ClockThứ Ba, 26/09/2023 05:51

Chỉ thị 40 và sức mạnh từ sự đồng lòng - Bài 2: Để vốn đối ứng địa phương là “trợ lực”

TTH - Trong điều kiện nguồn lực của địa phương khá hạn chế nhưng những năm qua, UBND tỉnh và các huyện, thị, thành phố đã quan tâm dành nguồn ngân sách Nhà nước ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần cùng nguồn vốn của Trung ương trợ lực cho người dân phát triển kinh tế.
 Nguồn vốn tín dụng chính sách hỗ trợ người dân thực hiện giấc mơ an cư

Thêm nguồn lực

Một trong bốn nội dung quan trọng được nhắc đến trong Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội chính là tập trung nguồn lực và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội. Cụ thể, cần ưu tiên cân đối nguồn vốn ngân sách Nhà nước để thực hiện các chương trình, dự án tín dụng chính sách xã hội và bảo đảm hoạt động ổn định, bền vững của Ngân hàng Chính sách xã hội. HĐND, UBND các cấp tiếp tục dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn vay vốn.

Theo đó, Thừa Thiên Huế cũng đã tập trung nguồn lực để thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn. Hàng năm, UBND tỉnh, các huyện, thị xã và TP. Huế đều dành một phần ngân sách chuyển bổ sung qua NHCSXH để cho vay đáp ứng nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn, nhất là các đối tượng thụ hưởng đặc thù gắn với các chương trình, kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương trong từng giai đoạn. Từ khi thực hiện Chỉ thị số 40 đến nay, UBND các cấp đã cân đối ngân sách chuyển 171,1 tỷ đồng sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay cùng với nguồn vốn của Trung ương, tăng 6,3 lần so với trước khi có Chỉ thị số 40. Trong đó, ngân sách tỉnh chuyển sang 101,6 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện 69,5 tỷ đồng.

Nguồn vốn này được tập trung đầu tư vào những lĩnh vực quan trọng theo định hướng của địa phương. Ví như tại Nam Đông, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách huyện chuyển sang NHCSXH chủ yếu đầu tư phát triển các sản phẩm chủ lực địa phương, như cam, chuối, dứa Kaien… giúp định hình và phát triển các sản phẩm chủ lực theo nghị quyết của Huyện ủy, HĐND huyện. Không thể phủ nhận, nguồn vốn này đã góp phần quan trọng giúp người dân mạnh dạn đầu tư phát triển vùng trồng, chất lượng sản phẩm cũng như đầu tư mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Ông Trương Phước, xã Hương Xuân, huyện Nam Đông là một những hộ vay vốn từ nguồn vốn ủy thác từ ngân sách huyện qua Phòng giao dịch NHCSXH huyện Nam Đông để phát triển mô hình trồng cam theo đề án phát triển cây cam Nam Đông. Nhờ nguồn vốn này, ông đã phát triển diện tích cây cam lên 1,5ha, đồng thời phát triển thêm diện tích ổi, thơm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các sản phẩm chủ lực của gia đình cũng được thị trường đón nhận và các sở, ban, ngành hỗ trợ xây dựng, chuẩn hóa chất lượng nhờ đó mang lại thu nhập ổn định cho gia đình hơn 200 triệu đồng/năm.

Theo nhận định của ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH, sự tăng trưởng nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương trong thời gian gần đây đã thể hiện sự quan tâm rất lớn của cấp ủy, chính quyền địa phương; sự chỉ đạo sát sao của Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp, sự phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả của các ban, ngành, đơn vị liên quan trong việc tập trung, huy động nguồn vốn để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Nguồn vốn được triển khai kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng đã phát huy hiệu quả trong việc triển khai các chương trình, mục tiêu của tỉnh về giảm nghèo nhanh và bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và bảo đảm an sinh xã hội. Kết quả đó đã được cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp ghi nhận, đánh giá cao làm cơ sở tiếp tục bố trí ngân sách chuyển bổ sung vốn sang NHCSXH.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng thừa nhận, mặc dù tỉnh đã quan tâm bổ sung nguồn vốn tín dụng chính sách hàng năm, năm sau cao hơn năm trước, tuy nhiên, tỷ lệ nguồn vốn ủy thác địa phương so với tổng nguồn vốn tín dụng chính sách của tỉnh còn thấp so với bình quân chung cả nước. Hiện, toàn tỉnh mới đạt 5,02% trong khi bình quân chung toàn quốc đã là 10,6%.

