ClockThứ Ba, 27/10/2020 06:30

Chuyển đổi hóa đơn điện tử: Khó về đích đúng hạn

TTH - Tiện ích, giảm chi phí, bắt kịp xu hướng nhưng việc chuyển đổi từ hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử (HĐĐT) vẫn gặp không ít khó khăn.

Hiện đại hóa nền hành chínhĐồng hành cùng người nộp thuếTừ 1/7/2022, chính thức bắt buộc sử dụng hoá đơn điện tử

Chỉ cần thao tác trên máy tính là có thể khởi tạo hóa đơn với độ chính xác cao

Tiện ích

Trong đợt kiểm tra thuế vừa qua, chị Đỗ Thị Thu Hằng, Nhà sách Hồng Đức khá vất vả cùng đội ngũ nhân viên loay hoay mãi mới tìm được hóa đơn mua sắm vật tư bị thất lạc cách đây hơn 1 tuần.

Chị Hằng chia sẻ, nếu thất lạc hóa đơn sẽ bị xử phạt khá cao tùy theo mức độ. Với đặc thù thường xuyên giao dịch với số lượng lớn với khách hàng doanh nghiệp (DN), cơ quan Nhà nước… nên việc xuất hóa đơn rất quan trọng. Nếu như trước đây, phải viết tay rồi chuyển phát nhanh tới khách hàng, mất thời gian đợi chờ thì khi sử dụng HĐĐT, chỉ cần ít phút tạo hóa đơn và gửi đến người nhận qua email luôn. Quá trình thu hồi công nợ cũng nhanh hơn hẳn. Chưa nói, nếu sử dụng HĐĐT không cần phải tốn nhiều thời gian tìm kiếm như vậy. Vì chỉ cần kiểm tra trên hệ thống là có thể kiểm tra thông tin hóa đơn một cách dễ dàng.

Tình trạng sót thông tin xuất hóa đơn gần như không còn vì khi nhập mã số thuế, phần mềm sẽ tự động điền thông tin còn lại của khách hàng giúp phát hành hóa đơn nhanh và chính xác nhất. Việc sử dụng HĐĐT góp phần ngăn chặn hóa đơn giả. Việc đồng loạt triển khai HĐĐT không chỉ là cơ hội để cắt giảm, tiết kiệm tối đa chi phí cho DN, đồng bộ ứng dụng công nghệ mà còn minh bạch hóa hoạt động của DN.

Từ tỉnh đến Trung ương đều đã xây dựng lộ trình buộc các DN, tổ chức kinh tế, tổ chức khác; hộ, cá nhân kinh doanh phải chuyển sang sử dụng HĐĐT trong giao dịch bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Trên địa bàn, lộ trình thực hiện HĐĐT cũng được triển khai theo ba giai đoạn.

Trong đó, từ tháng 1 đến tháng 3/2020 sẽ tập trung công tác tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, DN, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh triển khai HĐĐT; phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ tổ chức hội thảo; tập huấn về HĐĐT.

Từ tháng 4 đến tháng 6 sẽ thực hiện đăng ký áp dụng HĐĐT cho các tổ chức là đơn vị sự nghiệp công lập; các trường đại học, cao đẳng, các trung tâm y tế; các DN, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu đến cuối tháng 7 sẽ hoàn thành 90% và cuối tháng 10 sẽ có 100% tổ chức, DN, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đang hoạt động thực hiện áp dụng HĐĐT.

Chuyển đổi 70%

Theo kế hoạch, tỉnh phấn đấu đến cuối tháng 7 sẽ hoàn thành 90% và cuối tháng 10 con số này là 100% tổ chức, DN, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đang hoạt động thực hiện áp dụng HĐĐT. Tuy nhiên tính đến cuối tháng 7, toàn tỉnh mới có 3.170 DN, tổ chức đã sử dụng HĐĐT trên tổng số 5.054 DN, tổ chức đang hoạt động có sử dụng hoá đơn, chiếm tỷ lệ 63%. Đến tháng 9 con số này cũng chỉ có 3.758 DN, tổ chức đã sử dụng HĐĐT chiếm tỷ lệ gần 70% khá thấp so kế hoạch và khó thực hiện chuyển đổi 100% đến cuối tháng 10.

