Sản xuất ống hút thân thiện từ cỏ bàng
Nâng giá trị cây cỏ bàng
Sau những lần tham gia thu gom rác trên sông Hương, chị Nguyễn Thị Huệ, Giám đốc Công ty TNHH Hữu cơ Huế Việt nảy ra ý tưởng dùng cỏ bàng được trồng ở Phong Bình để làm ống hút thay thế ống hút nhựa và làm những sản phẩm thân thiện khác như túi xách, giỏ đựng, chiếu... Khoảng đầu năm 2019, Công ty TNHH Hữu cơ Huế Việt phối hợp với UBND huyện Phong Điền bắt tay triển khai dự án sản xuất ống hút cỏ bàng.
Theo chị Nguyễn Thị Huệ, dự án này không ngoài mục đích chung tay bảo vệ môi trường, chia sẻ cùng cộng đồng, nhất là tạo thêm nhiều sản phẩm phong phú, thân thiện với môi trường từ cây cỏ bàng của làng nghề đệm bàng Phong Bình để phục vụ cuộc sống. Điều quan trọng là tận dụng những lợi thế sẵn có, như vùng nguyên liệu, lao động quen nghề tại chỗ và sự ủng hộ của chính quyền địa phương.
Qua khảo sát thực tế, ngoài diện tích 5,3 ha cỏ bàng hiện có, để đảm bảo cung cấp nguyên liệu đáp ứng yêu cầu sản phẩm, công ty đã phối hợp với UBND xã Phong Bình, người dân trồng thí điểm 3ha cây cỏ bàng từ tháng 2/2019. Vì nếu chọn nguyên liệu cây bàng như người dân vẫn đang trồng sẽ không đảm bảo tiêu chuẩn về kích cỡ ống, độ cứng, độ bền... Để tăng kích cỡ đường kính ống lên 4-6mm và tăng độ cứng thân ống, Công ty TNHH Hữu cơ Huế Việt đã đưa cán bộ kỹ thuật về hướng dẫn bà con cách trồng, chăm sóc để kích thích cây cỏ bàng phát triển theo yêu cầu.
Ông Ngô Văn Trừ, Tổ trưởng tổ sản xuất làng nghề đệm bàng Phò Trạch, Phong Bình thông tin, lâu nay, do nhu cầu chỉ dùng cỏ bàng để đan lát các sản phẩm đệm, chẹ, nên người dân ít chú trọng chăm bón. Hiện, để tăng giá trị nguyên liệu, đáp ứng yêu cầu sản phẩm, người dân thay đổi cách trồng bằng cách chú trọng kỹ thuật trồng, chăm bón "thúc" cây, giãn thời gian thu hoạch, rút ngắn chu kỳ trồng lại cây mới.
Ngoài làm ống hút, khoảng 2/3 phần thân trên của cây bàng còn được dùng đan giỏ xách, đệm... với giá bán phù hợp (mỗi túi xách chưa tới 10 nghìn đồng), nhằm kích thích người tiêu dùng sử dụng đại trà sản phẩm của địa phương, hạn chế dùng túi ni lông, nhựa sử dụng một lần.
Mỗi chiếc túi xách cỏ bàng có giá chưa tới 10 nghìn đồng
Đón nhận sản phẩm thân thiện
Để đảm bảo an toàn vệ sinh, chất lượng sản phẩm, đơn vị sản xuất luôn chú trọng không để nhiễm bẩn trong mọi công đoạn làm ra ống hút; từ các bước thủ công: thu hoạch bàng, rửa sạch, cắt ống, thông ống (xoi mắt) cho đến sấy, hấp, tiệt trùng bằng máy móc.
Công ty đã thử nghiệm sản xuất 35 nghìn ống hút cỏ bàng. Sản phẩm ra mắt đã tạo sự chú ý và thiện cảm của nhiều người. Trong đó, một số khách hàng hoạt động trong các lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, kinh doanh giải khát... đã có nhã ý đặt hàng.
Chị Quỳnh Loan, quản lý quán cà phê Share, đường Nguyễn Công Trứ - TP. Huế chia sẻ: Tình cờ biết được sản phẩm ống hút cỏ bàng trưng bày tại cơ sở kinh doanh ở đường Trường Chinh, mình mua về để khách dùng thử, thay ống hút nhựa. Nhiều khách hàng, vừa khách địa phương và khách du lịch nước ngoài rất tò mò, thích thú. Tuy nhiên, qua sử dụng vẫn còn một vài lỗi. Chẳng hạn lỗ ống còn quá nhỏ, ống giòn nên dễ bị vỡ. Nếu đơn vị sản xuất khắc phục được những nhược điểm này, chắc chắn lượng tiêu thụ sẽ rất lớn, vì nhiều quán cà phê đang theo xu hướng sử dụng sản phẩm "xanh" để đáp ứng nhu cầu người dùng.
Hiện, công ty đang phối hợp với làng nghề, người dân tiếp tục tuyển chọn số bàng có kích cỡ thân ống to để tăng số lượng sản phẩm. Dự kiến cuối năm nay, công ty sẽ đẩy nhanh tiến độ sản xuất hàng loạt để cung ứng nhu cầu thị trường. Sau khi hoạt động ổn định, dự tính sản lượng bình quân đạt khoảng 10 triệu ống/vụ.
Ông Nguyễn Ngọc Khánh, Chủ tịch UBND xã Phong Bình cho biết, trước nguy cơ dần bị mai một, dự án đang mở ra sức sống mới cho làng nghề đệm bàng Phò Trạch. Giá cỏ bàng tăng cao, ngày công của người lao động tăng từ 10-20% so với đan đệm, chẹ như trước đây. Nếu nhu cầu tiêu thụ sản phẩm tăng, địa phương đảm bảo có thể mở rộng vùng trồng nguyên liệu cỏ bàng lên 15-20 ha.
Hơn 3ha cây cỏ bàng vừa được trồng mới phục vụ nguyên liệu sản xuất ống hút, giỏ, túi xách...
Không chỉ làm ống hút từ đệm bàng thay thế nhựa, công ty đang hướng tới thiết kế mẫu mã để làm giỏ, túi đựng các sản phẩm nông sản hữu cơ trong chuỗi liên kết sản xuất của công ty như bưởi da xanh hữu cơ, gạo hữu cơ và cung cấp cho các khách sạn, nhà hàng...
Ông Nguyễn Thanh, Giám đốc Sở Công thương cho rằng, xu thế chống rác thải nhựa, nói không với túi ni lông, đồ nhựa sử dụng một lần sẽ là cơ hội để những sản phẩm thân thiện với môi trường như giỏ, ống hút cỏ bàng được nhiều người tiêu dùng đón nhận. Đơn vị sản xuất cần nâng chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu sử dụng, đảm bảo các thủ tục về an toàn vệ sinh, nhãn hiệu...
Có thể giá sẽ cạnh tranh, nhưng nếu tính về lợi ích chia sẻ cùng cộng đồng và lợi ích về môi trường, người tiêu dùng luôn sẵn sàng chấp nhận.
Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG