Ảnh chỉ mang tính minh họa. Ảnh: Trần Việt/TTXVN
Tăng vẫn chưa đủ bù lỗ
Chuyên gia ngân hàng Nguyễn Thị Mùi cho rằng hiện nay các khách hàng sử dụng thẻ luôn có cảm giác rằng ngân hàng đang tận thu, phí chồng phí, vì tính ra rất nhiều loại phí.
Theo bà Mùi, những phí ngân hàng bắt buộc thu rất thỏa đáng nhưng vấn đề là thu bao nhiêu và thu thế nào. Trong khi các ngân hàng cho rằng số thu phí hiện nay quá thấp, muốn hòa vốn đầu tư vào mỗi điểm ATM thì phải thu gấp nhiều lần hiện nay, khoảng 7.000 đồng/giao dịch, thậm chí lên tới 10.000 đồng, cao hơn rất nhiều so với mức thu 3.000 đồng của một số đơn vị.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, Hội Thẻ nên đưa ra một mức thu phí hài hoà lợi ích của các ngân hàng nhưng cũng đáp ứng nhu cầu mong muốn của người tiêu dùng hơn.
“Mức phí này luôn có xu hướng tăng. Vậy có phải cứ đầu tư vào một cây ATM bao nhiêu tiền thì bắt khách hàng phải chịu hết phí hay không?” bà Mùi đặt câu hỏi.
Trả lời vấn đề này, ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam cho biết, các loại phí hiện nay hoàn toàn phù hợp với quy định theo thông lệ quốc tế.
Ông Tuấn nhấn mạnh, chi phí duy trì hoạt động của hệ thống ATM hiện vẫn cao hơn rất nhiều mức phí mà các ngân hàng đang thu. Theo thông lệ quốc tế cũng như theo Thông tư 35 có nêu rõ mọi loại phí bắt buộc, ví dụ phí phát hành hoặc thay đổi thẻ, phí thường niên hàng năm, phí sao kê, phí rút tiền mặt… Loại phí quy định theo Thông tư 35 là bắt buộc nhưng Ngân hàng Nhà nước cũng quy định mức phí dao động từ 0 đồng cho đến một mức trần, ví dụ như 0-3.000 đồng. Tuy nhiên, các ngân hàng có thể tính toán trong khả năng của mình để áp dụng mức phí với khách hàng.
Ông Tuấn phân tích, mức phí rút tiền trần 3.000 đồng hiện nay là bất đắc dĩ mới phải áp dụng. Ông Tuấn cũng cho biết các ngân hàng được phép thu phí ATM từ tháng 3/2013 đến hết năm 2013 với mức phí từ 0 đến 2.000 đồng/giao dịch. Từ năm 2015, các nhà băng được nới mức trần lên là 3.000 đồng/giao dịch.
“Thực tế mức trần là 3.000 đồng/giao dịch rút tiền ATM nhưng các ngân hàng hầu hết vẫn là áp dụng mức phí 1.000 đồng/giao dịch nội mạng chứ chưa thu tới mức trần Ngân hàng Nhà nước cho phép,” ông Tuấn cho biết.
Hiệp hội đã thống kê, giao dịch bằng thẻ ghi nợ nội địa trong vòng 5 năm gần đây đã tăng đáng kể, từ mức 0,7% năm 2013 đến nay lên con số gần 3% nhưng vẫn còn tới 97% giao dịch chỉ là để rút tiền mặt.
“Trong tương lai, chỉ cần khoảng 20% giao dịch từ thẻ là để thanh toán và 80% là để rút tiền mặt thì phí dịch vụ ngân hàng chắc chắn sẽ được điều chỉnh theo xu hướng giảm,” ông Tuấn khẳng định.
Lý giải về con số thống kê 7.000 đồng/giao dịch rút tiền ATM mà một số ngân hàng đưa ra để tính toán mức phí, ông Tuấn cho biết đây là số liệu đưa ra chỉ để cho khách hàng thấy được mức phí dịch vụ ngân hàng thu hiện nay vẫn còn rất thấp. Hệ thống thẻ phát hành chủ yếu là thẻ ghi nợ nội địa, lẽ ra mục đích là để thanh toán nhưng hầu hết hiện nay lại chỉ dùng để rút tiền. Như vậy, tuổi thọ của cây ATM bị rút đi nhiều so với các nước khác. Ngân hàng tính các chi phí bảo trì hệ thống, cung ứng tiền mặt cho các cây ATM. Các ngân hàng đều mong muốn thẻ dùng để giao dịch mua bán tăng lên thì các loại phí nói chung, nhất là phí rút tiền mặt sẽ giảm xuống.
"Phải khẳng định, với hệ thống thẻ phát hành hiện nay chủ yếu là thẻ ghi nợ nội địa. Mục tiêu là chúng ta khuyến khích khách hàng mở tài khoản ngân hàng, sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán mua bán hàng hóa dịch vụ. Lẽ ra xu hướng dùng tiền mặt giảm đi thì mức phí rút tiền phải giảm đi. Tuy nhiên, hiện nay đang bị ngược. Tất cả mua bán hàng hóa dịch vụ vẫn chi tiêu bằng tiền mặt nên người dân vẫn rút tiền mặt," ông Tuấn nhấn mạnh.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho biết, nếu mức phí mà các ngân hàng đang áp dụng không cao hơn mức trần quy định của Ngân hàng Nhà nước thì là đúng nhưng với người dùng như vậy có hợp lý hay không.