Ông Hà Văn Khoa, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh lý giải, do tập quán và thói quen của các DN nhiều năm sử dụng giao dịch mua bán bằng hóa đơn giấy và HĐĐT chưa thực sự được phổ biến rộng rãi. Trình độ hiểu biết về công nghệ thông tin của một số tổ chức, DN còn hạn chế, chất lượng đội ngũ quản lý ít được đào tạo bài bản, ngại thay đổi và không muốn thay đổi khiến việc tiếp cận với HĐĐT gặp khó.

Tình hình dịch COVID-19 bùng phát như hiện nay cũng là rào cản khiến hoạt động “phủ sóng” HĐĐT gặp gián đoạn. Các lớp tập huấn, hội thảo kết nối giới thiệu các hệ thống cung ứng dịch vụ HĐĐT bị hạn chế tổ chức khiến quá trình tiếp cận của DN với các đơn vị cung ứng gặp khó. Ảnh hưởng của dịch bệnh cũng khiến một số DN rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính, trong khi sử dụng HĐĐT cần chi phí đầu tư ban đầu, hạ tầng công nghệ khiến DN, nhất các DN nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh bị tác động mạnh bởi dịch bệnh “nản lòng”.

Lãnh đạo một DN đang trong quá trình chuyển đổi sang HĐĐT cho rằng, dùng HĐĐT phụ thuộc hoàn toàn vào máy móc nên khi có sự cố mất điện, hệ thống bị lỗi hoặc mất tín hiệu internet thì các DN sẽ gặp không ít khó khăn trong xuất hàng hóa, từ đó làm gián đoạn hoạt động kinh doanh. Khung pháp lý cho HĐĐT chưa thực sự đầy đủ, chưa có sự kết nối đồng bộ giữa các cơ quan liên quan, nhiều cơ quan chức năng vẫn yêu cầu phải xuất trình hóa đơn giấy khi vận chuyển hàng hóa lưu thông rất phiền hà và gây khó cho DN.

Nhằm thu hút DN sử dụng HĐĐT và hoàn thành mục tiêu đề ra, ngành thuế đang gấp rút triển khai các kế hoạch vận động DN dùng HĐĐT. Bằng chứng, nhiều lớp tập huấn từ trực tuyến lẫn trực tiếp về sử dụng HĐĐT đã được ngành thuế tổ chức. Cục Thuế tỉnh chủ động phối hợp với Trung tâm Kinh doanh VNPT, Chi nhánh Viettel, Công ty CP Misa… là những đơn vị cung cấp dịch vụ HĐĐT để tư vấn phương án đầu tư thiết bị kỹ thuật và hỗ trợ, đào tạo nhân lực cho các DN.

Theo ông Hà Văn Khoa, Cục Thuế tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh việc triển khai HĐĐT thông qua bộ phận một cửa hoặc thông qua các số điện thoại hỗ trợ của cơ quan thuế; xây dựng các clip, đăng tin về HĐĐT trên trang web Cục Thuế tỉnh, web khởi nghiệp và facebook Cục Thuế tỉnh. Cùng với đó, tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu những tiện ích của HĐĐT, hướng dẫn đầy đủ các thủ tục một cách chính xác, nhanh chóng về HĐĐT cho các DN trên địa bàn đảm bảo theo kế hoạch chuyển đổi của tỉnh, Trung ương.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Gỡ khó” cho doanh nghiệp

Không phủ nhận những tín hiệu khởi sắc trong việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) trong thời gian gần đây, song nhiều trở lực khiến DN gặp khó trong việc mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm.

“Gỡ khó” cho doanh nghiệp
Thu hút vốn FDI từ Nhật Bản

Với tổng số vốn đăng ký 248 triệu USD, chiếm 15% về số lượng và 5,4% về vốn đầu tư nước ngoài (FDI) toàn tỉnh, doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đang là đối tác quan trọng trong việc kêu gọi đầu tư FDI vào Thừa Thiên Huế.

Thu hút vốn FDI từ Nhật Bản

TIN MỚI

Return to top