ClockChủ Nhật, 11/09/2022 06:32

Tóc mây bềnh bồng

Trời vào đầu thu, cơn nắng không còn oi ả gắt gỏng như ngày hè mà nhàn nhạt như tơ từng sợi thả xuống vàng óng ánh. Tôi ra ban công, ngồi thong dong trên ghế mây hong khô tóc vừa gội và lặng ngắm hoàng hôn đang dần tắt nắng trên miền phố. Những cơn gió lãng bãng đùa vui, hương tóc thoảng thơm. Tôi vuốt nhẹ cố định lại mái tóc mây dài đã quá xa thắt lưng. Nó vẫn đen nhánh, dày dặn, mượt suôn và thơm mùi đồng nội để rồi nhung nhớ những kỷ niệm về mái tóc cùng mệ ngoại thuở ấu thơ, trong một chiều thu mênh mang vời vợi.

Mệ là người phụ nữ truyền thống của Huế. Lúc còn nhỏ, mệ vẫn thường kể cho tôi nghe câu chuyện tà áo dài tím với mái tóc thề của người thiếu nữ Huế luôn là hình ảnh đầy thơ, hoa mộng và quá đỗi thân thương. Và cũng bởi vì “cái tóc là gốc con người” nên mệ đã dày công chăm sóc và chỉ dẫn mỗi khi tôi đến thăm.

Là những ngày hè, khi nắng rải vàng khắp mặt sân trước hiên nhà, mệ mang cái nong tre đựng đầy bồ kết ra phơi để dùng dần cả năm bù vào mùa mưa kéo dài ảm đạm. Những trái bồ kết khô giòn, cong dài, đen bóng được mệ cho vào bếp cơi lớp than hồng nướng. Bồ kết nướng đen rụm, mệ đem giã nhỏ, bỏ trong túi vải mềm rồi đem nấu nước sôi với lửa liu riu. Mệ đập dập vài tép sả, lá sả cho vào nồi. Nước sôi thì tắt bếp, vỏ bưởi là nguyên liệu cuối cùng để có thể giữ được tinh dầu bưởi bền lâu trên tóc và quyện hòa thành hỗn hợp nước gội đầu vàng sánh tự nhiên. Mệ dẫn tôi ra sân sau dưới tán cây vú sữa sum suê, nơi có giếng nước lâu năm cho dòng nước ngọt mát mùa nối mùa, có chiếc gáo dừa vắt ngang chum vại cũ. Mệ múc từng gáo nước gội đầu cho tôi giữa những tiếng cười hí hửng, khoan khoái và dễ chịu của đứa trẻ con thích nghịch tóc. Cái cảm giác mỗi lần được mệ nướng, nấu và gội đầu bồ kết là mỗi lần tôi miên man trong mùi vấn vương đồng nội chân quê, cỏ cây lá ngàn, mùi đượm tình bà cháu thảo thơm và cả mùi nếp xưa mà dù có đi muôn nơi, tôi cũng dễ rưng rưng nghẹn ngào.

Đâu phải chỉ có thế, mệ còn hay nấu nước lá hà thủ ô cho tôi uống vì “uống nước này dân gian mình nói xanh tóc, đỏ da, thắm thịt đó cháu”. Thi thoảng mấy o hàng rong bán các loại lá thuốc nam ngoài đường, mệ gọi lại để mua vài ký lá hà thủ ô. Chỉ cần đun sôi rồi bỏ lá vào là có ngay ly nước ngọt lành hữu ích. Mệ tận dụng thêm mè đen rang xay, rồi cho vào cơm trắng để ăn vì mè đen cũng có nhiều công dụng trong việc giúp tóc mềm mượt, đen huyền và dày dặn.

Nhờ được mệ truyền cảm hứng và chỉ dẫn, mái tóc tôi luôn suôn dài, tha thướt một mức độ nhất định. Nó khiến tôi thêm phần dịu dàng nữ tính và có khi còn dễ nổi bật giữa đám đông. Nhớ xiết bao những buổi chiều hè năm ấy, tôi ngồi trong lòng mệ bên bậc thềm nhà, để mệ ve vuốt, chải từng lọn tóc mềm mặc cho nắng buông lơi, gió bồng bềnh dậy hương và thoảng thơm dịu nhẹ. Có khi mệ thắt bím, tạo các kiểu tóc rồi hai bà cháu cười vui bên tiếng gà con kêu chiêm chiếp theo mẹ kiếm mồi, tiếng nhà hàng xóm quét lá rụng rơi xào xạc và những đàn chim kêu từ mênh mông ruộng lúa gần nhà…Bỗng nghe nhịp đời chậm rãi. Bỗng thấy huyền diệu tuổi thơ tìm về…

Cẩm Cát

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chợ lá Dạ Lê

Nằm ven Quốc lộ 1A, những “gian hàng” lá thuốc của chợ Dạ Lê (Thủy Phương, Hương Thủy) trở thành địa chỉ quen thuộc của khách thập phương trên chặng đường thiên lý. Vùng đất bán sơn địa này được “trời phú” cho rừng cây dược thảo, được người dân khai thác nhiều đời và đã trở thành một nghề truyền thống tìm lá thuốc tại địa phương.

Chợ lá Dạ Lê

TIN MỚI

Return to top