ClockThứ Ba, 09/07/2024 06:40
BẤT CẬP HẠ TẦNG LƯỚI ĐIỆN:

Cần có lộ trình để giải quyết dứt điểm - Bài 2: Những nỗ lực để cấp điện an toàn, bền vững

TTH - Những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế (TTHPC) đã nỗ lực trong cải tạo, nâng cấp mạng lưới điện, đảm bảo hành lang an toàn lưới điện; đồng thời giải quyết những bất cập về hạ tầng lưới điện, hướng tới mục tiêu cấp điện an toàn, bền vững.

Tăng cường đầu tư hạ tầng lưới điệnCần có lộ trình để giải quyết dứt điểm - Bài 1: Chưa theo kịp sự phát triển

 Bảo dưỡng lưới điện, đảm bảo cấp điện mùa nắng nóng tại khu vực thành phố Huế. Ảnh: TTHPC

Những nỗ lực

Cuối tháng 5/2024, hàng chục hộ dân sinh sống ở các con hẻm và kiệt 9 đường Nam Giao (phường Thủy Xuân, TP. Huế) vui mừng khi đường dây trung thế 35kV (dây trần) được tháo dỡ (trước đó khoảng hơn 1 năm, đường dây này đã cắt điện, đưa vào dự phòng). Đây là đường dây điện trung thế 35kV từ trạm biến áp 110 Ngự Bình đi Bình Điền (nay là xã Bình Tiến, thị xã Hương Trà) và sau này kéo lên A Lưới đi qua phường An Tây, Thủy Xuân (TP. Huế) do UBND tỉnh đầu tư xây dựng cách đây trên dưới 40 năm.

Ông Lê Văn Thành, trú tại 17/9 Nam Giao cho biết, thời điểm xây dựng đường dây điện, khu vực này còn là đường đất, nhà cửa có chưa tới 10 hộ. Đến khi đường kiệt được bê tông hóa, nhiều nhà tách hộ, bán đất, nhà cửa cũng phát triển lên gần 100 hộ, nhưng do vướng đường dây điện nên nhiều hộ không thể xây dựng nhà mà chỉ làm nhà tạm để ở, ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống, sinh hoạt.

Theo người dân sống trong khu vực, do là đường dây điện trần, độ phóng điện mạnh nên mỗi lần mưa gió, bụi tre ở khu vực này bị gió vô tình đẩy vào đường dây diện gây cháy, nổ rất lớn, làm người dân bất an. Ông Lê Vũ Khánh, trú tại 40/9 Nam Giao cho biết, đường dây điện đi qua đất do ông cố và ông nội để lại. Mặc dù ông lấy vợ ra ở riêng, nhưng không thể xây dựng nhà do vướng đường dây điện. Nay, đường dây này đã được tháo dỡ nên ông cũng như các hộ dân trong xóm có thể an tâm sinh sống, xây dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống.

Thông tin từ ngành điện lực, cột điện nằm trong khuôn viên nhà dân, đi qua khu dân cư là vấn đề lớn do lịch sử để lại, đa số các trường hợp này là lưới điện của các HTX bàn giao cho ngành điện quản lý. Trong những năm qua, TTHPC đã triển khai các dự án nhằm đảm mục đích cấp điện an toàn và ổn định, đồng thời tháo dỡ các cột điện đi trong khuôn viên đất của người dân.

Riêng giai đoạn 2020-2023 đã thi công hoàn thành 96 dự án, với tổng quy mô tăng thêm trên 379km đường dây; 79 MVA TBA và tổng mức đầu tư trên 589 tỷ đồng. Dự án Cải tạo và phát triển lưới điện trung, hạ áp khu vực trung tâm huyện lỵ, thành phố của tỉnh Thừa Thiên Huế (sử dụng vốn vay KfW3.1) triển khai từ năm 2019-2023, với tổng mức đầu tư 205 tỷ đồng, quy mô 148km đường dây trung áp và 28km đường dây hạ áp. Trong đó, đã thực hiện di dời 1.559 vị trí, như: công trình di dời cột điện trung thế tại khu vực Lăng Cô ra dọc đường Quốc lộ 1A, nâng chiều cao thành cột bê tông ly tâm 16 mét; di dời đường dây điện ra dọc QL 1A của dự án Nâng cao độ tin cậy cung cấp điện khu vực Hương Trà; công trình di dời ra dọc QL 49B của dự án Hoàn thiện lưới điện đường dây trung thế 22kV Vinh An đi Vinh Hưng; di dời đường dây băng qua nhà người dân xã Thủy Vân 36 vị trí, xã Thủy Bằng 24 vị trí…

