Trưng bày giới thiệu sản phẩm của làng nghề
Giám đốc HTXMTĐBL Võ Văn Dinh nhớ lại: “Trong lúc loay hoay tìm hướng đi phù hợp, tạo sản phẩm có thể cạnh tranh với các mặt hàng có uy tín trên thị trường, HTX được một tổ chức của châu Âu tài trợ khóa đào tạo thiết kế mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ. HTX có hai nghệ nhân là Thái Phi Hồng và Võ Chức, không chỉ có tay nghề điêu luyện, mà còn nắm bắt tốt các kiến thức, kỹ năng tạo mẫu các sản phẩm từ lớp đào tạo, sau đó truyền đạt lại cho bà con xã viên”.
Từ một số mặt hàng truyền thống, đến nay, HTXMTĐBL có đến 600 mẫu mã sản phẩm, bình quân mỗi năm sáng chế 60-70 mẫu mã. Các loại đèn lồng chiếm đa phần, có đến 100 mẫu, còn lại các loại khay, mâm, sọt rác phục vụ cho các nhà hàng, khách sạn, quán cà phê. Các loại rổ, rá, nông cụ, hay đồ trang trí bằng tre... dành cho du khách làm quà lưu niệm và bán cho người dân trong vùng.
Nghệ nhân Võ Chức tự hào: “Có đến trên 90% mẫu sản phẩm theo đơn đặt hàng, chúng tôi đều đáp ứng, đối tác hài lòng. Số mẫu mã còn lại chưa thể làm được do liên quan đến nguồn nguyên liệu tại địa phương không phù hợp. chúng tôi sẽ khảo sát nguyên liệu ở các vùng lân cận nhập về sản xuất, cung ứng các mặt hàng theo yêu cầu của khách hàng. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ mây tre đan của HTX không chỉ tiêu thụ nội địa, các tỉnh Gia Lai, Đà Lạt, Đà Nẵng, mà còn xuất khẩu sang Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc...”.
Có được nguồn sản phẩm tương đối hoàn hảo, Ban Giám đốc HTXMTĐBL đã có sáng kiến trong việc tổ chức, phân công nhiệm vụ cho từng đối tượng, phù hợp với tay nghề của lao động. Tổ nào làm tốt khâu chẻ tre thì giao khâu này cho tổ đó; tổ nào, người nào giỏi đan thì chỉ chuyên phần đan; ai giỏi khâu lận thì chuyên lận; hay người nào phù hợp với làm đèn, làm rổ thì chuyên làm các sản phẩm này... Các công đoạn chủ yếu làm bằng thủ công, tạo ra “tuyệt phẩm”, đáp ứng yêu cầu khách hàng, thị trường tiêu thụ. Mẫu mã cũng như chất lượng sản phẩm của HTX hầu như không trùng lặp bất cứ nơi nào. Một số doanh nghiệp ở miền Bắc từng vào học tập nhưng đến nay vẫn chưa có sản phẩm tre đan trên thị trường.
Đan ghế mây tại HTX Mây tre đan Bao La
HTX có khoảng 87 lao động thường xuyên, chủ yếu là người già, phụ nữ, người sức khỏe yếu. Một số lao động sau khi hoàn thành gieo cấy, thu hoạch lúa, lạc... đến nhận sản phẩm về nhà làm. Thu nhập bình quân của mỗi lao động tăng lên hằng năm, từ 40 ngàn đồng/ngày năm 2008, đến 2015 lên 70 ngàn đồng và năm nay tăng lên 80 ngàn đồng/ngày.
87 lao động thường xuyên đều có nguồn thu nhập ổn định, bình quân từ 2 triệu đến 2,5 triệu đồng/người. Nghệ nhân Thái Phi Hồng cho biết, có được nguồn thu nhập ổn định như thế là nhờ công việc luôn thường xuyên. Từ khi thành lập HTX đến nay, hầu như chưa có thời gian nào thiếu việc. Có thời điểm, nhiều đơn đặt hàng, công nhân phải làm việc thêm buổi tối, kể những ngày mưa lũ. sản phẩm làm ra bao nhiêu đều tiêu thụ hết, chỉ giữ lại một ít làm mẫu, trưng bày và bán cho du khách.
Năm 2017, HTX phấn đấu tăng thu nhập cho mỗi lao động lên gần 100 ngàn đồng/ngày; doanh thu của HTX đạt trên 2 tỷ đồng. HTX tiếp tục cải tiến, sáng kiến mẫu mã, tạo ra sản phẩm mới, lạ nhằm thu hút và hấp dẫn thị trường. trong khi đơn đặt hàng từ các nước với số lượng lớn, nhưng nguồn lao động, cũng như sản phẩm hiện có của HTX chưa đáp ứng nhu cầu nên phải từ chối, HTX sẽ tiếp tục vận động nông dân tham gia học nghề nhằm tạo nguồn sản phẩm dồi dào, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Ông Võ Văn Dinh, Giám đốc HTXMTĐBL kiến nghị, HTX rất mong được sự hỗ trợ kinh phí của tỉnh để xây dựng nhà trưng bày sản phẩm, đồng thời tạo điều kiện để kết nối với các tour du lịch. Cách đây hơn 3 năm, tỉnh đã đồng ý chủ trương đầu tư hơn 4 tỷ đồng xây dựng nhà trưng bày, nhưng đến nay vẫn chưa cấp kinh phí. |
Bài, ảnh: Hoàng THẾ