ClockThứ Tư, 22/06/2016 09:30

Cải cách ngành thuế sau 5 năm vẫn còn 393 thủ tục

Trong 5 năm thực hiện chiến lược cải cách, ngành thuế mới cắt giảm được 63 thủ tục và đơn giản hóa được 262 thủ tục trên tổng số 456 thủ tục.

Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 – 2020 đến nay đã đi được nửa chặng đường. Sau 5 năm triển khai, Việt Nam đã đưa ra được nhiều giải pháp trong cải cách hành chính thuế. Ngành thuế đã thực hiện hiện đại hóa thủ tục thuế, đặc biệt là tận dụng tốt những ứng dụng về công nghệ thông tin trong các thủ tục nộp thuế, các dịch vụ cung cấp điện tử.

Nhiều ý kiến đóng góp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh thông qua cải cách thuế.

Rút ngắn thủ tục thuế tiết giảm hơn 7.000 tỷ đồng

Tại Hội thảo cải thiện môi trường kinh doanh thông qua cải cách thuế diễn ra sáng 21/6 tại Hà Nội, ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ trưởng, Phó trưởng ban thường trực Ban cải cách, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, ngành thuế đã đạt được những thành công mới khi thực hiện cắt giảm được 63 thủ tục và đơn giản hóa được 262 thủ tục trên tổng số 456 thủ tục, hiện tại thủ tục hành chính thuế vẫn còn 393 thủ tục.

“Với kết quả cắt giảm đó, thời gian thực hiện thủ tục về thuế đã giảm được khoảng 420/530 giờ, giảm được khoảng 78% lượng thời gian và tính ra tiết giảm được khoảng hơn 7.000 tỷ đồng trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo ra nguồn vốn, động lực cho doanh nghiệp phát triển”, ông Tiến cho biết.

Tuy nhiên, ông Tiến cũng nhận định, với kết quả cải cách hành chính như vừa qua, cơ quan thuế đánh giá trong giai đoạn tới vẫn còn nhiều thách thức ngay từ thủ tục hành chính thuế, gây ra nhiều những khó khăn cho doanh nghiệp.

Do đó, nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý thuế và tạo điều kiện hơn nữa về thủ tục thuế, trong thời gian tới, cơ quan thuế sẽ còn phải thực hiện nhiều cải cách tích cực. Trong sự nỗ lực đó, cơ quan thuế cũng mong muốn cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục có sự ủng hộ nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đạt mục tiêu ngang bằng với các nước ASEAN 4 vào cuối năm 2017 và tiến tới ASEAN 3 vào cuối năm 2020.

“Ngành thuế và cơ quan thuế tiếp tục rà soát các chính sách, cải tiến các quy trình thủ tục về thuế và tăng cường việc kiểm tra nội bộ, thu thập các thông tin phản hồi của cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan có liên quan, đồng thời giám sát việc thực thi từ bên ngoài, rút ngắn khoảng cách từ chính sách đến việc thực hiện”, ông Tiến khẳng định.

Theo đó, trong giai đoạn tiếp theo của việc thực hiện chiến lược, cơ quan thuế dự kiến giảm mức động viên trên từng đơn vị hàng hóa và dịch vụ. Song hành với việc giảm tỷ lệ động viên, ngành thuế cũng đặt ra mục tiêu không được tận thu, tốc độ tăng thu giai đoạn tới dự kiến chỉ từ 16% - 18% bằng cách tiếp tục cải thiện thủ tục hành chính, đơn giản và mở rộng cơ sở thuế, tìm kiếm những nguồn thu mới như kinh doanh thương mại điện tử…

Tỷ lệ thuế và bảo hiểm xã hội trên lợi nhuận vẫn khá cao

Theo đánh giá của bà Nguyễn Minh Thảo, Phó trưởng ban Môi trường kinh doanh, Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), thời gian nộp thuế và bảo hiểm xã hội hiện nay đã giảm được 102 giờ, cải thiện 4 bậc nhưng so với các nước trong khu vực thì thứ hạng của Việt Nam vẫn ở mức thấp.

Theo bà Thảo, tỷ lệ nộp thuế và bảo hiểm xã hội trên lợi nhuận của Việt Nam hiện nay vẫn còn ở mức khá cao, chiếm tới 39,4%. Trong đó bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp chiếm 24,8% và thuế thu nhập doanh nghiệp, chuyển nhượng là 14,5% và thuế khác là 0,1%.

“Thuế suất của Việt Nam đang cao theo đánh giá Ngân hàng Thế giới (WB) và thuế vẫn đang là cản trở lớn đối với doanh nghiệp. Chỉ số cảm nhận do chính các doanh nghiệp cho thấy, mặc dù mức độ phức tạp trong các quy định về thuế đã giảm đi, từ 8,5 điểm năm 2014 xuống mức 7,7 điểm trong năm 2015 nhưng vẫn là mức điểm khá cao”, bà Thảo thông tin.

Đánh giá về các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh theo Nghị quyết 19 của Chính phủ đề ra, bà Thảo cho rằng nhiều Bộ, ngành đã thực hiện giúp cho năng lực cạnh tranh của Việt Nam năm 2015 tăng lên.

“Theo Diễn đàn kinh tế thế giới, năng lực cạnh tranh Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể khi tăng 12 bậc. Với sự cải cách của nhiều Bộ, ngành năng lực cạnh tranh Việt Nam năm 2014 vị trí 68 thì năm 2015 đã lên vị trí 56. Đây là mức cải thiện cao nhất từ năm 2012 đến nay”, bà Thảo chỉ rõ.

Cùng với đó, môi trường kinh doanh của Việt Nam theo đánh giá của WB cũng được cải thiện 3 bậc, với 5/10 chỉ số được cải thiện, trong đó ghi nhận cải cách của Việt Nam về khởi sự kinh doanh, tiếp cận điện năng, chỉ số nộp thuế. Chỉ số khởi sự kinh doanh đã cải thiện 6 bậc, chỉ số nộp thuế của Việt Nam đang ở thứ hạng 119, nhảy 60 bậc so với trước đây; Chỉ số tiếp cận điện năng cũng thay đổi tốt nhờ cải cách hành chính, giảm 56 ngày và cải thiện 27 bậc nhưng thứ hạng vẫn còn thấp xa so với ASEAN 4 là 108.

Cũng theo bà Thảo, bên cạnh những chỉ tiêu đã đạt được trong cải cách thủ tục hành chính, nhiều chỉ tiêu khác có chiều hướng đi xuống như cấp phép xây dựng, tiếp cận tín dụng cũng như việc bảo vệ nhà đầu tư chưa được thay đổi. Đặc biệt, chỉ số giải quyết phá sản doanh nghiệp mặc dù có cải thiện thứ hạng nhưng còn khá xa so với nhiều nước. Trong khi đó, Luật phá sản 2014 đã ra đời nhưng vẫn chưa có hướng dẫn nên chưa xử lý được.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm thời gian

Cùng với việc triển khai có hiệu quả ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội (BHXH) số, BHXH tỉnh đồng thời thực hiện kết nối, tích hợp tài khoản định danh điện tử (VNeID) trên ứng dụng VssID của BHXH Việt Nam, nhằm mang lại nhiều tiện ích cho người dân và các doanh nghiệp trên địa bàn.

Đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm thời gian
Tên gọi cũ, tương lai mới

Cái tên Phong Phú tưởng chừng như đi vào ký ức, nhưng nay lại xuất hiện. Tên gọi này được chọn lựa đặt cho một đơn vị hành chính ở huyện Phong Điền.

Tên gọi cũ, tương lai mới
Return to top