Lá thuốc Dạ Lê được nhiều người biết đến, ưa chuộng
Vặt lá “tìm” cơm
Thời tiết Huế đầu hạ vốn đỏng đảnh nắng mưa, tìm về làng Dạ Lê, thưởng thức ngụm nước lá dân dã của vùng quê, nghe vị đắng đầu lưỡi, chút vị thanh ngọt của núi rừng hào phóng, mới thấy hết nỗi nhọc nhằn của người “vặt” lá thuốc mưu sinh. Anh bạn làm tài xế Bắc - Nam của tôi, không biết từ lúc nào đã trở thành khách quen của điểm bán lá thuốc của bà Lê Thị Sương (tổ 1, phường Thủy Phương), nhưng như lời anh nói, nhờ những cành lá thuốc khô, đóng bao trông dân dã đó mà mẹ anh đã đỡ hẳn chứng mất ngủ, xương khớp của tuổi già.
Ghé cơ sở thu gom lá thuốc của bà Sương bên chợ Dạ Lê, bà rót cốc nước lá đặc đến “đứng đũa” mời khách, rồi bảo: “Nhà báo uống đi, thưởng thức rồi viết…mới hay được”. Bà Sương trước đây vốn là du kích, hoạt động cách mạng trên rừng. “Dấu vết” những năm tháng hào hùng giờ là ký ức như những cơn mưa rừng, nhưng đồi nương hào phóng đã “níu” chân bà trở lại nghề hái lá thuốc khi thời bình. Đó là những chuyến băng rừng vượt núi “săn” lá thuốc thời trẻ. Khi đã có tuổi, đôi chân không còn vững, bà mở cơ sở thu mua lá thuốc của những bà con trong làng chuyên làm nghề này.
Ba Nguyễn Thị Hằng (tổ 1, Thủy Phương), một thợ hái lá rừng
Tìm đến con ngõ đầu tổ 1, từ ngoài vào đã sực nức mùi các loại lá quý được người dân phơi ven đường, chuẩn bị đóng bao đi bán. Làm nghề hái lá thuốc đến đời ông Ngô Văn Sáu, bà Nguyễn Thị Hằng đã là đời thứ 3. Như lời bà Hằng nói, khi bà về làm dâu xứ này, mấy chục năm trước, đã thấy lá thuốc phơi đầy ngõ. Rồi bà Hằng cũng nghỉ công việc đồng áng, cùng chồng rong ruổi trên những cánh rừng tìm lá thuốc. Tiếp chuyện, ông Sáu say sưa giới thiệu cách nhận biết, công dụng từng loại lá rừng mà ông dày công tìm kiếm. Bao nhiêu năm kinh nghiệm đã cho ông Sáu những kiến thức về các loại lá thuốc như một nhà thực vật học thực thụ.
Các loại lá cây, rễ được người dân hái từ rừng gồm bướm bạc, nhân trần, mắm nêm, hà thủ ô, hoàng đằng, bội, đông, ngáy bò… được mang về phân loại, lượm rác rồi phơi khô. Ông Sáu bảo, xưa những người đi kháng chiến nhớ mặt lá rừng rồi về truyền lại cho con cháu, cư dân trong vùng. Núi rừng hào phóng, chỉ cần lên nương rẫy gần nhà là có. Bây giờ, đội quân hái lá ngày một đông, chính sách phát triển rừng kinh tế đã làm vùng đất có nhiều lá thuốc thu hẹp lại nên người hái lá phải đi xa hơn.
Công việc hái lá thuốc của cư dân Dạ Lê bắt đầu từ 4-5 giờ sáng, họ đi từng tốp 3-4 người, để xe máy ở bìa rừng rồi theo triền núi, băng đồi mà đi. Cứ mỗi chuyến đi, bình quân mỗi hộ dân kiếm được khoảng 100kg lá tươi, sau khi phơi khô còn khoảng 50kg. Với giá bán tùy loại từ 50-150 nghìn đồng/bao (loại 3kg), mỗi người đi hái lá rừng cũng kiếm được 200-300 nghìn đồng/ngày. Lá rừng Dạ Lê có giá cũng phải chăng nên không chỉ những gia đình có điều kiện ở thành phố mà ngay cả người dân ở các vùng nông thôn cũng mua về nấu, uống hàng ngày. “Nước lá đông, mắm nêm, uống vào ngủ ngon, hỗ trợ tiêu hóa, chữa viêm loét dạ dày; hà thu ô bổ máu, chữa tóc bạc, lá vằng dùng cho phụ nữ mới sinh... Lá rừng Dạ Lê không chỉ dùng để uống bồi bổ sức khỏe mà còn để nấu xông chữa các loại bệnh như viêm khớp, đau lưng, cảm hàn”. Ông Sáu nhấp ngụ nước lá, tâm tình.
