ClockChủ Nhật, 08/08/2021 14:29

Bộ KH-ĐT đề xuất 8 nhóm giải pháp nhằm giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp

Bộ Kế hoạch và đầu tư đề xuất 8 nhóm giải pháp trong ngắn hạn và dài hạn nhằm tránh làm đứt gãy chuỗi ung ứng, hạn chế xảy ra phá sản doanh nghiệp và bị thâu tóm.

Liều "vaccine" thiết thực, ý nghĩa với người dânĐưa công nghiệp thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy Hương Trà phát triểnNợ bảo hiểm xã hội, đâu chỉ bởi dịch COVID-19“3 tại chỗ”Tiếp tục rà soát, hỗ trợ đoàn viên, người lao động ảnh hưởng COVID -19Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp chống chọi đại dịchSớm áp dụng phương án “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất kinh doanhMuốn sản xuất phải có phương án chống dịch

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2021 sáng 8/8, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng đây là thời điểm hết sức khó khăn khi những mảng màu xám loang rất nhanh trong bức tranh doanh nghiệp, đặc biệt kể từ tháng 7/2021 khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và lan rộng. "Các doanh nghiệp vốn đã bị tổn thương lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Các nguồn lực dữ trữ đang cạn dần trong khi thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm", Bộ trưởng nhấn mạnh.

8 nhóm vấn đề khó khăn doanh nghiệp đang phải đối diện

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Qua tổng hợp ý kiến của doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, có 8 nhóm vấn đề khó khăn đang khiến sức chống chịu hiện nay của doanh nghiệp bị bào mòn.

Thứ nhất, tổng cầu giảm mạnh khiến cho các đơn hàng, hợp đồng, sản lượng đều sụt giảm. Trung bình nhu cầu trong các ngành giảm từ 40 - 50%, nặng nề nhất là ngành hàng không, vận chuyển hành khách, du lịch, nhà hàng, khách sạn nhu cầu bị giảm đến 70 - 80%.

"Tình trạng ùn ứ, tắc nghẽn hàng hóa tại một số cảng biển quan trọng như Cát Lái, Cái Mép - Thị Vải thời gian qua đã phản ánh bản chất không hẳn do tắc nghẽn bởi hạ tầng, hay do điều hành lưu thông hàng hoá, mà bản chất là do tình trạng đình trệ sản xuất bởi dịch bệnh", Bộ trưởng nêu rõ.

Thứ hai, doanh thu giảm mạnh trên diện rộng. Trong đó, doanh thu ngành hàng không sụt giảm trung bình 61% so với 2019, đợt dịch cao điểm đầu năm 2021 giảm 80% so với cùng kỳ năm 2020. Điều này dòng tiền bị thiếu hụt nghiêm trọng, làm cho các doanh nghiệp rất khó khăn để có thể trang trải các khoản chi phí nhằm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như khó xoay xở trả lãi vay ngân hàng đúng hạn, dẫn đến tình trạng nợ xấu, nợ quá hạn, khó có thể tiếp cận các khoản vay mới.

Thứ ba, chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên, vật liệu đầu vào, làm đội chi phí giá thành sản xuất. Tình trạng thiếu nghiêm trọng container rỗng, giá thuê container tăng 5 - 10 lần, chi phí vận chuyển logistics tăng từ 2 - 4 lần, có thời điểm lên đến 5 lần so với trước khi có dịch.

Thứ tư, chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị gián đoạn, đình trệ cục bộ. Nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu bị ảnh hưởng phải trì hoãn hoặc hủy đơn hàng, nếu đợt dịch bùng phát kéo dài có thể bị mất thị trường do bạn hàng thay đổi chuỗi cung ứng.

Thứ năm, lưu thông hàng hóa gặp khó khăn, kể cả lưu thông trong nước, giữa một số tỉnh, thành phố do áp dụng các chính sách phòng, chống dịch bệnh chưa thống nhất và hợp lý. Hậu quả là các doanh nghiệp bị chậm tiến độ giao hàng/nhập hàng, chi phí lưu kho, lưu bãi, cước vận chuyển tăng, sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ.

Thứ sáu, khó khăn về lao động. Để cầm cự trước dịch bệnh nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô, cắt giảm lao động. Điều này sẽ gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp tìm kiếm nguồn lao động trở lại làm việc khi phục hồi sản xuất sau dịch bệnh, đặc biệt là đối với các ngành nghề yêu cầu lao động có tay nghề, chuyên môn nhất định như cơ khí, điện tử…

Thứ bảy, khó khăn về chuyên gia. Các doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp FDI còn gặp khó khăn với vấn đề nhập cảnh, đặc biệt đối với những tập đoàn lớn vào Việt Nam nghiên cứu, quyết định dự án quy mô lớn và cấp mới/điều chỉnh giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài.

Thứ tám, khó khăn về tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Các doanh nghiệp còn cho biết việc triển khai của một số chính sách còn khá chặt chẽ, cứng nhắc, thiếu thống nhất ở một số địa phương, gây khó khăn cho đối tượng hỗ trợ, chưa bao quát hết các tình huống phát sinh trong thực tế, công tác thực thi có lúc, có nơi còn chưa chủ động, linh hoạt.

