ClockThứ Sáu, 25/08/2023 08:03

Đầu tư kè biển ứng phó thiên tai

TTH - Nhiều tuyến kè ứng phó sạt lở bờ biển, đê chắn sóng được đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành trong năm 2023. UBND tỉnh đang cân đối nguồn lực để bố trí kinh phí triển khai thực hiện những đoạn kè biển tiếp theo và đề xuất Trung ương, các bộ, ngành hỗ trợ xây dựng khoảng 3,7km kè xử lý khẩn cấp sạt lở bờ biển qua các địa phương với tổng mức đầu tư khoảng 390 tỷ đồng.

Kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm

Dự án Xử lý sạt lở bờ biển đoạn qua các xã Phú Thuận, Phú Hải, huyện Phú Vang đang triển khai thi công 

Trong những năm qua, có khoảng 2km kè bờ biển đã được triển khai thi công qua địa bàn xã Phú Thuận (Phú Vang), góp phần ứng phó sạt lở, ổn định dân cư, bảo vệ đất sản xuất vùng ven biển. Từ tháng 4/2023, Dự án Xử lý sạt lở bờ biển đoạn qua xã Phú Thuận, xã Phú Hải, huyện Phú Vang được triển khai thi công đã góp phần tạo nên “lá chắn” cho vùng biển này.

Công trình do Công ty cổ phần Xây dựng thủy lợi Thừa Thiên Huế đảm nhiệm thi công, Ban Quản lý dự án (QLDA) Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 160 tỷ đồng.

Dự án có quy mô xây dựng tuyến kè bảo vệ bờ biển có chiều dài khoảng 300m với hình thức kè dạng mái nghiêng, kết cấu mái và chân bằng các khối phủ bê tông đặt trên các lớp đá hộc; đỉnh kè kết hợp đường giao thông bằng bê tông và gia cố bằng đá lát. Xây dựng tuyến đê ngầm giảm sóng, tạo bãi bồi phía biển, cách mép bờ khoảng 200m có chiều dài 550m với tuyến đê dạng mái nghiêng, kết cấu bằng các khối phủ bê tông đặt trên các lớp đá hộc.

Ghi nhận của PV tại công trường cho thấy, đơn vị thi công đang tiến hành huy động máy móc, nhân lực triển khai hoàn thành đóng cọc xây dựng kè, dầm khóa đầu cọc, bơm cát tại điểm thi công với tiến độ đạt từ 70-80% khối lượng công việc. Theo Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh, đến nay, công trình đã đạt 63% tổng khối lượng xây lắp với các hạng mục như đê ngầm tiến độ đạt 64%, hiện đang thi công đá hộc và lắp dựng cấu kiện đê ngầm; hạng mục kè bờ tiến độ đạt 58%, đang thi công đá hộc và lắp dựng cấu kiện mái kè.

Ông Văn Viết Thành, Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng thủy lợi Thừa Thiên Huế cho biết, để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão năm nay, nhà thầu đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục và khóa điểm dừng kỹ thuật phù hợp. Các hạng mục chính có thể ảnh hưởng trực tiếp như đê ngầm, kè bờ hiện nay đang tập trung thi công hoàn thành trước mùa mưa bão năm nay. Phấn đấu trước ngày 26/12/2023 hoàn thành toàn bộ công trình. 

Tương tự, tại hạng mục đê ngăn cát, giảm sóng phía Bắc (dài 320m) và Nam (dài 300m) thuộc Dự án Cảng cá Tư Hiền kết hợp khu neo đậu tránh, trú bão (Phú Lộc), đang triển khai thi công cũng đạt từ 83-95% khối lượng các hạng mục. Hiện công trình đạt 80 tổng khối lượng xây lắp và sẽ hoàn thành trong năm 2023.

Theo Sở NN&PTNT (chủ đầu tư dự án), để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão năm nay, nhà thầu đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục. Các hạng mục chính có thể ảnh hưởng trực tiếp như tuyến đê ngăn cát, giảm sóng hiện nay đang tập trung thi công hoàn thành khối lượng còn lại. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng đã xây dựng phương án phòng, chống thiên tai, bão lũ năm 2023 nhằm chủ động ứng phó trong mọi tình huống, giảm sự tổn hại cho các hạng mục công trình.

Mặc dù trong những năm qua, công tác xây dựng kè ứng phó sạt lở, xâm thực biển đã được ưu tiên bố trí vốn và tranh thủ sự hỗ trợ nguồn vốn từ Trung ương, tuy nhiên hiện trên địa bàn vẫn còn khoảng 10km đường bờ biển sạt lở và nguy cơ sạt lở qua các mùa mưa bão. Trong đó, nhiều đoạn bờ biển qua các xã Phú Thuận, Vinh Thanh, Vinh An (Phú Vang) tiếp tục bị sạt lở, xâm thực sâu vào từ 5-10m, trên chiều dài nhiều km.

