|
Nông dân Điền Hòa vào vụ thu hoạch |
Từ tên gọi của một căn cứ địa cách mạng
Có lẽ không nhiều người dân của xã Điền Hòa (huyện Phong Điền) bây giờ biết đến cái tên Phong Phú. Vùng đất nổi tiếng với mai vàng và lễ hội đu tiên đã từng có một quá khứ lẫy lừng với truyền thống đấu tranh bất khuất dưới tên gọi Phong Phú.
Cùng Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Điền Hòa - Nguyễn Đăng Phúc lần giở những thông tin từ lịch sử Đảng bộ xã, tôi đã phần nào hình dung về một vùng đất chứa đựng nhiều truyền thống tốt đẹp với những con nguời cần cù, chịu khó, một nắng hai sương, vật lộn với thiên nhiên khắc nghiệt để biến vùng đất ngập mặn trở thành khu dân cư trù phú, ruộng vườn hàng hàng, lớp lớp, nhà cửa chen chúc nhau. Mảnh đất này được dày công vun đắp bằng mồ hôi, xương máu của các thế hệ con cháu trong làng...
Ngược dòng lịch sử, vì mưu kế sinh nhai, không cam chịu khổ cực, hà khắc, các ngài thủy tổ chọn đất Điền Hòa định cư khai hoang, lập ấp, xây dựng cuộc sống. Lúc mới khai hoang, lập làng, do nhân lực còn ít nên các ngài khai canh chủ yếu khai phá những vùng đất tốt dọc đường hương lộ ngày nay. Để hạn chế những cánh đồng ngập mặn, cư dân Điền Hòa lúc bấy giờ tập trung khai phá ở những vùng đất tương đối cao, mà Nhân dân gọi là trằm. Về sau, địa bàn cư trú và sản xuất ngày được mở rộng. Để phục vụ cho việc trao đổi hàng hóa của dân, chợ làng Thế Chí Tây được hình thành và phát triển...
Theo lịch sử, nhiều thời điểm người dân Điền Hòa rơi vào nỗi thống khổ của chiến tranh. Đầu thế kỷ thứ XIV, nơi đây đã trở thành điểm tranh chấp. Vùng đất Điền Hòa chứng kiến từng đoàn thuyền Chămpa xuất quân đánh Thăng Long; đầu thế kỷ XV, giặc Minh xâm lược nước ta, người dân Điền Hòa cũng không thoát khỏi cảnh đô hộ, và sau đó là một cuộc di dân ồ ạt tiến vào miền Nam…
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, toàn xã đã anh dũng bám trụ, cung cấp sức người, sức của, dũng cảm hy sinh, góp phần cùng Nhân dân tỉnh nhà giải phóng quê hương, giành độc lập tự do.
Cũng theo lịch sử Đảng bộ xã Điền Hòa, thời điểm chính quyền phong kiến tay sai của phát xít Nhật bị tuyên bố xóa bỏ, thay vào đó là Ủy ban Dân tộc giải phóng xã, sau đó, chính quyền cách mạng có chủ trương sáp nhập các xã, thôn thành xã lớn, Điền Hòa được đặt trong xã mới có tên là xã Phong Phú. Cái tên Phong Phú ra đời từ đó…
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, Nhân dân xã Điền Hòa bắt tay xây dựng cuộc sống mới. Đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân xã nhà ngày càng được nâng cao, những thành tựu kinh tế, văn hóa, giáo dục... ngày càng phát triển, xứng đáng là xã Anh hùng…
|
Người dân các xã ven biển sau một chuyến vươn khơi |
Đến chuyện sáp nhập đơn vị hành chính trong tương lai
Trải qua biến thiên của lịch sử, cái tên Phong Phú lui vào hoài niệm, xã Điền Hòa lại được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 làng Thế Chí Tây, Thế Mỹ A, Thế Mỹ B. Thế nhưng bây giờ, với đề án sáp nhập các đơn vị hành chính tại huyện Phong Điền, một lần nữa cái tên Phong Phú được chọn với sự đồng thuận cao từ các cấp chính quyền lẫn người dân. Phường Phong Phú sẽ được thành lập trên cơ sở địa giới hành chính của hai xã Điền Hòa và Điền Lộc.
Nhắc đến Phong Phú, trong kháng chiến, nguời ta sẽ nghĩ ngay đến đội du kích Phong Phú lẫy lừng. Hoài niệm về quá khứ, ông Lê Văn Dương (thôn 10, Điền Hòa) - người từng tham gia đội du kích Phong Phú rưng rưng. Ông bảo rằng, thanh xuân của ông đã gắn liền với đội du kích Phong Phú qua những trận đánh ác liệt trong lòng địch hay những đêm trường cùng đồng đội bàn kế hoạch tác chiến…
Tuổi đã cao, sức lực vơi cạn, ông Dương không thể nhớ hết được những đồng đội năm xưa hay những kỷ niệm chiến đấu trên khắp các mặt trận. “Tôi chỉ biết rằng, đồng đội của tôi trong đội du kích Phong Phú ngày trước bây giờ đa số đã đi xa”, ông Dương chia sẻ.
Tên gọi Phong Phú xuất hiện như là cách trân quý những giá trị của lịch sử. Đó không hẳn chỉ là cái tên cho một đơn vị hành chính mà chứa đựng cả một quá khứ hào hùng của địa phương.
Với nhiều người dân ở Điền Hòa, có thể cái tên Phong Phú như xa lạ nhưng khi được lấy ý kiến về tên gọi mới cho đơn vị hành chính, họ lại đồng tình cao. “Đối với cái tên Phong Phú, chúng tôi đã tuyên truyền, chia sẻ những thông tin về lịch sử cho người dân hiểu để họ hình dung về một căn cứ địa cách mạng ngày trước. Và bây giờ, khi tên gọi này trở lại ai cũng cảm thấy tự hào”, Trưởng thôn 10, xã Điền Hòa Lê Văn Hướng bày tỏ.
Không còn là vùng đất khốn khó, bây giờ, Điền Hòa đã thay da đổi thịt với hạ tầng giao thông khang trang. Các tuyến đường huyết mạch liên xã, liên thôn được đầu tư, kết nối vùng biển và đầm phá. Những lợi thế từ nông nghiệp, nuôi trồng thủy, hải sản đang từng bước được cụ thể hóa, bằng chứng là đa số các chỉ tiêu trong 6 tháng đầu năm của địa phương này đều đạt và vượt kế hoạch. “Chúng tôi hy vọng sau khi được trở thành phường, hạ tầng sẽ được đầu tư hơn nữa; đời sống người dân cũng khấm khá hơn”, ông Đặng Văn Phú (xã Điền Hòa) mong muốn.
Trong tiến trình phát triển, với các dự án đã và đang đầu tư, người dân Điền Hòa hình dung về một đô thị trẻ phía biển với cụm công nghiệp, cảng biển, sân golf, khu nghỉ dưỡng chuẩn 5 sao.