Ông Lê Vĩnh Chiến, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin Thừa Thiên Huế (HueCIT). Ảnh: T. BÌNH
Theo tinh thần của Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, “… CNTT tin và truyền thông là đột phá”; phát triển khoa học và công nghệ (KHCN) của tỉnh theo cơ chế thị trường; hình thành Khu CNTT tập trung, khu công nghệ cao và các tổ chức nghiên cứu đủ sức giải quyết các nhiệm vụ KHCN của vùng và quốc gia, trở thành trung tâm lớn của cả nước về KHCN”. Do đó, sự kiện HueCIT tham gia vào Chuỗi QTSC là niềm vinh dự và là trách nhiệm to lớn đối với sự phát triển CNTT của tỉnh nói riêng và Chuỗi QTSC nói chung.
Hiện, trên toàn quốc có khá nhiều Trung tâm CNTT lớn nhưng vẫn chưa được gia nhập, vì sao HueCIT lại được lựa chọn?
Để trở thành thành viên của Chuỗi QTSC, HueCIT phải đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện rất khắt khe cùng những minh chứng rõ ràng kèm theo giải trình. Những thành tố bao gồm: bộ máy quản lý chuyên nghiệp xử lý công việc hàng ngày; có khả năng thu hút đầu tư, thiết lập môi trường khởi nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; có khả năng thu hút lao động chất lượng cao; có vị trí địa lý thuận lợi, có khả năng liên kết với các trung tâm đào tạo nhân lực CNTT hoặc trung tâm nghiên cứu - phát triển về CNTT; có cơ sở hạ tầng viễn thông, internet sẵn sàng, dịch vụ tiên tiến, hiện đại, đảm bảo dịch vụ giao nhận nhanh chóng.
Cùng với TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thừa Thiên Huế là địa phương thứ 3 trong toàn quốc và là đơn vị sự nghiệp duy nhất gia nhập vào Chuỗi QTSC. Khi gia nhập vào Chuỗi này chúng ta có những lợi thế nào để phát triển lĩnh vực CNTT, thưa ông?
Việc HueCIT được xem xét, lựa chọn và trở thành thành viên Chuỗi QTSC không chỉ đánh dấu một bước ngoặt lớn trong công tác tìm kiếm cơ hội đầu tư, mở cửa về chính sách phát triển CNTT của tỉnh, mà còn thể hiện sự tiên phong bởi HueCIT là đơn vị sự nghiệp đầu tiên tham gia vào chuỗi, chưa từng có tiền lệ từ trước đến nay. Trải qua gần 20 năm hình thành và phát triển, HueCIT đã và đang từng bước khẳng định vai trò của mình trong việc xây dựng các sản phẩm phần mềm, cung cấp các dịch vụ CNTT cho các cơ quan Nhà nước và trong hoạt động công viên phần mềm và đào tạo nguồn nhân lực CNTT cho xã hội.
Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh trao quyết định gia nhập Chuỗi phần mềm Quang Trung cho lãnh đạo tỉnh. Ảnh: T. BÌNH
HueCIT đã cung cấp cho thị trường rất nhiều sản phẩm và dịch vụ được đánh giá cao về chất lượng, tính hiệu quả và có tính ứng dụng cao. Có thể kể đến “Khung kỹ thuật Chính quyền điện tử và hệ thống Công sở điện tử đa cấp Thừa Thiên Huế” (đạt giải Nhất sáng tạo kỹ thuật tỉnh năm 2015 và Danh hiệu Sao Khuê năm 2016) và “Cổng Dịch vụ công trực tuyến tỉnh Thừa Thiên Huế” được Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, đề xuất mô hình mẫu về dịch vụ công để áp dụng trên cả nước. HueCIT góp phần giữ vững các chỉ số về CNTT để Thừa Thiên Huế luôn ở nhóm dẫn đầu cả nước về phát triển Chính phủ điện tử cấp tỉnh.
Ông có dự báo gì trong tương lai sau khi HueCIT gia nhập Chuỗi QTSC và doanh nghiệp CNTT đầu tư vào đây sẽ được những chính sách ưu đãi gì?
