuyển dụng hàng ngàn lao động trong năm 2022.  “Năm 2022, chúng tôi cần tuyển thêm khoảng 4.500 lao động. Đối tượng sẽ là những lao động từ các tỉnh miền Nam trở về quê hương, với chính sách hỗ trợ 8 triệu đồng cho mỗi lao động mới”, lãnh đạo Công ty Scavi Huế thông tin.

Trong suy nghĩ của những lao động ly hương thực tại, quê nhà không thiếu việc làm. Quay trở về, họ cũng cần thời gian sắp xếp lại cuộc sống, làm quen với môi trường mới. Nhưng khi quê nhà vẫn luôn là nơi bình yên thì tôi đồ rằng, nhiều người sẽ không chờ đón những chuyến xe vào miền Nam sau tết.

Bài, ảnh: QUỲNH VIÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đào tạo kỹ năng quản trị quan hệ khách hàng

Ngày 14/5, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) tổ chức lớp đào tạo kỹ năng quản trị quan hệ khách hàng. Chương trình đào tạo thu hút sự tham gia của hơn 60 học viên đến từ các doanh nghiệp trên địa bàn.

Đào tạo kỹ năng quản trị quan hệ khách hàng
Tăng hợp tác về khoa học công nghệ

Chiều 11/5, Trường đại học Nông Lâm, Đại học Huế tổ chức Hội thảo xúc tiến hợp tác khoa học công nghệ (KHCN) giữa Trường đại học Nông Lâm, Đại học Huế với các doanh nghiệp.

Tăng hợp tác về khoa học công nghệ
Điểm sáng phát triển Đảng trong doanh nghiệp

Phát triển tổ chức đảng, đoàn thể và đảng viên trong các doanh nghiệp (DN) là nhiệm vụ quan trọng, góp phần xác lập nền tảng - hạt nhân chính trị ở cơ sở; từ đó, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với DN.

Điểm sáng phát triển Đảng trong doanh nghiệp
Nhiều kiến thức đấu thầu được cập nhật

Hội nghị cập nhật kiến thức nghiệp vụ chuyên môn về đấu thầu theo Luật Đấu thầu và Nghị định 24/2024/NĐ-CP được Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức trong 2 ngày 10 và 11/5; thu hút hơn 180 đại biểu tham dự là doanh nghiệp, cán bộ ban quản lý dự án.

Nhiều kiến thức đấu thầu được cập nhật

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top