ClockThứ Bảy, 13/04/2019 12:45

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

TTH.VN - Thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ nhằm hướng đến một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực.

Duy trì chỉ số PCI ở nhóm khá, phấn đấu vào nhóm tốtThừa Thiên Huế duy trì chỉ số CPI ở nhóm kháTốt hoặc kháChỉ số PCI: Chính quyền cần đồng hành cùng doanh nghiệp

Chi phí gia nhập thị trường thấp

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được xem là “tiếng nói” quan trọng của các doanh nghiệp về môi trường đầu tư, kinh doanh tại địa phương. Và để tiến nhanh hơn các tỉnh, thành khác trong cuộc đua cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo niềm tin và động lực để doanh nghiệp tăng cường đầu tư và kinh doanh trên địa bàn tỉnh năm 2019, tỉnh tiếp tục triển khai nhiều giải pháp một cách quyết liệt nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Năm 2018 xếp hạng năng lực cạnh tranh của tỉnh đứng thứ 30/63 tỉnh, thành

Năm 2018, điểm số PCI của tỉnh tăng 1,14 điểm từ 62,37 lên 63,51 điểm; xếp hạng năng lực cạnh tranh của tỉnh đứng thứ 30/63 tỉnh, thành, giảm 1 bậc so với năm 2017 nhưng nằm trong “Nhóm khá” của cả nước so với vị trí đứng đầu “Nhóm trung bình” của năm trước.

Trong 10 chỉ số thành phần của PCI năm 2018 của tỉnh, có 7 chỉ số thành phần tăng điểm và 3 chỉ số thành phần giảm điểm. Tuy nhiên chỉ có 5 chỉ số thành phần tăng bậc xếp hạng còn lại 5 chỉ số giảm bậc xếp hạng.

Phân tích về các chỉ số tăng hạng, ông Nguyễn Đại Vui, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong 5 chỉ số thành phần tăng hạng năm 2018 có 3 chỉ số giảm bậc trong năm 2017 gồm: Chỉ số Gia nhập thị trường; Chỉ số Tiếp cận đất đai; Chỉ số Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Cả 3 chỉ số này đều đã được cải thiện, cụ thể các chỉ số trên lần lượt tăng lên 25,1 và 3 bậc.

Như vậy, những nỗ lực của tỉnh trong việc triển khai các giải pháp nhằm cải thiện vị trí xếp hạng các chỉ số giảm bậc trong năm 2017 đã phát huy hiệu quả và đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận. Trong đó, Chỉ số Gia nhập thị trường được cải thiện đáng kể nhất, tăng 25 bậc. Với số ngày đăng ký doanh nghiệp, số ngày thay đổi đăng ký doanh nghiệp được rút ngắn đáng kể, thủ tục được niêm yết công khai, cùng cán bộ hướng dẫn rõ ràng, đầy đủ, am hiểu chuyên môn, nhiệt tình và thân thiện đã đưa tỉnh tiến lên dẫn đầu cả nước về chỉ số này.

Môi trường công khai

Chỉ số PCI năm nay cũng ghi nhận những nỗ lực của tỉnh trong công tác xây dựng môi trường công khai, minh bạch về các thông tin quy hoạch, mời thầu, cung cấp nhanh chóng các tài liệu cần thiết cho doanh nghiệp, các Hiệp hội doanh nghiệp cũng phần nào phát huy được vai trò trong việc góp ý, xây dựng các chính sách của tỉnh thông qua việc tăng từ vị thứ 16 lên đứng đầu cả nước về chỉ số Tính minh bạch.

Giao dịch tại Trung tâm hành chính công của tỉnh

Đánh giá về các chỉ số giảm bậc xếp hạng, ông Nguyễn Đại Vui cho biết thêm, trong 5 chỉ số giảm bậc, có 2 chỉ số tăng điểm là Chi phí không chính thức, tăng 0,23 điểm nhưng giảm 16 bậc; Cạnh tranh bình đẳng, tăng 0,52 điểm nhưng giảm 2 bậc - điều này thể hiện tỉnh đã có nhiều động thái trong cải thiện các chỉ số này, tuy nhiên nhìn nhận một cách khách quan, các tỉnh, thành khác đã có các hoạt động cải thiện tốt hơn.

