ClockThứ Bảy, 19/01/2019 06:30

Chủ động rau, cá vụ tết

TTH - Với 150 ha rau màu và khai thác biển, đây là những sản phẩm thế mạnh của Phú Vang phục vụ thị trường tết.

Cá “đặc sản”Mùa xuống đồngĐể hàng bình ổn giá đến tay người tiêu dùng

Thu mua cá ở Thuận An

Lấy rau "bù" hoa

Trên diện tích 1 sào đất trồng rau cải xanh, cải trắng, tầng ô..., bà Nguyễn Thị Đủ ở thôn Mậu Tài, xã Phú Mậu đang cắm cúi chăm sóc. Có vồng đã đến ngày thu hoạch, một số vồng cải mới nhú,  một số vồng đất mới được làm tơi, chuẩn bị vãi, trồng.

Đi một vòng các thôn Mậu Tài, Lại Ân, Vọng Trì, Tiên Nộn…, ở đâu chúng tôi cũng bắt gặp những vườn rau chuẩn bị bán dịp tết theo mô hình "cuốn chiếu" để đảm bảo kịp thu hoạch và lúc nào cũng có rau bán.

Với “vòng đời” 20 ngày đến 1 tháng là có thể thu hoạch, bà Đủ đã tính toán để đến cận tết sẽ có số lượng rau lớn hơn bình thường đưa ra thị trường với thu nhập bình quân khoảng 100 triệu đồng/1 sào/1 năm. Dịp tết giá rau màu cao hơn, có nghĩa thu nhập của người trồng rau vụ này cũng tăng lên. Gia đình ông Lê Văn Lự ở thôn Tiên Nộn sử dụng hầu hết 3 sào đất để trồng rau màu. Nhiều hộ khác cũng lựa chọn đầu tư hơn cho rau màu.

Ông Nguyễn Văn Trai, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mậu thông tin, gần 500 hộ trên địa bàn tập trung vào chăm chút 30 ha, lấy rau màu làm chủ đạo vụ tết, bù lại cho việc hoa tết năm nay “mất mùa”do mưa lớn trúng vào đợt trồng. UBND xã đầu tư 0,5 km đường dây điện tạo điều kiện cho người dân thuận lợi trong việc tưới nước trong quá trình sản xuất vụ tết.

Theo ông Nguyễn Viết Mạnh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Vang, rau màu và thủy sản là sản phẩm mà nông, ngư dân trên địa bàn tập trung sản xuất, khai thác để phục vụ dịp tết, đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng thu nhập. Những xã tập trung trồng nhiều rau màu là Phú Mậu, Phú Xuân, Phú Diên, Vinh Thanh, Vinh An, Phú Mỹ, Vinh Phú… Dù trồng phân tán, nhưng tại các địa phương này có nhiều hộ trồng trên diện tích khá lớn, từ 3-5 sào.

Gần 60 tàu công suất lớn vươn khơi

Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho biết, thời điểm này, toàn bộ tàu công suất lớn gần 60 chiếc của ngư dân trên địa bàn nhộn nhịp vươn khơi, mỗi chuyến đi kéo dài chừng 10 ngày. Sau mỗi chuyến ra khơi trở về, ngư dân nghỉ ngơi tầm 2 ngày, chuẩn bị nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, rồi lại đi tiếp. Thuyền công suất nhỏ đánh bắt vùng lộng cũng tăng tốc.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Ngô Đức Quyên- chủ chủ tàu công suất lớn- mỗi chuyến đánh bắt nếu thuận lợi, mỗi tàu  thu được gần 300 triệu đồng. “Không khai thác được sản lượng lớn như tàu đánh bắt xa bờ, nhưng đổi lại khi thời tiết thuận lợi, chúng tôi dong thuyền ra vùng lộng thả câu, thả lưới; ngày nào cũng có cá đưa ra chợ hoặc bán ngay cho người buôn khi thuyền mới cập bờ”, ông Trần Nam, ngư dân xã Phú Thuận chia sẻ.

Hầu hết ngư dân xã Phú Hải, Phú Diên, thị trấn Thuận An… đang ra khơi đánh bắt vụ tết, khi thời tiết thuận lợi. Thông thường,  chuyến ra khơi cuối cùng trong năm sẽ kết thúc vào ngày 26-27 tết. Tuy nhiên, theo ngư dân, nếu ra khơi gặp luồng cá, họ sẽ bám biển  khai thác, đánh bắt cho đến mùng 2, mùng 3 tết mới về.

Ông Nguyễn Văn Chính, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Vang cho biết, bên cạnh tăng tốc khai thác biển vụ tết, ngư dân trên địa bàn đang ương giống cá dìa với diện tích 37 ha, với 374 vạn cá giống, tập trung tại các xã Phú Xuân (15 ha, giống thả 113 vạn), thị trấn Phú Đa (12 ha, giống thả 80 vạn), Vinh Xuân (7 ha, giống thả 100 vạn)… Phòng NN&PTNT phối hợp UBND các xã, thị trấn tập trung hướng dẫn ngư dân chăm sóc các ao ương cá giống, đảm bảo hiệu quả cao nhất cho vụ nuôi năm 2019, sẽ bắt đầu ngay sau khi ra tết.

Từ ngày 4/1-9/1, trên địa bàn toàn huyện Phú Vang đã trồng 150 ha/150 ha rau màu các loại, đạt 100% so với kế hoạch, đảm bảo cho vụ rau tết; ngư dân khai thác được 126 tấn thủy sản, trong đó khai thác biển là 121 tấn với những loại cá có giá trị kinh tế cao như cá thu, ngừ, cá lạc, cá hố, cá đổng, mực…

Bài, ảnh: QUỲNH ANH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top