Thiếu vốn bổ sung cho các chương trình, dự án

Việc thiếu nguồn vốn bổ sung cho vay được xem là rào cản rất lớn trong thúc đẩy phát triển tín dụng chính sách. Bởi, nguồn vốn phân bổ để cho vay chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm của Trung ương hiện phụ thuộc một phần từ nguồn vốn đối ứng (vốn ủy thác) của địa phương. Khi địa phương (cấp tỉnh, huyện) quan tâm tăng nguồn ngân sách ủy thác sang NHCSXH mới góp phần thúc đẩy thêm nguồn vốn đối ứng từ Trung ương, đồng thời tạo thêm cơ hội vay vốn cho lao động cũng như doanh nghiệp để khôi phục và phát triển kinh tế.

Thực tế, việc chuyển nguồn vốn địa phương sang NHCSXH cho vay vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Nhiều chương trình, dự án dù được thông qua song nguồn vốn vẫn chưa được phân bổ. Chẳng hạn, năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh trong trạng thái bình thường mới 2022-2023”, trong đó có nội dung bổ sung kinh phí cho NHCSXH phục vụ cho vay giải quyết việc làm, đầu tư trang thiết bị với kinh phí 100 tỷ đồng, nhưng đến nay nguồn vốn vẫn chưa có để phân bổ. Trong khi đó, nguồn vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân.

Theo kết quả khảo sát, năm 2023, nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm theo Nghị quyết 11/NQ-CP trên toàn tỉnh là 533 tỷ đồng, nhưng nguồn vốn có thể cân đối để thực hiện trong năm 2023 là 217 tỷ đồng (nguồn vốn Trung ương 50 tỷ đồng, nguồn vốn địa phương 22 tỷ đồng, nguồn vốn thu hồi nợ để cho vay quay vòng 145 tỷ đồng). Hiện trên địa bàn vẫn còn thiếu 316 tỷ đồng mới đáp ứng đủ nhu cầu vốn vay của người dân.

Hay theo Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND về “Quy định một số chế độ, chính sách hỗ trợ người lao động trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2021-2025” và Nghị quyết số 30/NQ-HĐND về “Chương trình việc làm tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025” sẽ bổ sung nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm và cho vay xuất khẩu lao động giai đoạn 2021-2025 tổng số tiền là 156,6 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021-2023 bổ sung 86,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngân sách tỉnh mới chuyển 52 tỷ đồng, đến năm 2023 vẫn còn thiếu 34,6 tỷ đồng, trong khi nhu cầu vay vốn đi làm việc ở nước ngoài rất lớn nhưng không đáp ứng được nhu cầu vay vốn của lao động.

Phát huy những cách làm hay

Không thể phủ nhận, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương là nguồn lực quan trọng trong phát triển bền vững tín dụng chính sách. Song việc linh hoạt trong chuyển vốn đang bị bó hẹp trong nguồn ngân sách của địa phương. Trong khi đó, nhiều địa phương đang huy động, vận dụng được rất nhiều nguồn vốn để bổ sung sang NHCSXH cho vay.

Ví như tại xã Phú Mậu, TP. Huế; phường Hương Xuân, Hương Vân, Hương Văn, thuộc thị xã Hương Trà, các địa phương này có một cách làm sáng tạo để tăng vốn ủy thác địa phương đó là thu hồi và chuyển vốn từ các dự án ODA, dự án phi Chính phủ… sau khi kết thúc chương trình vào nguồn vốn ủy thác giao NHCSXH quản lý.