 Điện lực Thừa Thiên Huế thay đồng hồ điện mới theo định kỳ 5 năm/lần cho khách hàng. Ảnh: D. Trương

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), thời gian qua, căn cứ kết quả thẩm định của Sở Công thương đạt tiêu chí về điện xã nông thôn mới, ngành điện đã tích cực phối hợp với các địa phương bố trí nguồn vốn đầu tư, sửa chữa lớn và sửa chữa thường xuyên, cải tạo lưới điện, hỗ trợ người dân kết gọn đường dây sau công tơ đảm bảo các tiêu chí NTM, NTM nâng cao. Kết quả năm 2023, theo đánh giá sở chuyên ngành có 94/94 xã đạt tiêu chí về điện nông thôn mới, 4 xã đạt tiêu chí về điện xã nông thôn mới nâng cao.

 Đối với các kiến nghị di dời cột điện do địa phương mở rộng đường, thời gian qua đã được TTHPC trả lời đến các địa phương và được các địa phương ghi nhận, bố trí kinh phí vào dự án, TTHPC hỗ trợ về mặt giải pháp kỹ thuật. Đối với một số dự án mở rộng đường nông thôn trước đây, quy mô nhỏ lẻ, khi dự án hoàn thành nhưng chưa bố trí kinh phí di dời hạ tầng điện, TTHPC cũng đã hỗ trợ địa phương thực hiện di dời. Cụ thể, 5 vị trí cột ở thôn Truyền Nam, xã Phú An sau khi địa phương nâng cấp đường bê tông, cột điện nằm giữa đường giao thông, năm 2019, TTHPC đã bố trí kinh phí di dời.

Đảm bảo hành lang an toàn lưới điện

Theo lãnh đạo TTHPC, công tác bảo vệ an toàn hành lang lưới điện cao áp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành điện trong việc đảm bảo cấp điện an toàn, liên tục và chất lượng. Do đó, công tác kiểm tra lấn chiếm vi phạm hành lang an toàn lưới điện được TTHPC kiểm tra thường xuyên, liên tục. Các vi phạm hành lang lưới điện hiện nay vẫn chủ yếu là trồng cây, xây nhà cơi nới vi phạm hành lang.

Đối với việc xây nhà của người dân có khả năng vi phạm hành lang lưới điện, Điện lực quản lý liên quan sẽ gửi thông báo an toàn đến hộ gia đình và các hướng dẫn cần thiết. Trường hợp hộ gia đình không chấp hành tiếp tục xây dựng, cơi nới dẫn đến vi phạm hành lang lưới điện, Điện lực quản lý sẽ mời chính quyền địa phương để xử lý, địa phương xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật hiện hành. Với trường hợp cây ngoài hành lang có nguy cơ ngã, đổ vào đường dây điện đang vận hành, Công ty sẽ thỏa thuận với chủ cây để bồi thường chặt hạ theo đơn giá hiện hành của UBND tỉnh và ký cam kết không trồng lại. Trong năm 2023, Công ty đã thỏa thuận với chủ cây, chủ rừng chặt hạ hơn 7.208 cây, với số tiền thỏa thuận đền bù là 280 triệu đồng. Bên cạnh đó, Công ty đã gửi thông báo đến 295 trường hợp cơi nới công trình vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp.

Ông Lê Đức Dũng, Phó Giám đốc Công ty Điện lực tỉnh khẳng định: Những năm qua, TTHPC đã phối hợp với địa phương để tuyên truyền công tác bảo vệ hành lang lưới điện, các nguy cơ, tai nạn có thể xảy ra khi vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Đây cũng nội dung tuyên truyền để phòng tránh tai nạn điện trong dân. Tại mỗi Điện lực đều có đầu mối hướng đẫn người dân giải quyết các thắc mắc về vi phạm hành lang, hướng dẫn người dân tháo dỡ các công trình vi phạm cũng như hướng dẫn người dân chặt hạ cây để tránh ngã đổ vào đường dây, lưới điện.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Lương Bảy, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, nhằm tăng cường biện pháp đảm bảo an toàn điện và giảm thiểu vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp, hàng năm Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế phối hợp với các đơn vị quản lý, vận hành lưới điện trong việc triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho hành lang lưới điện cao áp và công tác tuyên truyền về an toàn điện. Chỉ đạo các đơn vị quản lý, vận hành lưới điện tăng cường kiểm tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm, kiên quyết xử nghiêm, không để phát sinh vụ việc mới.

