ClockThứ Tư, 10/07/2024 06:33
Bất cập hạ tầng lưới điện:

Cần có lộ trình để giải quyết dứt điểm - Bài 3: Hoàn thiện hạ tầng, chuyển “mạng nhện” xuống lòng đất

TTH - Xử lý rốt ráo các hành vi làm mất an toàn lưới điện; có cơ chế di dời trụ điện, đường dây điện bất hợp lý ra khỏi khu dân cư… chỉ là những lát cắt nhỏ trong tổng thể giải pháp giải quyết bất cập hạ tầng lưới điện hiện nay. Ngoài việc đầu tư hạ tầng lưới điện, trước thực tế dây điện như mê cung trên không đang tồn tại phổ biến thì các cơ quan chức năng cần có giải pháp dài hơi, đặc biệt trong thời điểm đô thị Huế đang tiến lên Trung ương.

Cần có lộ trình để giải quyết dứt điểm - Bài 2: Những nỗ lực để cấp điện an toàn, bền vữngCần có lộ trình để giải quyết dứt điểm - Bài 1: Chưa theo kịp sự phát triển

 Việc ngầm hóa lưới điện được triển khai tại nhiều khu đô thị mới

Những điểm sáng

Ngày 3/6/2016, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Công văn số 3063/UBND-TN yêu cầu UBND TP. Huế chỉ đạo công tác phối, kết hợp giữa các đơn vị và các ban quan lý dự án để triển khai đồng bộ ngầm hóa hệ thống điện, nước, viễn thông, truyền hình cáp, đồng thời với dự án cải thiện môi trường nước, chỉnh trang đô thị tại một số tuyến đường; cung cấp hồ sơ thi công và yêu cầu tiến độ cho các đơn vị chủ quản công trình cấp điện, nước, dịch vụ viễn thông, truyền hình cáp. Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế khẩn trương nghiên cứu, triển khai dự án ngầm hóa hệ thống điện, đảm bảo tiến độ thi công chung với các dự án cải thiện môi trường nước, chỉnh trang đô thị thành phố Huế.

Triển khai công văn này, Dự án Cải thiện môi trường nước đã phối hợp với Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế và các doanh nghiệp viễn thông để hoàn thành công tác ngầm hóa lưới điện, cáp viễn thông. Để triển khai thực hiện ngầm hóa một số tuyến đường tại khu vực trung tâm như Phạm Ngũ Lão, Võ Thị Sáu, Chu Văn An, Lê Lợi và Hùng Vương, công ty đã đầu tư 37 tỷ đồng, ngầm hóa đường dây trung áp, hạ áp với tổng chiều dài hơn 9km và lắp đặt trạm biến áp.

Bây giờ, đây là các tuyến phố du lịch sầm uất, nơi tọa lạc của các đơn vị lưu trú, tập trung đông đảo du khách nước ngoài. “Việc ngầm hóa lưới điện không chỉ giúp diện mạo đô thị hiện đại, khang trang, mà cuộc sống của người dân cũng an toàn hơn khi không còn chứng kiến dây điện chằng chịt, lơ lửng trên đầu; giảm thiểu sự cố lưới điện. Ngoài ra, khách du lịch an tâm hơn khi tham quan tại Huế”, chị Nguyễn Thị Tâm, người dân sống trong khu vực chia sẻ.

Mới đây, một tuyến phố hiện đại khác là đường Hai Bà Trưng được đầu tư, chỉnh trang nâng cấp thành phố đi bộ. Dự án chỉnh trang đường Hai Bà Trưng (phường Vĩnh Ninh, TP. Huế) có quy mô đầu tư với chiều dài toàn tuyến khoảng 850m, khởi công từ tháng 9/2022. Sau khi hoàn thành dự án, hệ thống đường dây hạ thế của tuyến đường này đã được ngầm hóa, đảm bảo an toàn, mỹ quan đô thị. 

Không chỉ các tuyến phố nói trên, các công trình khép vòng lưới điện và nâng dung lượng các trạm biến áp tại các địa điểm trung tâm thành phố, nơi thường xuyên tổ chức các lễ hội lớn như Kỳ đài, Quảng trường Ngọ Môn, Chương Đức, Hiển Nhơn, Cung An Định… cũng được đầu tư với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng.

Thực ra, việc ngầm hóa lưới điện TP. Huế đã được ngành điện triển khai cách đây hàng chục năm. Giai đoạn 1999 - 2000, từ nguồn vốn ODA, gần 100km lưới điện tại TP. Huế cũng đã được ngầm hóa. Và sau này, các khu đô thị mới mở ra, hệ thống lưới điện cũng được ngầm hóa, đảm bảo bộ mặt khang trang, sạch đẹp.

