Không khí lao động hăng say ngay sau Tết Nguyên đán. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Không còn quan niệm “tháng Giêng là tháng ăn chơi,” nhiều doanh nghiệp đã bắt tay vào sản xuất ngay sau Tết Nguyên đán, sẵn sàng đón đầu các cơ hội mới, cũng như vượt qua những khó khăn do dịch bệnh COVID-19 để lại.
Bắt tay ngay vào sản xuất
Sáng 7/2 cũng là ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, toàn bộ cán bộ công nhân viên Công ty cổ phần Anh Đức đóng trên địa bàn quận Nam Từ Liêm đã có mặt đông đủ. Các dây chuyền sản xuất phụ kiện nồi hơi và bếp ăn công nghiệp của công ty đều được vận hành hết công suất.
Không khí phấn khởi ngày đầu năm mới 2022 đã được lãnh đạo công ty “truyền lửa” ngay trước kỳ nghỉ Tết.
Ông Nguyễn Ngọc Vân, Giám đốc công ty cho biết dù phải trải qua một năm dịch bệnh COVID-19 đầy khó khăn vất vả, song đời sống của người lao động vẫn được đảm bảo.
Ngoài tháng lương 13 cộng với thưởng Tết từ 1,5-2 tháng lương, công ty còn tặng nhiều đồ dùng cho người lao động để đón năm mới được sung túc, vui vẻ bên gia đình.
Chính sự quan tâm này nên nhiều năm nay, dù trải qua những giai đoạn khó khăn vất vả nhất, người lao động vẫn gắn bó chặt chẽ với công ty, đây cũng là bí quyết thành công của doanh nghiệp.
"Khách hàng và thị trường đã tốt hơn rất nhiều, đây là cơ hội tốt để công ty đặt mục tiêu cao hơn trong năm 2022,” ông Vân chia sẻ.
Còn tại Công ty cổ phần Thương mại quốc tế Thịnh Long (Thịnh Long Intra.,JSC), ông Bùi Bá Thiện Tổng Giám đốc doanh nghiệp này phấn khởi chia sẻ, dù là ngày đầu tiên đi làm trở lại (7/2), song cán bộ, công nhân viên rất hăng hái tích cực, bắt tay vào công việc của mình.
“Mọi người rất vui khi quay lại làm việc đầu năm mới và luôn nâng cao ý thức cảnh giác với dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp,” ông Thiện nói.
Trong khi đó, tại Vinatex Phú Hưng, toàn bộ dây chuyền sản xuất đã vận hành, sẵn sàng cho một năm 2022 thắng lợi và thành công.
“Công ty đã lên kế hoạch cho việc đầu tư mở rộng năng lực sản xuất trong thời gian sắp tới. Định hướng đầu tư của đơn vị là xây dựng nhà máy hiện đại từ đầu để tránh bị lạc hậu. Chiến lược phát triển chung là chất lượng hàng đầu và sản xuất xanh, sạch,” ông Trần Hữu Phong, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinatex Phú Hưng cho hay.
Sẵn sàng cho những mục tiêu mới
Có thể thấy, đại dịch COVID-19 trong hơn 2 năm vừa qua đã tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của nền kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng. Song, khó khăn cũng là một phép thử để tạo ra sức bật cho cộng đồng doanh nghiệp.
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam (Lefaso), đơn hàng xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp ít nhất đã có đến hết quý 2/2022, đây cũng là cơ sở tốt cho các doanh nghiệp đẩy nhanh sản xuất, lấy lại tăng trưởng sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Điều đáng nói, nhịp độ sản xuất của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp da giày ở khu vực phía Nam khá tốt.
Trên thực tế, cơ hội lấy lại đà tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu của ngành da giày trong năm nay được nhận định khá khả quan. Ngay từ đầu năm, một số thương hiệu lớn như Nike, Adidas đều bày tỏ mong muốn gia tăng sản lượng sản xuất tại Việt Nam.
Riêng với Nike, theo đại diện Lefaso, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước gia công, sản xuất da giày lớn nhất cho hãng với hơn 50% sản lượng giày. Việc gia công và xuất khẩu cho Nike đang chiếm khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu của cả ngành, tạo ra việc làm cho khoảng 300.000 lao động.
“Thương hiệu giày thể thao này có định hướng tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất tại Việt Nam,” bà Xuân cho hay.
Tương tự với ngành dệt may, đại dịch COVID-19 cũng kéo theo nhiều khó khăn và thách thức cho các doanh nghiệp trong ngành, trong đó nhiều thời điểm lực cầu suy giảm, nguồn cung nguyên phụ liệu đứt gẫy, dẫn đến tình trạng hủy, hoãn đơn xảy ra.
Theo ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) điều quan trọng nhất góp phần vào thành công của Vinatex, đó chính là xác định chiến lược phát triển đúng đắn, trong trường hợp cần thiết sẽ đưa ra những quyết định nhanh, chính xác và quan trọng hơn là sự đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm của tập thể lãnh đạo và toàn thể cán bộ, công nhân viên trong việc thực hiện những chiến lược và quyết định đó.
Hiện tại, ngành dệt may Việt Nam đang sử dụng khoảng 2.5 triệu lao động trên cả nước, tạo ra kim ngạch xuất khẩu 40 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt gần 20 tỷ USD.
Với các mục tiêu xuất khẩu đến năm 2030, ngành dệt may hoàn toàn có thể sử dụng khoảng 4 triệu lao động trực tiếp (tăng 1,5 triệu so với hiện nay) và tạo việc làm cho 1,5 triệu lao động dịch vụ phục vụ ngành, tương đương với 250.000-300.000 việc làm mới mỗi năm.
Bên cạnh những việc làm bị thay thế bởi thiết bị tự động hóa, định hướng phát triển ngành ngành dệt may trong giai đoạn tới cũng tạo ra những vị trí việc làm mới như thiết kế thời trang, marketing, công nhân kỹ thuật bảo trì ở trình độ điện tử, cơ điện tử cao…
Cũng theo CEO Vinatex, một yếu tố rất quan trọng đối với ngành, đó là nếu đầu tư công nghệ, xây dựng hệ thống quản lý sản xuất hợp lý, giúp nâng cao năng suất lao động thì đơn giá lao động trên một sản phẩm sẽ giảm mà vẫn đảm bảo đáp ứng lương lao động cao.
“Điều này cũng giúp ngành may giải quyết vấn đề thiếu lao động, tạo cơ hội để ngành dệt mayViệt Nam bứt phá, thoát ra khỏi xu thế tận dụng nhiều lao động nhưng lương thấp, lao động không ổn định,” ông Cao Hữu Hiếu nhấn mạnh thêm.
Theo Vietnam+