Với tư cách là thành viên của Chuỗi QTSC, Thừa Thiên Huế sẽ là địa điểm mới thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng lớn và sẽ cùng với các thành viên khác của Chuỗi tạo ra sự cộng hưởng để cạnh tranh với quốc tế, để cùng nhau phát triển. Doanh nghiệp CNTT khi tham gia vào HueCIT sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi trong lĩnh vực CNTT của Chính phủ về khu CNTT tập trung.
Một số ưu đãi hấp dẫn nhất có thể kể đến như: Được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời hạn 15 năm, miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với thu nhập doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại khu CNTT tập trung. Đối với doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư thuộc lĩnh vực CNTT có quy mô lớn cần đặc biệt thu hút đầu tư, thì thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi có thể kéo dài nhưng tổng thời gian áp dụng thuế suất 10% không quá 30 năm; được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu...
Việc HueCIT gia nhập Chuỗi với định vị mô hình phát triển là “Ứng dụng CNTT trong văn hóa - du lịch”, còn tăng thêm sự lựa chọn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia phát triển kinh doanh, đầu tư vào Chuỗi QTSC. Các nhà đầu tư trong chuỗi có thể dịch chuyển vốn tới những đơn vị phù hợp theo định hướng của mình.
Vậy, tỉnh đã có những kế hoạch gì cho tương lai?
Nơi hội tụ của các doanh nghiệp
HueCIT được xem là nơi hội tụ của các doanh nghiệp CNTT. Với chức năng “Tổ chức công viên công nghệ phần mềm và cung cấp dịch vụ tiện nghi về cơ sở hạ tầng CNTT, quản lý vườn ươm doanh nghiệp phần mềm và công nghiệp kỹ thuật số, hỗ trợ cho các doanh nghiệp phần mềm phát triển và đầu tư vào Thừa Thiên Huế”, đến nay, tòa nhà HueCIT có 14 doanh nghiệp CNTT tham gia hoạt động, gồm 1 công ty nước ngoài và 13 công ty trong nước. HueCIT đã đào tạo hàng nghìn lập trình viên, kỹ thuật viên theo chương trình của Aptech.
|
Thừa Thiên Huế hiện có mong muốn xây dựng CNTT thành một ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh. Tuy nhiên, hiện tòa nhà HueCIT đã hoạt động hết công năng, việc tìm kiếm một địa thế mới mở ra các hướng liên kết ra bên ngoài đang được triển khai. Với tầm nhìn chiến lược và sự năng động, quyết liệt trong việc quan tâm, đầu tư cho phát triển CNTT của lãnh đạo tỉnh, việc kết nạp HueCIT vào Chuỗi QTSC là một bước đệm để tỉnh trên cơ sở đó hình thành khu CNTT tập trung, thông qua quá trình học hỏi và kế thừa kinh nghiệm của chuỗi.
Tỉnh đang tích cực triển khai dự án mở rộng phát triển Khu CNTT tập trung tại Khu đô thị An Vân Dương, tạo tiền đề mở mang cơ sở hạ tầng kỹ thuật và phát triển khu đô thị xung quanh khu CNTT tại TP. Huế. Trong tương lai gần, đây sẽ là những điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT trong và ngoài nước.
Với những thời cơ và vận hội như hiện nay, việc giữ vững và phát huy những năng lực sẵn có về CNTT sẽ là bước tạo đà vững chắc để HueCIT tiếp tục khẳng định vị thế và tự tin vươn mình ra biển lớn của thời đại công nghệ số. Qua đó, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp CNTT; hình thành trung tâm nghiên cứu - phát triển sản phẩm CNTT, phục vụ cho việc đào tạo, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực CNTT; ươm tạo doanh nghiệp CNTT cho tỉnh. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động đầu tư nhằm thu hút vốn, công nghệ, góp phần xây dựng ngành công nghiệp CNTT trở thành ngành kinh tế trọng điểm, quan trọng của tỉnh.
Xin cảm ơn ông!
THÁI BÌNH (Thực hiện)