ClockThứ Hai, 11/09/2023 05:53

Cần sớm bố trí nguồn lực ứng phó thiên tai

TTH - Theo thống kê mới nhất, hiện có hơn 70 điểm nguy cơ sạt trượt đất, lũ quét và nhiều km sạt lở bờ sông, biển được cảnh báo trên địa bàn tỉnh, ảnh hưởng đến khoảng 5.000 hộ dân. UBND tỉnh đề xuất Chính phủ, bộ, ngành Trung ương hỗ trợ nguồn vốn xây dựng kè biển, sông và di dời các hộ dân tái định cư an toàn ở các địa phương.

Đầu tư kè biển ứng phó thiên taiSẵn sàng ứng phó với thiên taiNam Đông sẵn sàng các phương án ứng phó với thiên tai

 Đầu tư kè ứng phó sạt lở biển Phú Thuận (Phú Vang)

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai và thời tiết cực đoan diễn biến ngày càng phức tạp, trong những năm gần đây, đặc biệt là các năm 2020, 2022 trên địa bàn tỉnh liên tục chịu ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới, nước biển dâng.

Ngoài ra, do đặc điểm yếu tố địa hình các dòng sông, suối ở tỉnh ngắn và dốc, nên thường có hiện tượng mất cân bằng lượng bùn cát và các nguyên nhân khác đã gây ra tình trạng sạt lở đất, đá, sạt lở bờ sông, bờ biển, bồi lấp cửa biển trên địa bàn tỉnh diễn ra rất nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng.

Nhiều năm trở lại đây, khu vực biển xã Vinh Thanh (Phú Vang) mỗi mùa mưa bão, tình trạng triều cường, sóng lớn gây xâm thực biển nghiêm trọng. Tình trạng sạt lở, xâm thực biển diễn biến nhiều nhất ở khu vực thôn 2, xã Vinh Thanh, “ăn” sâu vào đất liền từ 7-10m, trên chiều dài hàng trăm mét.

Nhiều năm trước, xâm thực biển đã đánh đổ các gốc phi lao tạo thành hàm ếch khoét sâu vào đất liền, làm tuyến đường bê tông ven bãi tắm Vinh Thanh bị sập đổ nhiều đoạn. Có chỗ sóng biển xâm lấn gây sạt lở đến khu vực kinh doanh dịch vụ dọc bờ biển. Nếu không được đầu tư xây dựng kè kiên cố ứng phó sạt lở, tỉnh trạng xâm thực làm tăng nguy cơ ảnh hưởng đến khu dân cư và nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp.

Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, tình hình sạt lở bờ biển hiện nay tiếp tục diễn biến phức tạp, toàn tỉnh có hơn 14,5km bờ biển bị xâm thực sâu từ 10- 15m ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân, các công trình hạ tầng giao thông thiết yếu và ảnh hưởng đến các khu du lịch, công nghiệp, các di tích lịch sử.

Trong đó, sạt lở tập trung các khu vực xã Phong Hải, Điền Hòa huyện Phong Điền trên chiều dài 3km; xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền 1km; xã Hải Dương, TP. Huế 1km và các xã Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên, Vinh Thanh, huyện Phú Vang trên chiều dài 7,2km.

Công trình kè biển Phú Thuận (Phú Vang) đang triển khai thi công 

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh cũng có 64km bờ sông hiện đang bị sạt lở, trong đó sạt lở nặng với chiều dài hơn 20km tập trung nhiều nhất tại các đoạn sông Hương với chiều dài khoảng 4km, sông Bồ 8km, sông Ô Lâu 5km… đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 1.000 hộ dân, làm mất hơn 60ha đất canh tác, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, các công trình di tích lịch sử, các công trình thủy lợi, đường dây điện và hệ thống đường giao thông đi lại ở các địa phương.

Trong khi đó, ngành chức năng cũng cảnh báo tại khu vực Bốt Đỏ huyện miền núi A Lưới, tình trạng sạt lở đất dưới chân đồi đã tạo các vết trượt dài xuống khu dân cư, xuất hiện các vết nứt gãy, nguy cơ xảy ra sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ dân đang sinh sống với diện tích khoảng 1,6ha. Các khu vực trượt lở đất đá đồi núi dọc tuyến Quốc lộ 49A trên đèo A Co, dọc đường Hồ Chí Minh và các thôn, bản trên địa bàn cũng tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến dân cư trong khu vực.

Trên cơ sở nguồn vốn hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai 10 tháng đầu năm 2022 (tỉnh Thừa Thiên Huế được phân bổ 150 tỷ đồng), UBND tỉnh đã bố trí 120 tỷ đồng để thực hiện các công trình, dự án quan trọng nhằm khắc phục hậu quả thiên tai như xử lý khẩn cấp sạt lở bờ biển đoạn qua Thuận An - Tư Hiền, sạt lở bờ biển xã Phú Thuận và khắc phục hư hỏng các công trình và các tuyến đường giao thông trọng yếu. Hiện nay, các dự án đang triển khai thực hiện và sẽ giải ngân hết phần vốn đã bố trí trong năm 2023.

