Chi phí logistics của Việt Nam thuộc top cao so với thế giới
Từ sự hội nhập sâu rộng nền kinh tế quốc tế thông qua các FTA (Hiệp định Thương mại tự do song phương và đa phương), nền kinh tế của Việt Nam được đánh giá là một nền kinh tế ngày càng có độ mở rất cao. Hiểu một cách khác là nền kinh tế hướng vào nhập khẩu và xuất khẩu.
Thế nhưng, chi phí logistics của Việt Nam hiện nay đứng vào hàng cao trên thế giới. Một số liệu cho biết, chi phí logistics của Việt Nam lên đến 30%, trong khi Thái Lan, một nước lân cận Việt Nam chi phí vào khoảng 12% và bình quân của thế giới là 14%.
Có nhiều yếu tố tác động đến chi phí logistics, trong đó có điều kiện hạ tầng. Là một đất nước đang phát triển nên điều kiện hạ tầng của Việt Nam còn yếu. Điều này đã làm tăng chi phí lưu chuyển hàng hóa và giá thành sản phẩm. Yếu tố này chúng ta không dễ cải thiện trong ngày một ngày hai.
Xét về mặt kinh tế, một khi chi phí cao, muốn cạnh tranh được buộc phải “hy sinh” biên lợi nhuận, tức là, chẳng hạn đáng lý lợi nhuận được một đồng thì chúng ta chỉ nhận được 0,8 hoặc 0,85 đồng. Thôi thì trong điều kiện còn nhiều hạn chế, chúng ta buộc phải như vậy là điều chấp nhận được.
Vấn đề là ở chỗ, nhà đầu tư ít khi nào muốn từ bỏ lợi nhuận của mình. Mà kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam có đến chừng hơn 70% thuộc khối đầu tư nước ngoài. Đến đây, chúng ta sẽ thấy phần nhận lại được của Việt Nam rất thấp. Nhà đầu tư không từ bỏ lợi nhuận trong điều kiện chi phí cao, thế thì lấy gì để bù đắp? Yếu tố dễ nhận thấy nhất là tận dụng nguồn nhân công giá rẻ. Điều này cũng phù hợp với nền kinh tế Thừa Thiên Huế trong phát triển công nghiệp, chủ yếu là gia công, mà rõ nhất là ngành dệt may. Nhiều ông chủ của ngành dệt may giàu lên, đồng thời cũng sinh ra một lượng công nhân đông đảo với thu nhập vài triệu đồng một tháng. Một khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động vào năm 2019 cho thấy, mức thu nhập về lương cơ bản của công nhân dệt may chỉ nhỉnh hơn 4,2 triệu đồng/tháng/người, đó là chưa tính đến phụ cấp, tiền ăn ca. Mà những khoản này cũng không lớn. Muốn tăng thêm thu nhập, công nhân ngành dệt may buộc phải làm thêm giờ!?
Như vậy, chi phí đầu vào của sản phẩm nói chung và chi phí logistics nói riêng không chỉ ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế mà còn ảnh hưởng đến mức lương, tức là thu nhập của người lao động. Nếu một ngành nào đó hướng mạnh vào xuất khẩu, ví dụ như ngành dệt may thì cũng đồng nghĩa sẽ sinh một lượng lớn công nhân có thu nhập thấp – thuật ngữ chúng ta thường hay nghe là nguồn nhân công giá rẻ. Có thể đến một lúc nào đó “lợi thế” này sẽ mất đi. Tuy nhiên nhìn vào những điều kiện của Việt Nam hiện tại, thì có thể còn một thời gian rất dài nữa tình hình mới được cải thiện.
Kim ngạch xuất nhập khẩu của Thừa Thiên Huế chừng trên dưới 1 tỷ USD. Năm 2020, theo báo cáo của Cục Hải quan tỉnh, tính đến giữa tháng 11/2020, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cảng hơn 1,26 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 777 triệu USD với các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là các sản phẩm gia công, dăm gỗ, clinker. Kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 449,281 triệu USD, với các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên phụ liệu hàng gia công, sản xuất, xuất khẩu lĩnh vực may mặc, sợi; nguyên liệu sản xuất men frit, bia, vỏ lon. Độ mở của nền kinh tế chưa lớn, chúng ta chưa chịu nhiều áp lực từ logistics, nhưng đó là điều không thể không tính đến trong thời gian tới.
Bài: NGUYÊN LÊ - Ảnh: HOÀNG PHƯỚC