Hệ thống lưới điện đường Hai Bà Trưng được ngầm hóa tạo ra diện mạo mới cho đô thị 

Xây dựng lộ trình đầu tư hạ tầng lưới điện

Không phủ nhận công tác ngầm hóa lưới điện được ngành điện lực, chính quyền địa phương quan tâm, song, trong điều kiện hiện nay, lưới điện nổi còn chiếm phần lớn. Không chỉ các vùng nông thôn, ngay tại trung tâm thành phố, không khó để phát hiện các hệ thống “mạng nhện trên không”. Cứ vào mùa mưa bão, người dân sống cạnh “mạng nhện” không khỏi lo lắng. “Không chỉ khu phố của tôi, tại nhiều tuyến đường, đặc biệt là con kiệt, ngõ, hẻm, dây điện chằng chịt trên không mất mỹ quan đô thị. Vào mùa mưa bão, “hệ thống mạng nhện” trên không này rất dễ bị đánh bay, gây nguy hiểm cho người đi đường, khu dân cư”, ông Phan Tấn (TP. Huế) chia sẻ.

Huế được biết đến là thành phố du lịch, văn minh, hiện đại, thành phố festival của Việt Nam. Song, một số thời điểm khách du lịch tỏ ra khó chịu với hệ thống dây điện trên không. Trong một lần theo dõi đoàn nghệ thuật cà kheo Bỉ biểu diễn tại Festival Huế 2024, nhiều khán giả, trong đó có tôi không khỏi ngao ngán khi đoàn biểu diễn qua một số tuyến đường, trên đầu nghệ sĩ là “tổ nhện” dây điện, nhếch nhác và mất mỹ quan. 

Tại các vùng lõi đô thị của TP. Huế hầu như năm nào, công tác chỉnh trang đô thị cũng được đầu tư, triển khai, song việc ngầm hóa lưới điện không triển khai đồng bộ, đặc biệt trong quá trình chỉnh trang đô thị, không ít lần lưới điện bị hư hỏng. Điển hình, khi dự án Cải thiện môi trường nước được triển khai, thống kê cho thấy, việc thi công DA đã gây hàng loạt sự cố đứt hỏng cáp ngầm 22kV ở khu vực bờ nam TP. Huế, ảnh hưởng nghiêm trọng việc cung cấp điện tại nhiều khu vực, các cơ quan quan trọng.

Các cơ quan chức năng cho rằng, quá trình triển khai ngầm hóa lưới điện vấp phải nhiều khó khăn về hạ tầng đô thị, như vỉa hè một số tuyến đường không đủ mặt bằng để bố trí, lắp đặt thiết bị; quá trình khai thác, nhiều tuyến đường đã thay đổi hiện trạng do nâng cấp, mở rộng làm đường dây điện ngầm bị dịch chuyển xuống lòng đường; các đơn vị liên quan như cấp, thoát nước, viễn thông chưa có sự phối hợp đồng bộ. Đặc biệt, trở ngại lớn nhất trong thực hiện ngầm hóa lưới điện là nguồn vốn, khi theo tính toán kinh phí thi công 1km đường điện ngầm đắt gấp 3 lần so với thông thường.

Trong tiến trình hoàn thiện hạ tầng đô thị để đáp ứng tiêu chuẩn cho thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai, hệ thống giao thông hay các khu đô thị mới đang dần hình thành, tạo nên diện mạo mới. Quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung đô thị, các quy hoạch phân khu cũng đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó đều có những quy định liên quan đến phát triển hạ tầng lưới điện. Điển hình như, Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đối với đường dây lưới điện, trong trường hợp có sự tăng trưởng phụ tải ở một số khu vực một cách đột biến dẫn đến phải điều chỉnh, bổ sung quy mô, thay đổi phương án đấu nối đường dây thực hiện theo quy định. Sử dụng dây dẫn hoặc cáp ngầm có thông số kỹ thuật tương đương với chủng loại dây dẫn theo quy hoạch, theo điều kiện thực tế. Chiều dài đường dây sẽ được chuẩn xác trong giai đoạn thực hiện đầu tư.