Cũng theo ông Vui, 3 chỉ số Chi phí thời gian, Tính năng động và Đào tạo lao động với mức giảm bậc lần lượt là 20, 25, 18 (mức giảm điểm lần lượt là 0,48 là 0,47 và 0,56). Trong đó cảm nhận của doanh nghiệp về thời gian thực hiện TTHC vẫn chưa được rút ngắn hơn so với quy định, số thời gian làm việc với thanh, kiểm tra thuế vẫn tiếp tục tăng cao; Lãnh đạo tỉnh có chủ trương đúng đắn nhưng việc thực thi ở cấp huyện/thị thì vẫn chưa được thực hiện tốt, những vướng mắc của doanh nghiệp vẫn chưa được tháo gỡ một cách kịp thời; Giáo dục phổ thông, giáo dục dạy nghề tại tỉnh có chất lượng chưa cao, tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm tỷ lệ thấp…

Đánh giá về điều tra PCI cả nước, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, Giám đốc dự án PCI cho rằng, một số lĩnh vực của môi trường kinh doanh có sự thay đổi tích cực hơn so với 2017 như cắt giảm chi phí không chính thức (tăng 0,73 điểm), tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các DN thuộc khu vực kinh tế tư nhân với các khu vực kinh tế khác (tăng 0,54 điểm) và cải cách hành chính (tăng 0,46 điểm). Chứng tỏ các địa phương đang rất nỗ lực trong công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại địa phương mình.

Chỉ số PCI đã trở thành công cụ hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách thông qua việc cung cấp các chỉ tiêu, dữ liệu về chất lượng điều hành kinh tế, yếu tố quan trọng đối với đầu tư và tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân.

Những chỉ số PCI đã góp phần chỉ ra những lĩnh vực cải cách nào là cần thiết tại tỉnh. Và để xác định các hạn chế đang không được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao rơi vào đơn vị nào (sở, ban, ngành hay địa phương) để từ đó thực hiện các biện pháp điều chỉnh tốt hơn.

Năm qua, tỉnh cũng đã đưa vào đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở ban ngành và địa phương. Trong thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh các sở ban ngành và địa phương thuộc tỉnh năm 2019.

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp

Trong đó, kết quả của Bộ chỉ số DDCI cần được dùng làm thước đo để UBND tỉnh đánh giá năng lực điều hành kinh tế của chính quyền các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ban, ngành thuộc tỉnh và cần có các hình thức tuyên dương, khen thưởng hay phê bình phù hợp nhằm tạo một động lực cải cách mạnh mẽ hơn hướng đến các cấp chính quyền - là các cơ quan, đơn vị thường xuyên giao dịch, làm việc với doanh nghiệp.

“Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rằng việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh chắc chắn cần rất nhiều biện pháp và sự vào cuộc của cả hệ thống chính quyền chứ không chỉ mỗi biện pháp trên. Chính vì vậy, để tiến nhanh hơn các tỉnh, thành khác trong cuộc đua cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tỉnh ta cần quyết liệt hơn nữa trong các động thái cải thiện các chỉ số thành phần”, ông Vui nói.

Cũng theo ông Vui, thời gian tới sẽ tiếp tục xây dựng chính quyền điện tử với các sáng kiến trong phát triển đô thị thông minh, hướng các hoạt động quản lý và điều hành địa phương trở nên phù hợp và thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tập trung giải quyết hồ sơ qua môi trường mạng nhằm minh bạch hóa và tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp; tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận với các chính sách của Nhà nước, tiến đến tháo gỡ các rào cản, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh; tăng cường các công tác đối thoại, tiếp xúc doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ và giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp…

Bài, ảnh: Hà Nguyên- My Nguyễn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI là chia sẻ của ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại chương trình gặp gỡ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 do Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Câu lạc bộ FDI tổ chức tối 12/12.

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top