Theo ông Nguyễn Văn Trai - Chủ tịch UBND xã Phú Mậu, nguồn vốn ủy thác của xã Phú Mậu đang duy trì ở mức 230 triệu đồng phục vụ nhu cầu cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn. Đây là nguồn vốn không nhỏ góp phần giải quyết nhu cầu vay vốn tại chỗ cho người dân và thể hiện sự thống nhất trong công tác điều hành và phát huy hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách tại xã Phú Mậu. Ngoài ra, xã luôn tập trung chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong quản lý, nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách, tập trung các nguồn lực để triển khai thực hiện các chương trình. Xây dựng, lồng ghép mô hình, chương trình, dự án với việc triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn.

Ngoài những cách làm sáng tạo để huy động nguồn lực hỗ trợ nguồn vốn sang NHCSXH phục vụ cho vay, tỉnh cũng cần đẩy mạnh hơn trong hoạt động chỉ đạo, điều hành thể hiện sự quan tâm đối với hoạt động tín dụng chính sách. Ngoài ra, Chi nhánh NHCSXH tỉnh cũng cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội đặc thù. Chủ động thực hiện tốt việc huy động, quản lý và sử dụng vốn hiệu quả; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, hiện đại hóa ngân hàng. Nâng cao năng lực quản trị và công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; phát triển các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ đem lại tiện ích cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác…

Bài, ảnh: Hoàng Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

KỶ NIỆM 65 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG BĐBP (3/3/1959-3/3/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY BIÊN PHÒNG TOÀN DÂN (3/3/1989-3/3/2024)
“Chìa khóa” phát huy sức mạnh biên phòng toàn dân

Rộn ràng những niềm vui, rạng rỡ những nụ cười, ấm áp những cái bắt tay thật chặt giữa bộ đội biên phòng (BĐBP) và người dân, đó là “bức tranh” đẹp đẽ trên 33 xã, phường, thị trấn biên giới, trong “Ngày hội Biên phòng toàn dân”.

“Chìa khóa” phát huy sức mạnh biên phòng toàn dân
Đoàn kết - sức mạnh vượt qua mọi khó khăn

94 năm qua, Đảng bộ tỉnh đã có những bước chuyển đáng ghi nhận. Đoàn kết chính là sức mạnh để Đảng bộ tỉnh tập trung lãnh, chỉ đạo và đạt được những kết quả quan trọng trên tất các lĩnh vực, hướng đến mục tiêu, đưa tỉnh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Đoàn kết - sức mạnh vượt qua mọi khó khăn
Sức mạnh của sự dịu dàng

Trong mắt bạn bè, đồng nghiệp, Nhiên là một cô gái tích cực, an hòa, lúc nào cũng mỉm cười, mang đến cảm giác dễ chịu, thoải mái cho những ai tiếp xúc với cô. Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói “Vũ khí của người phụ nữ là sự tươi mát, là sự dịu dàng, là sự không trách móc”. Vì vậy cũng không mấy ngạc nhiên khi Nhiên được nhiều chàng trai theo đuổi, người thân yêu quý, tin cậy để sẻ chia, bày tỏ nỗi niềm và làm chủ cảm xúc của chính mình.

Sức mạnh của sự dịu dàng
Thêm “phương tiện” tái hòa nhập cộng đồng

Những khách hàng đầu tiên của chương trình vay vốn theo Quyết định 22/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù vừa được Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh giải ngân. Chính sách này đã thể hiện được tính nhân văn của Đảng và Nhà nước giúp người chấp hành xong án phạt tù có thêm cơ hội tái hòa nhập cộng đồng.

Thêm “phương tiện” tái hòa nhập cộng đồng
Return to top