Giải quyết dứt điểm bất cập theo lộ trình

Ông Lê Đức Dũng cho biết thêm, TTHPC thường xuyên tiếp nhận các phản ánh của người dân về hiện trạng cột điện đang nằm trong đất của dân trên ứng dụng phản ánh hiện trường Hue-S. Đây là kênh thông tin nhanh nhất, được phần lớn người dân trên địa bàn tỉnh sử dụng để phản ánh với điện lực. Hiện nay, TTHPC đang chỉ đạo các điện lực trực thuộc tiến hành kiểm tra, rà soát số lượng cột điện, đường dây điện nằm trong các khu vực dân cư cần di dời, để xây dựng kế hoạch và phân kỳ đầu tư hàng năm theo lộ trình. Trước mắt ưu tiên đầu tư di dời đối với những điểm, khu vực có nguy cơ mất an toàn về cấp điện hoặc cột hỏng, đường dây xuống cấp; trường hợp có nhiều cột liên tiếp trong đất của người dân, nhưng cột điện vẫn còn đảm bảo an toàn cấp điện TTHPC lập phương án di dời, sắp xếp nguồn vốn để đầu tư di dời; trường hợp cột điện nằm trong khu đất của người dân nhưng do có nhu cầu di dời gấp để phục vụ mục đích riêng, TTHPC sẽ hỗ trợ giải pháp kỹ thuật để di dời. Vị trí cột dựng mới phải phù hợp với quy hoạch của địa phương.

Để di dời cột điện từ vị trí này sang vi trí khác cũng như hệ thống đường dây điện ra đường công cộng phải có một nguồn kinh phí rất lớn. Vì vậy, không thể “một sớm một chiều” có thể giải quyết rốt ráo tất cả những bất cập, phản ánh của người dân mà cần có lộ trình dài hơi.

Ông Nguyễn Lương Bảy khẳng định, Sở Công thương đã đề nghị UBND cấp huyện, TTHPC cùng phối hợp, tổ chức kiểm tra, thống kê số lượng cột điện, đường dây điện đi qua khu vực dân cư ảnh hưởng đến việc xây dựng, cải tạo sửa chữa nhà ở... của người dân cần di dời, để TTHPC làm cơ sở xây dựng kế hoạch và lộ trình di dời; đồng thời, tổng hợp số liệu gửi về Sở Công thương để theo dõi đôn đốc, kiểm tra, giám sát, giải quyết những bất cập hiện hữu, hướng đến cấp điện an toàn, bền vững.

(Còn nữa)

Bài, ảnh: Hải Huế - Lê Thọ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ưu tiên nguồn lực giải quyết dứt điểm kiến nghị của cử tri

Trước các kỳ họp HĐND huyện Quảng Điền, nhiều cử tri kiến nghị với lãnh đạo tỉnh, huyện các vấn đề về hạ tầng dân sinh và những góp ý về các vấn đề giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, cấp, thoát nước... Hầu hết các kiến nghị đó được lãnh đạo huyện và các ban, ngành quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực, giải quyết kịp thời, dứt điểm.

Ưu tiên nguồn lực giải quyết dứt điểm kiến nghị của cử tri
THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Lộ Trình Học Hành Chính Nhân Sự Cho Người Mới Bắt Đầu

Trong bối cảnh thị trường lao động biến đổi nhanh chóng và công nghệ ngày càng phát triển mạnh mẽ, ngành nhân sự đòi hỏi những kỹ năng và kiến thức ngày càng cao hơn. Để thành công trong lĩnh vực này, việc có một lộ trình học hành chính nhân sự hiệu quả là vô cùng quan trọng.

Lộ Trình Học Hành Chính Nhân Sự Cho Người Mới Bắt Đầu
Bất cập hạ tầng lưới điện:
Cần có lộ trình để giải quyết dứt điểm - Bài 3: Hoàn thiện hạ tầng, chuyển “mạng nhện” xuống lòng đất

Xử lý rốt ráo các hành vi làm mất an toàn lưới điện; có cơ chế di dời trụ điện, đường dây điện bất hợp lý ra khỏi khu dân cư… chỉ là những lát cắt nhỏ trong tổng thể giải pháp giải quyết bất cập hạ tầng lưới điện hiện nay. Ngoài việc đầu tư hạ tầng lưới điện, trước thực tế dây điện như mê cung trên không đang tồn tại phổ biến thì các cơ quan chức năng cần có giải pháp dài hơi, đặc biệt trong thời điểm đô thị Huế đang tiến lên Trung ương.

Cần có lộ trình để giải quyết dứt điểm - Bài 3 Hoàn thiện hạ tầng, chuyển “mạng nhện” xuống lòng đất

TIN MỚI

Các kiểu bếp chiên điện phổ biến quạt trần tiết kiệm điện Phân phối máy lạnh sharp Lê Phạm
Return to top