Lãnh đạo tỉnh cho biết, song song với việc đầu tư hệ thống hạ tầng, thời gian tới, công tác ngầm hóa lưới điện cũng sẽ được quan tâm để cải môi trường đô thị, phù hợp với các quy hoạch. Vừa qua, để đảm bảo hành lang an toàn lưới điện và mỹ quan đô thị, ngầm hóa đường dây trung, hạ thế thuộc một số đường chính trong Khu đô thị mới An Vân Dương. Ban Quản lý dự án Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - tiểu dự án Thừa Thiên Huế đã phối hợp Công ty Điện lực tỉnh lập biên bản làm việc về các đường dây trung, hạ thế ảnh hưởng hành lang an toàn lưới điện khi nâng cao độ các tuyến đường Võ Nguyên Giáp và Tố Hữu.

Theo Quy hoạch Điện VIII, trên địa bàn tỉnh dự kiến phát triển các dự án lưới điện truyền tải, đó là các trạm biến áp 220kV; các đường dây 220kV. Hiện EVN/EVNNPT đang triển khai dự án trạm biến áp 220kV Chân Mây và đường dây 220kV Chân Mây – rẽ Hòa Khánh – Huế để phục vụ cấp điện cho Khu kinh tế Chân Mây với tiến độ hoàn thành dự kiến năm 2025-2026. Đối với các công trình lưới điện truyền tải còn lại, EVN sẽ căn cứ nhu cầu phụ tải của tỉnh và nhu cầu vận hành của hệ thống điện để triển khai với quy mô và tiến độ phù hợp.

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn tỉnh dự kiến sẽ phát triển thêm 104MW các nguồn điện năng lượng tải tạo, nâng tổng quy mô công suất nguồn điện lên 271MW.

Sau khi có Quyết định 1745/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, EVNCPC/CTĐL Thừa Thiên Huế đang rà soát danh mục và đề xuất thời gian đầu tư các danh mục công trình điện 110kV dự kiến trong thời kỳ Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế để phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh.

Bài, ảnh: Hải Huế - Lê Thọ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hoàn thiện hạ tầng, sắp xếp trụ sở 2 quận sau khi thành lập

Ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết (NQ) thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương và NQ thành lập 2 quận Phú Xuân và Thuận Hóa thuộc TP. Huế. Để triển khai các NQ trên, UBND TP. Huế đã và đang hoàn thiện hạ tầng, sắp xếp trụ sở làm việc cũng như bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức… sẵn sàng cho việc vận hành bộ máy hành chính mới vào đầu năm 2025.

Hoàn thiện hạ tầng, sắp xếp trụ sở 2 quận sau khi thành lập
Khơi thông luồng lạch, hoàn thiện hạ tầng nghề cá

Việc đầu tư xây dựng các dự án (DA) nâng cao năng lực hạ tầng nghề cá kết hợp với việc neo đậu, tránh trú bão trên địa bàn nhằm tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế và phòng, chống thiên tai. Sau khi hoàn thành, các công trình sẽ góp phần khôi phục hoạt động của cảng cá, âu thuyền và thúc đẩy sự phát triển kinh tế của ngư dân trong vùng DA.

Khơi thông luồng lạch, hoàn thiện hạ tầng nghề cá
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp nhóm lớn nhất toàn cầu nghiên cứu tham gia các dự án hạ tầng tại Việt Nam

Chiều tối 9/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với Đoàn lãnh đạo 18 doanh nghiệp dòng họ Trang, dòng họ Nghiêm đến từ 11 tỉnh, thành phố của Trung Quốc do ông Nghiêm Giới Hòa, người sáng lập Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương và Tập đoàn xây dựng Tô Thương – những doanh nghiệp thuộc 500 doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu, dẫn đầu đang thăm, tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư tại Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp nhóm lớn nhất toàn cầu nghiên cứu tham gia các dự án hạ tầng tại Việt Nam
Đầu tư hạ tầng, dịch vụ lưu trú đẳng cấp

Sự cạnh tranh mạnh mẽ của các điểm đến du lịch trong nước và nhu cầu ngày càng cao của du khách đặt ra yêu cầu cần đẩy mạnh hơn nữa việc đầu tư hạ tầng, hiện đại hóa điểm đến, trong đó có hạ tầng, dịch vụ lưu trú đẳng cấp.

Đầu tư hạ tầng, dịch vụ lưu trú đẳng cấp
Hoàn thiện hạ tầng, kích cầu du lịch

Với đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông, nhiều tiện ích đô thị ở một số khu vực trên địa bàn TP. Huế hoàn thiện đã góp phần kích cầu du lịch, tạo động lực để các doanh nghiệp (DN) đầu tư thêm dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu của du khách.

Hoàn thiện hạ tầng, kích cầu du lịch

TIN MỚI

Return to top