Theo Sở NN&PTNT, đối với các đoạn bờ biển qua xã Phú Thuận, trong các năm qua, bằng nguồn vốn của Trung ương và địa phương, một số đoạn kè chống sạt lở khẩn cấp bờ biển qua địa bàn xã này đã được đầu tư với chiều dài khoảng 2km, tổng mức đầu tư hơn 130 tỷ đồng.

Để tiếp tục xử lý các đoạn sạt lở bờ biển tại huyện Phú Vang, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án Xử lý sạt lở bờ biển đoạn qua xã Phú Thuận, xã Phú Hải, huyện Phú Vang với chiều dài tuyến kè khoảng 300m và tuyến đê ngầm giảm sóng dài khoảng 550m, tổng kinh phí 160 tỷ đồng, thực hiện bằng nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Trung ương. Dự án này hiện đang triển khai thi công.

Ngoài ra, trong năm 2023, UBND tỉnh đã bố trí kinh phí 80 tỷ đồng từ nguồn vốn khắc phục thiên tai của Trung ương để đầu tư kè chống sạt lở bờ biển đoạn qua xã Phú Thuận (đoạn còn lại tiếp giáp với đoạn kè đã đầu tư) và giao Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh làm chủ đầu tư, hiện đã triển khai các thủ tục và khởi công, hoàn thành trong năm 2023.

Đối với các đoạn sạt lở qua địa bàn xã Phú Hải đến xã Phú Diên, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án Kè chống sạt lở khẩn cấp bờ biển đoạn Phú Hải - Phú Diên, huyện Phú Vang với chiều dài 1,9km, tổng kinh phí 190 tỷ đồng và giao Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư. Đối với dự án này hiện đang cân đối nguồn lực để bố trí kinh phí triển khai thực hiện.

Trước đó, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Kè chống sạt lở bờ biển khẩn cấp đoạn Thuận An - Tư Hiền, trong đó có đoạn bờ biển bị xâm thực qua xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang dài 570m. Dự án giao Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh làm chủ đầu tư, đến nay đã thực hiện hoàn thành 2 đoạn kè qua xã Giang Hải, huyện Phú Lộc dài hơn 3,2km, nguồn vốn đã bố trí cho dự án khoảng 230 tỷ đồng. Các đoạn còn lại UBND tỉnh đang chỉ đạo các sở, ngành liên quan nghiên cứu sớm bố trí vốn để thực hiện.

Thừa Thiên Huế có tổng chiều dài đê biển được phê duyệt là 181km (trong đó có 174 cống) bảo vệ hơn 11.100ha lúa và khoảng 40.000 người, tuyến đê sau khi được đầu tư chịu được bão cấp 9 và triều 5%. Từ năm 2006 đến nay, bằng nguồn vốn của Trung ương và địa phương chỉ mới đầu tư được khoảng 78km đê biển với tổng mức đầu tư khoảng 600 tỷ đồng, đạt khoảng 40% trên tổng chiều dài đê theo chương trình nâng cấp đê biển của Chính phủ.
Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây kè ứng phó sạt lở bờ biển

Tình trạng sạt lở bờ biển diễn biến phức tạp ở một số địa phương ngay giữa mùa khô. Nguồn vốn tiếp tục được "rót" để xây kè, xử lý khẩn cấp các đoạn bờ xung yếu ở các địa phương.

Xây kè ứng phó sạt lở bờ biển
Châu Á - Thái Bình Dương:
Đầu tư vào hệ thống nông sản thực phẩm để đảm bảo an ninh lương thực

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cần ưu tiên xây dựng các hệ thống nông sản thực phẩm linh hoạt và bền vững nhằm đạt được mục tiêu trở thành nhà đóng góp chính cho an ninh lương thực trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, báo cáo mới nhất từ Vụ Đánh giá độc lập (IED) của ADB cho biết.

Đầu tư vào hệ thống nông sản thực phẩm để đảm bảo an ninh lương thực
Phát triển cẩm nang toàn cầu giúp ứng phó tình trạng nhiệt độ tăng

Các thành phố trên thế giới đang phải đối mặt với tình trạng nhiệt độ cao không ngừng, phá vỡ nhiều kỷ lục trong năm nay. Những tháng gần đây, các đợt sóng nhiệt đã buộc nhiều trường học từ New Delhi cho đến Manila phải đóng cửa; và những tác động sẽ trở nên tồi tệ hơn khi nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng.

Phát triển cẩm nang toàn cầu giúp ứng phó tình trạng nhiệt độ tăng

TIN MỚI

Return to top