Theo cách nhìn của tôi có nhiều loại phí không phù hợp như phí sao kê, tôi đã gửi tiền vào ngân hàng, ngân hàng dùng tiền đó để cho vay và thu lãi thì sao lại thu phí của tôi. Nếu ngoại mạng áp phí thì hợp lý. Các ngân hàng nên xem xét để loại bỏ những loại phí bất hợp lý này.
Mất an toàn thuộc loại thấp
Liên quan tới tình trạng mất an toàn qua thanh toán thẻ đang khiến người dùng lo ngại, ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Ngân hàng Nhà nước cho hay Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ mất an toàn qua thanh toán thuộc loại thấp trên thế giới. Theo thống kê của các tổ chức thanh toán quốc tế như Visa-Mastercard, năm 2017 Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ mất an toàn qua thanh toán thuộc loại thấp, chỉ khoảng 1/3 so với tỷ lệ bình quân trên thế giới.
Đối với Việt Nam, chưa có thống kê đầy đủ nhưng theo thống kê của IBM, Microsoft... cho đến nay có 4 rủi ro lớn đối với hệ thống thông tin đó là : hạ tầng công nghệ, vận hành hệ thống (thao tác sai), do khách hàng, đạo đức và nghiệp vụ của cán bộ ngân hàng. Theo đó, rủi ro về hạ tầng công nghệ chỉ chiếm 20%, còn chủ yếu là do vận hành và khách hàng chiếm tới 80%.
Ông Hùng phân tích, tại Việt Nam, nhận thức và hành vi của người dùng trong việc đảm bảo an toàn thông tin khi truy cập mạng thì người dùng Việt Nam vẫn còn rất yếu; 60% người dùng trên thế giới khi được hỏi thì đều có nhận thức việc mất an toàn là do bản thân, nhưng tại Việt Nam chỉ có gần 11% người dùng nhận biết được điều này.
Đánh giá của ông về vấn đề an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán của ngân hàng Việt Nam so với quốc tế, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu - người từng mở ngân hàng tư nhân tại Mỹ - cho rằng, việc gửi tiền ngân hàng vẫn là an toàn nhất, ngay việc để tiền ở két sắt trong nhà cũng có nhiều nguy cơ mất an toàn cao hơn việc gửi tiền ở các ngân hàng – nơi có hệ thống bảo vệ, bảo mật, kiểm soát, hệ thống hạch toán, những két sắt lớn và an toàn để bảo vệ tài sản của mình.
Ông Hiếu đặt ra câu hỏi là hệ thống bảo mật an toàn hiện nay đang xấu hơn hay tốt lên? Có 2 lý do chính làm thiệt hại cho khách hàng: nguyên nhân về kỹ thuật và nguyên nhân từ con người.
Nguyên nhân về kỹ thuật có thể do các “tường lửa” chưa đảm bảo, hạ tầng công nghệ thông tin (phần cứng, phần mềm) chưa được cập nhật… Còn nguyên nhân từ con người thì có thể do khách hàng không tuân thủ các yêu cầu bảo mật của ngân hàng hoặc do cán bộ ngân hàng cấu kết với tội phạm để chiếm đoạt tài sản của khách hàng. Theo ông Hiếu, nguyên nhân về con người đang chiếm phần lớn hơn nguyên nhân về công nghệ.
Vị chuyên gia này cũng phân tích thêm, nguyên nhân từ con người dễ điều chỉnh hơn nguyên nhân từ công nghệ, vì nguyên nhân công nghệ đòi hỏi đầu tư rất lớn. Các ngân hàng của Mỹ không dám đầu tư nhiều vào hạ tầng công nghệ còn các ngân hàng của Việt Nam thì lại đầu tư hạ tầng công nghệ rất lớn.
Trong các vụ việc vừa qua có những sai phạm do cán bộ ngân hàng cấu kết với tội phạm để chiếm đoạt tài sản của khách hàng, điều này cho thấy việc kiểm soát đạo đức nghề nghiệp của ngân hàng còn nhiều thiếu sót.
"Sau những vụ việc này Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra những khuyến cáo các ngân hàng rà soát bảo mật, quy trình… Nhưng theo tôi chưa đủ. Tôi đề xuất Ngân hàng Nhà nước phải ra quy chế không cho cán bộ ngân hàng đến nhà làm giao dịch tiền mặt, việc phục vụ hồ sơ khác thì được. Ở Việt Nam cho phép như vậy tạo ra rủi ro cả về kỹ thuật và con người. Ở Mỹ việc này không được phép. Ngay các hãng bảo hiểm cũng không nhận bảo hiểm việc này vì rủi ro rất lớn trên đường vận chuyển và các hoạt động khác phát sinh từ con người trong quá trình giao dịch ngoài hệ thống," ông Hiếu khuyến cáo.
Theo TTXVN