"Điểm đáng lưu ý trong các kiến nghị các doanh nghiệp đều nhấn mạnh đến vấn đề đơn giản hóa các thủ tục, đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, nhất quán trong thực thi triển khai các quy định, chính sách phòng, chống dịch trên toàn quốc; tính công minh và thái độ phục vụ sát cánh cùng doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ cấp thực thi. Đây là điều doanh nghiệp mong mỏi nhất từ phía các cơ quan chính quyền hơn là các hỗ trợ bằng tiền", Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Các số liệu đã chứng minh sức chống chịu của khu vực doanh nghiệp tiếp tục suy giảm. Số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 7 giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020; đây là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020 ( trung bình là 8,1%).

Trong khi đó, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020, riêng TP Hồ Chí Minh chiếm 29,1% tổng số doanh nghiệp rút lui của các nước; và đã xuất hiện nhiều hơn những doanh nghiệp quy mô vừa và lớn rút lui khỏi thị trường.

Đề xuất 8 nhóm giải pháp trong ngắn hạn và dài hạn.

Với tinh thần "chống dịch như chống giặc" và hành động "sớm nhất, hiệu quả nhất" nhằm tránh làm đứt gãy chuỗi ung ứng, hạn chế xảy ra phá sản doanh nghiệp và bị thâu tóm, Bộ Kế hoạch và đầu tư đề xuất 8 nhóm giải pháp trong ngắn hạn và dài hạn.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ ra nhóm các chính sách, giải pháp cấp thiết cần triển khai ngay gồm:

Một là, thực hiện các biện pháp, phòng chống dịch COVID-19 linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hai là, đảm bảo lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, khắc phục chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị gián đoạn. Nghiên cứu hướng dẫn thống nhất các quy tắc phân loại chống dịch COVID-19 chung trên cả nước, tránh tình trạng địa phương hoá quá mức, gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp.

Ba là, hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp với các giải pháp mạnh mẽ hơn để hỗ trợ khoanh nợ, tái cấu trúc nợ, gia hạn các khoản nợ cũ; giảm lãi suất cho các khoản vay cũ và mới; khẩn trương triển khai các chính sách hỗ trợ về giãn, giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp… Bốn là, tháo gỡ khó khăn về lao động, chuyên gia.

Đối với nhóm chính sách dài hạn, tạo nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất 4 nhóm giải pháp chủ yếu.

Thứ nhất, xây dựng chính sách phát triển doanh nghiệp có tính chiến lược, khai thác lợi thế ngành, lĩnh vực để đón bắt cơ hội nhằm phục hồi nền kinh tế; cần có chính sách để phát triển các doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn, đóng vai trò dẫn dắt; phát triển công nghiệp ngành y tế như đã nêu ở trên...

Thứ hai, nâng cao hiệu quả triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa; rà soát, tháo gỡ vướng mắc pháp lý; đơn giản hóa tối đa các quy trình, thủ tục hành chính hiện tại, xem xét áp dụng các quy trình xuất, nhập khẩu ưu tiên.

Thứ ba, thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh phát triển kinh tế số; các nền tảng thương mại điện tử; các ứng dụng công nghệ giao dịch thanh toán điện tử, hậu cần giao nhận…

Thứ tư, nâng cao hiệu quả hoạt động và khai thác dư địa của khu vực doanh nghiệp nhà nước; nghiên cứu, xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách theo hướng đổi mới quản lý của chủ sở hữu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được hoạt động bình đẳng, chủ động và cạnh tranh với các doanh nghiệp khác.

"Về phía cộng đồng doanh nghiệp cũng cần tiếp tục nêu cao tinh thần dân tộc, phát huy tính chủ động, tự lực, tự cường, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp; chú trọng đào tạo, nâng cao năng lực quản trị, chất lượng nguồn nhân lực; ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ để biến thách thức thành cơ hội; tạo chuẩn giá trị mới, quan tâm hơn đến phục vụ người dân và nhu cầu trong nước; mở rộng thị trường, tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu", Bộ trưởng đề xuất.

Theo Tin tức TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khởi công nhà nhân ái tại xã Điền Hải

Ngày 5/11, Hội Thầy thuốc trẻ, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh phối hợp cùng Đoàn thanh niên Bệnh viện Trung ương Huế, Huyện Đoàn Phong Điền tổ chức khởi công nhà nhân ái cho gia đình ông Lê Văn Nuôi (xã Điền Hải, Phong Điền).

Khởi công nhà nhân ái tại xã Điền Hải
“Gỡ khó” cho doanh nghiệp

Không phủ nhận những tín hiệu khởi sắc trong việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) trong thời gian gần đây, song nhiều trở lực khiến DN gặp khó trong việc mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm.

“Gỡ khó” cho doanh nghiệp
Thu hút vốn FDI từ Nhật Bản

Với tổng số vốn đăng ký 248 triệu USD, chiếm 15% về số lượng và 5,4% về vốn đầu tư nước ngoài (FDI) toàn tỉnh, doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đang là đối tác quan trọng trong việc kêu gọi đầu tư FDI vào Thừa Thiên Huế.

Thu hút vốn FDI từ Nhật Bản

TIN MỚI

Return to top