|
Xã Quảng An huy động người dân dọn dẹp vệ sinh sau bão số 6 |
Về vùng xung yếu
Quảng An, Quảng Thành, Quảng Công và Quảng Ngạn là những địa bàn xung yếu, thấp trũng, thường chịu thiệt hại mỗi khi mưa bão đến. Với phương châm chủ động phòng ngừa, sẵn sàng các phương án để ứng phó với mưa bão, nhất là lũ lụt, cấp ủy, chính quyền và người dân các xã này đã chủ động các phương án phòng tránh nhằm chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra.
Bí thư Đảng ủy xã Quảng Thành, bà Nguyễn Thị Dạ Thảo chia sẻ: “Thuộc vũng thấp trũng, mưa lớn là lụt nên chúng tôi luôn thực hiện nghiêm túc phương châm “5 tại chỗ” mỗi mùa mưa bão. Song, điều quan trọng vẫn là thay đổi nhận thức của người dân, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong công tác ứng phó với mưa bão, lũ lụt để giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại về tính mạng và tài sản”.
Xã Quảng Thọ cũng thường xuyên ngập úng mỗi khi mưa to. Ông Trần Kìm, Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ cho biết: “Trên địa bàn hiện có nhiều công trình đường sá, cầu cống được đầu tư để tạo diện mạo mới cho bộ mặt nông thôn mới của xã. Nếu không có phương án kỹ lưỡng trong công tác phòng, chống lụt bão thì bao nhiêu mồ hôi công sức của chính quyền địa phương và người dân coi như đổ xuống sông, xuống biển. Do đó, chúng tôi đã chuẩn bị các phương án rất kỹ lưỡng để bảo về tài sản, công trình Nhà nước, an toàn tính mạng cho người dân trong mùa mưa bão”.
Tại các xã vùng ven biển, đầm phá Quảng Công, Quảng Ngạn, Quảng Thái… dưới sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, hệ thống cơ sở thôn đã xuống tận từng hộ gia đình để tuyên truyền, nhắc nhở người dân chằng chống nhà cửa, neo đậu thuyền bè phòng khi bão to, gió lớn lớn xảy ra. “Qua nhiều lần ứng phó, chống chọi với thiên tai nên khi nghe thông báo của chính quyền về mưa bão số 6 là người dân tự chủ động các phương án phòng, chống. Chúng tôi tuyệt đối không để ai ở lại khi có lệnh phải di dời tránh, trú mưa bão”, ông Hồ Phong Nhã, Chủ tịch UBND xã Quảng Ngạn cho biết.
Chủ động ứng phó
Nhận diện sớm tình hình, rút kinh nghiệm qua những lần mưa bão năm ngoái, trước mùa mưa bão năm nay, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Quảng Điền đã quán triệt tinh thần chỉ đạo: Tất cả lãnh đạo chủ chốt của huyện đến các xã, thị trấn phải trực tiếp về cơ sở, đến hiện trường để chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác ứng phó với mưa bão.
Cơn bão số 6 (TRAMI) mới đây, nhờ chủ động, linh hoạt trong ứng phó nên toàn huyện Quảng Điền không để xảy ra những thiệt hại lớn. Trước khi bão đến, các đơn vị, địa phương ở vùng thấp trũng, xung yếu chủ động các phương án ứng phó, di dời 49 hộ gia đình ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn; kêu gọi tất cả các tàu thuyền về nơi trú tránh bão.
“Trước bão số 6, qua kiểm tra tại các địa bàn xung yếu ở Quảng An, Quảng Thành, Quảng Công và Quảng Ngạn, chúng tôi đã lưu ý với đội ngũ lãnh đạo nơi đây là tiếp tục củng cố bộ máy, tổ chức lực lượng xung kích trong phòng, chống thiên tai; xây dựng các phương án phòng, chống thiên tai theo từng mức độ rủi ro; rà soát các công trình trọng điểm để gia cố, đảm bảo an toàn cho các công trình. Tất cả các địa phương phải thực hiện nghiêm và tuân thủ các phương án đảm bảo an toàn cho người dân vùng hạ lưu, ven sông”, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, ông Nguyễn Ngọc Tiến thông tin.
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, ông Lê Ngọc Bảo cũng thường xuyên chỉ đạo, lưu ý các xã, thị trấn tiếp tục tập trung cao cho công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả mưa lũ; chủ động nắm chắc tình hình diễn biến thời tiết, kịp thời thông báo đến người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, thực hiện các biện pháp ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.
Bão số 6 đi qua, huyện Quảng Điền huy động các lực lương cùng bà con nhân dân khẩn trương xử lý môi trường ở các địa bàn khu dân cư. Ông Đặng Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng An cho biết: Do lượng mưa khá lớn, nước dâng cao đã gây ngập lụt tuyến đường thôn Đông Xuyên ra các thôn An Xuân Tây, An Xuân Bắc và An Xuân Đông kéo theo một lượng lớn bèo tây, ảnh hưởng giao thông đi lại của người dân. Ngay trong chiều 27/10 và sáng sớm 28/10, xã Quảng An đã huy động lực lượng xung kích của xã cùng với bà con nhân dân các thôn dọn dẹp vệ sinh môi trường để giao thông đi lại thuận tiện.
Bí thư Huyện ủy Quảng Điền, ông Nguyễn Thanh Minh khẳng định: Thời tiết được dự báo ngày càng diễn biến khó lường, do đó, cấp ủy và chính quyền các cấp trên địa bàn huyện luôn chủ động trong mọi tình huống để kịp thời sơ tán dân ở các khu dân cư thấp trũng, ven sông, ven phá, dưới chân đê xung yếu đến nơi an toàn khi có mưa bão.
|
“Điều mà lãnh đạo huyện Quảng Điền trăn trở lớn nhất hiện nay là làm sao giải được bài toán thoát ngập úng nhanh trên địa bàn. Mưa bão kéo dài, lượng nước ứ đọng lâu ngày, gây khó khăn cho việc đi lại, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Giải được bài toán này sẽ là điều kiện thuận lợi để Quảng Điền phát triển hơn nữa trong thời gian tới, giúp giảm thiểu những thiệt hại do mưa bão gây ra”, Bí thư Huyện ủy Quảng Điền Nguyễn Thanh Minh trăn trở.
|