Ông Đặng Văn Hòa, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, trong các năm qua bằng nhiều nguồn vốn, trên địa bàn tỉnh đã triển khai đầu tư xây dựng các công trình kè chống sạt lở biển, bờ sông như dự án xử lý khẩn cấp sạt lở bờ biển đoạn qua xã Phú Thuận dài khoảng 1km; dự án xử lý sạt lở bờ biển đoạn qua xã Phú Thuận, Phú Hải dài 0,3km và đê ngầm giảm sóng, tạo bãi bồi 550m; kè chống sạt lở bờ sông Hương khoảng 6km; kè chống sạt lở bờ sông Bồ khoảng 1,2km và kè chống sạt lở bờ sông Truồi hơn 1,2km.

Để tạo điều kiện có nguồn kinh phí thực hiện khắc phục thiệt hại thiên tai sạt lở, lũ quét ổn định đời sống dân cư, UBND tỉnh đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Bộ NN&PTNT báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế đưa vào chương trình hỗ trợ cho tỉnh để di dời các hộ dân vùng sạt lở, kè chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Theo đó, bao gồm dự án di dời khẩn cấp các hộ dân vùng sạt lở 107 tỷ đồng; kè chống sạt lở bờ biển 1.140 tỷ đồng; kè chống sạt lở bờ sông 681 tỷ đồng.

Trước mắt, để kịp thời khắc phục những điểm sạt lở nặng, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, UBND tỉnh đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai quan tâm đề xuất Chính phủ bố trí cho tỉnh khoảng 300 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 để đầu tư xây dựng những điểm sạt lở nặng, cần xử lý khẩn cấp.

Theo đó, đề xuất bố trí vốn triển khai các dự án kè chống sạt lở bờ biển đoạn còn lại qua khu vực xã Phú Thuận dài khoảng 1,5km với tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng; kè chống sạt lở bờ sông Bồ khoảng 4,4km (đoạn qua xã Phong Sơn, Phong An, huyện Phong Điền dài 3,4km và đoạn qua xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền dài khoảng 1km), tổng mức đầu tư 75 tỷ đồng và kè chống sạt lở bờ sông Hương đoạn qua phường Hương Hồ, TP. Huế khoảng 0,8km, tổng mức đầu tư 25 tỷ đồng.

Nâng cấp cống trên đê ven phá

UBND tỉnh cũng đề xuất Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai hỗ trợ dự án nâng cấp hệ thống đê điều và các cống trên đê ven phá Tam Giang - Cầu Hai để tăng khả năng thoát lũ, chống úng, ngập bảo đảm sản xuất nông nghiệp với kinh phí khoảng 500 tỷ đồng. Nâng cấp đảm bảo an toàn cho 12 hồ chứa nước với kinh phí 220 tỷ đồng và nâng cấp, sửa chữa công trình đường giao thông tỉnh lộ, đường liên xã, liên thôn với kinh phí 100 tỷ đồng.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quân đội Indonesia sẵn sàng ứng phó với 6 núi lửa nguy hiểm

Tính đến ngày 11/11, ngoài núi lửa Lewotobi Laki-Laki ở miền Đông đang phun trào mạnh gây thiệt hại cho khu vực này, có 5 ngọn núi lửa khác ở Indonesia đang ở trạng thái cần theo dõi chặt chẽ vì có nguy cơ cao hoạt động trở lại. Quân đội Indonesia đã chuẩn bị lực lượng ứng phó nhanh với thảm họa để sẵn sàng kịp thời ứng phó.

Quân đội Indonesia sẵn sàng ứng phó với 6 núi lửa nguy hiểm
Tổ chức xóa nhà tạm, nhà dột nát phải đồng bộ, đa dạng hóa nguồn lực

Sáng 10/11, chủ trì Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước (Ban Chỉ đạo), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo cho rằng, Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát là chương trình nhân văn sâu sắc, phải được triển khai với tinh thần trách nhiệm cao, cảm xúc mạnh mẽ, với tư duy đổi mới; nhấn mạnh thời gian, trí tuệ và sự quyết tâm, quyết liệt là yếu tố mang tính quyết định của Phong trào.

Tổ chức xóa nhà tạm, nhà dột nát phải đồng bộ, đa dạng hóa nguồn lực
Rà soát phương án, sẵn sàng ứng phó bão Yinxing

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã ban hành Công điện số 8356/CĐ-BNN-ĐĐ về việc ứng phó với bão Yinxing gần Biển Đông. Công điện nêu rõ: Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, cơn bão Yinxing đang hoạt động trên vùng biển phía Đông Bắc đảo Lu Dông (Philippines).

Rà soát phương án, sẵn sàng ứng phó bão Yinxing
Chủ động hơn trong việc ứng phó với thiên tai

Thừa Thiên Huế là địa phương thường xuyên phải hứng chịu các trận bão lụt lớn, nên người dân ngày càng chủ động hơn trong ứng phó với thiên tai, giảm thiểu đến mức thấp nhất các thiệt hại.

Chủ động hơn trong việc ứng phó với thiên tai
Return to top