Rừng thông Ngự Bình và mảng rừng cháy chưa tái sinh nổi
Rừng thông cảnh quan Ngự Bình là một trong những cánh rừng đầu tiên được trồng lại ngay sau ngày đất nước thống nhất 1975. Sau rất nhiều nỗ lực, cánh rừng đã phủ xanh non Ngự. Vậy nhưng, không hiểu do giống hay do khí hậu thổ nhưỡng mà đến nay đã hơn 40 năm, cánh rừng như chững lại, không lớn mà cũng chẳng xanh thêm. Đã vậy, liên tiếp nhiều năm cánh rừng quý giá này lại cứ bị "bà hỏa" hỏi thăm do những người đi viếng nghĩa trang thắp hương, đốt vàng mã bất cẩn gây ra. Những mảng rừng cháy mãi chưa tái sinh nổi, cứ tua tủa những nhành khô trông đau lòng nhức mắt. Quang cảnh đó làm không ít người thất vọng khi tìm đến với núi Ngự Bình để được tận thấy ngọn non thiên của đất Thần kinh.
Do công việc nên tôi cũng khá thường xuyên phải qua về trên con đường chạy ngang dưới chân núi. Ngước nhìn những mảng thông cháy nham nhở, lòng đôi lúc cảm thấy bứt rứt, rất khó chịu. Cách đây đã lâu, khi thực hiện một phóng sự về rừng thông Ngự Bình, chúng tôi từng gặp và nghe một số vị bô lão quanh vùng kể về ký ức của họ đối với ngọn núi từng được các vua triều Nguyễn ghé thăm thưởng cảnh; được vua Thiệu Trị ngự bút đề bài thơ "Bình lãnh đăng cao"- một trong 20 bài thơ nổi tiếng của nhà vua vịnh cảnh đẹp xứ Thần kinh (Thần kinh nhị thập cảnh). Theo trí nhớ của các vị bô lão trong vùng, trước ngày tiêu thổ kháng chiến (1946), rừng thông núi Ngự kéo dài ra tận ngã ba nghẹo Giàng Xay (ngã ba Ngự Bình - An Dương Vương). Thông rợp đến mức khách bộ hành đôi lúc chẳng cần mũ nón. Bây giờ thì nhường đất cho nhà cửa, mồ mả, rừng thông được trồng lại chỉ khu trú từ khu vực sát chân lên đỉnh núi.
Vọng Cảnh
Tác giả Nguyễn Hoàng Bích, người trước đây là kỹ sư trưởng, trực tiếp nhận nhiệm vụ của Bộ Lâm nghiệp triển khai việc phục hồi rừng thông Ngự Bình sau năm 1975 cho biết, giống thông được chọn trồng ở núi Ngự Bình là giống thông ta, tên khoa học là Pinus merkusii, số lượng 75.000 cây, được gom từ 3 nơi: Vườn ươm của Trạm thí nghiệm cơ giới trồng rừng Minh Phú (Sóc Sơn, Hà Nội), Vườn ươm của Lâm trường Rừng Thông (Bố Trạch, Quảng Bình) và Vườn ươm cây thông noel của Trạm Khảo cứu Lâm học Lang Hanh (Di Linh, Lâm Đồng). Việc tập hợp đủ giống và trồng thành công rừng thông Ngự Bình đã mang lại niềm vui vô bờ bến cho người dân xứ Huế. Tuy thế, như từ đầu có nói, cánh rừng gần như chỉ khép tán rồi chững lại. Nhiều năm qua, mong mãi thấy cây vẫn thế, không cao hơn, không vạm vỡ ra. Có thể do giống chọn không phù hợp, có thể do thời gian đầu đặt cây giống xuống nước tưới khó khăn, phân tro hạn chế, nên cây mất sức, khó lớn (?)...
Nhìn những mảng rừng cháy chờ tái sinh một cách nhọc nhằn, bất chợt tôi tự nghĩ, hay từ những mảng rừng bị cháy này, hãy thử thí điểm thay dần giống thông phù hợp, chăm tưới kỹ lưỡng ngay từ đầu, có thể Ngự Bình sẽ có cánh rừng thông xanh tốt như mong muốn. Nêu ý tưởng này là bởi có cơ sở đối chứng. Ấy là đồi Vọng Cảnh. Cũng từ là ngọn đồi trọi trơ sỏi đá, lác đác bạch đàn, sim mua tràm chổi... Năm 2001, Trung tâm Công viên cây xanh Huế (CVCX) đã triển khai trồng thông tại đây. Chỉ sau chừng 5 năm, rừng thông đã "thắp nến" vươn cành mơn mởn. Và nay thì như mọi người đều thấy, rừng thông Vọng Cảnh có thể nói "đẳng cấp" đã vượt xa thông Ngự Bình, tôn thêm vẻ đẹp bội phần cho ngọn đồi danh tiếng. Thời ông Phan Đình Ngôn còn làm Giám đốc Trung tâm CVCX, một lần hỏi chuyện, ông cho hay đơn vị ông học được bí quyết trồng thông từ kinh nghiệm của một ông cụ sống ở vùng đồi Tây Nam Huế. Mang về áp dụng thì trồng 10 cây sống gần như chục, cây lại phát triển rất nhanh. Tiếp thu "công nghệ" từ Vọng Cảnh để cải tạo dần rừng thông Ngự Bình, tại sao lại không nhỉ?
Trong tương lai, hy vọng rừng thông sẽ không chỉ dừng ở diện tích hiện tại mà còn sẽ được trồng lan ra hai bên tuyến đường Ngự Bình (QL49), khi nghĩa địa khu vực chân núi được dời đi. Rừng thông Ngự Bình kết nối với Công viên tượng đài Quang Trung, với rừng thông núi Bân và núi Tam Thai bên cạnh, tạo một "lá phổi xanh", một điểm đến sinh thái gắn với tuổi tên non thiêng xứ Huế thì còn gì tuyệt vời và ý nghĩa bằng...
Bài, ảnh: HIỀN AN