Cái tâm với nghề
Lá rừng vươn xa
“Trên địa bàn phường có khoảng 30 hộ dân chuyên làm nghề hái lá thuốc bán cho nhiều cơ sở ở các chợ. Trong đó, tập trung chủ yếu ở tổ 1 với khoảng 25 hộ. Lá thuốc Dạ Lê là một sản phẩm truyền thống của địa phương, qua các hội chợ làng nghề, ngoài các sản phẩm như chổi đót, lá thuốc Dạ Lê vẫn được địa phương trưng bày giới thiệu. Với nhiều công dụng, bổ ích cho sức khỏe nên lá thuốc Dạ Lê đã được nhiều địa phương biết đến, góp phần mang lại thu nhập khá cho các hộ dân làm nghề”, ông Trương Văn Công, Chủ tịch UBND phường Thủy Phương cho biết.
|
Với người dân Dạ Lê, rừng đã đong bát gạo đầy cho vùng quê nghèo nhưng không vì thế mà người dân nơi đây quên đi chữ tâm trong nghề. “Làm nghề hái lá có hai điều quan trọng: Phải nhận diện được thứ lá mình hái để không nhầm lẫn và mùa nương rẫy, đốt thực bì thì phải ngưng hái lá”, bà Nguyễn Thị Chua (tổ 2), một người hái lá rừng bộc bạch. Bà Chua là một trong những người hái lá rừng hiếm hoi ở Dạ Lê bởi nghề này rất gian nan vất vả, chỉ phù hợp với cánh mày râu. Bao nhiêu năm kinh nghiệm trong nghề, bà Chua có cách nhận diện từng loại lá thuốc để không lẫn các loại lá rừng khác khi bán cho khách.
“Lá bướm bạc thường có hoa màu trắng, lá ngáy bò hình tựa lá đào, cây có trái, lá ngáy hương có gai, màu xanh pha vàng. Lá thuốc thì đi hái hầu như quanh năm, trời mưa nếu ai có sức khỏe, băng rừng tốt thì đi được. Nhưng đầu mùa trồng rừng, mùa phát thực bì, những cánh rừng thường sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật thì mình tuyệt đối không đi hái. Sau mùa mưa, cây cối sinh sôi, một mùa vụ hái lá thuốc cũng bắt đầu”. Bà Chua chia sẻ.
Câu chuyện bà Chua nhớ mãi là có lần, bà cùng một thợ rừng đi qua rừng tràm gần khu vực trồng sắn. Nơi đây vốn là khu vực bước vào vụ trồng sắn, nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật rất nhiều. “Tui với người bạn rừng tranh cãi một hồi rồi tui rẽ qua hướng khác, hôm đó về nhà chỉ được chừng nửa bao lá thuốc thôi. Nói thật, mình hái ở đó thì cũng chẳng ai biết, nhưng lương tâm mình không cho phép. Làm nghề mấy chục năm nay, dân làng Dạ Lê có được uy tín, lá thuốc Dạ Lê theo đường thiên lý Bắc- Nam đi khắp mọi nơi, không lẽ vì chút nớ mà mình đánh mất “thương hiệu” lá thuốc của làng hay sao?”. Bà Chua bộc bạch.
Thợ “săn” lá Ngô Văn Sáu bảo rằng, đi rừng mà gặp mây, lá trơng xen lẫn trong lá thuốc thì quá vất vả. Để có lá thuốc, người thợ phải phát cây ròng rã cả ngày, cây gai đâm chân tay tứa máu là chuyện thường. Vất vả, hiểm nguy thế nhưng lá mình hái về phải đảm bảo, mình nấu uống trước, dùng trong gia đình xong mới nghĩ đến chuyện mang bán cho người ta. Những chuyến đi rừng đối diện rắn rết, trượt chân ngã hay vướng bẫy thú rừng cũng không còn là câu chuyện hiếm gặp với dân hái lá rừng Dạ Lê. Song, như lời ông Sáu nói, sinh nghề tử nghiệp, dẫu gian nguy, nhưng sinh kế, nghề truyền thống của gia đình mình vẫn không bỏ được.
Hà Nguyên