ClockThứ Năm, 23/06/2016 21:58

Hình thành trung tâm sản xuất nguyên phụ liệu dệt may

TTH - Là địa phương có tới 6 KCN, 50 DN sản xuất hàng dệt may với 300 chuyền may và 500 ngàn cọc sợi, song lâu nay trên 70% nguyên phụ liệu phải nhập khẩu từ nước ngoài, còn lại từ các tỉnh, TP trong cả nước. Đây cũng chính là lý do để Công ty Scavi Huế tổ chức hội thảo về cụm liên kết nguyên phụ liệu quốc tế Scavi thiết lập tại Việt Nam vào sáng 23/6, với sự tham dự của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch Tập đoàn Scavi (Pháp) Trần Văn Phú cùng với 50 đối tác trên thế giới.

Ngành dệt may đang thu hút một lượng lớn lao động

Khơi dậy tiềm năng

Hơn 25 năm hình thành và phát triển, Scavi trở thành DN tiêu biểu của ngành dệt may Việt Nam với 5 nhà máy, trong đó 4 nhà máy đặt tại Việt Nam và 1 ở Lào. Sản phẩm chủ yếu là thời trang cao cấp, nội y, trang phục trẻ em và thể thao. Tại Thừa Thiên Huế, Công ty Scavi Huế đã có 3 nhà máy may, doanh thu đạt gần 60 triệu USD, nộp ngân sách cho tỉnh 23,5 tỷ đồng mỗi năm và giải quyết việc làm cho 5 ngàn lao động.

Giám đốc Công ty Scavi Huế- Trần Văn Mỹ cho biết: “Đặt nhà máy ở Thừa Thiên Huế gần 10 năm, DN gặp khá nhiều thuận lợi khi nguồn lao động dồi dào, điều kiện làm việc ổn định, song khó khăn lớn nhất mà chúng tôi gặp phải là thiếu trầm trọng nguồn nguyên phụ liệu sản xuất. Khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ký kết, các DN dệt may phải sử dụng nguyên liệu trong nước hoặc các nước thành viên mới được hưởng các ưu đãi từ TPP, nên việc kêu gọi các DN nước ngoài đặt nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu tại Việt Nam, tại Huế là mục tiêu hàng đầu. Thông qua hội thảo kết nối được tổ chức vào năm 2015, DN đã kêu gọi được Công ty Hivi sản xuất nguyên phụ liệu cung ứng cho DN và hội thảo lần này hy vọng sẽ thu hút được từ 3-5 nhà đầu tư triển khai dự án”.

Các đối tác nước ngoài tham quan nhà máy may Scavi để tìm hiểu cơ hội đầu tư sản xuất hàng phụ trợ dệt may tại Huế

Cuối năm 2015, Scavi đứng ra tổ chức hội thảo kết nối các nhà đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu dệt may và đã thu hút được khá nhiều DN lớn đầu tư tại Huế. Sau hội thảo, Công ty HiVi Việt Nam đã khảo sát và chọn KCN Phong Điền đầu tư dự án sản xuất nguyên phụ liệu dệt may với tổng mức đầu tư 10 triệu USD, diện tích 8,5 ha. Hiện, dự án đang hoàn tất khâu giải phóng mặt bằng và chuẩn bị xây dựng nhà máy. “Hiện DN đang thuê nhà xưởng ở cụm công nghiệp Hương Sơ để sản xuất phụ kiện đồ lót với công suất trên 1 triệu sản phẩm/tháng và cung ứng cho Scavi Huế trong lúc chờ đợi nhà máy xây dựng xong.” Giám đốc Công ty Hivi- bà Candy Lee cho biết.

Kết nối để mở rộng nguồn cung

Với lợi thế có trên 50 DN sản xuất hàng dệt may, quy hoạch xây dựng KCN hỗ trợ ngành dệt may đã được UBND tỉnh phê duyệt với diện tích 400 ha đặt tại KCN Phong Điền cùng với nguồn lao động dồi dào, việc kết nối để thúc đẩy các nhà đầu tư đến Huế xây dựng nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu là rất cần thiết và cấp bách. Khi Hiệp định TPP có hiệu lực và nguyên tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” đưa vào áp dụng đối với các DN dệt may trong nước, để thụ hưởng thuế suất 0%, các DN phải trông chờ vào nguồn nguyên phụ liệu trong nước nên hội thảo kết nối khách hàng- chủ hàng và đối tác đầu tư nhằm thiết lập nguồn cung nguyên phụ liệu dệt may có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với các DN dệt may mà với các ban ngành của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao hoan nghênh và biểu dương Tập đoàn Scavi đã đứng ra tổ chức hội thảo, kêu gọi được các chủ hàng, khách hàng và đối tác lớn trên thế giới đến Thừa Thiên Huế để tìm hiểu cơ hội đầu tư. Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, với mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm dệt may của cả nước, hiện tỉnh đang tập trung xây dựng và phát triển công nghiệp phụ trợ ngành dệt may, trong đó đẩy mạnh đầu tư hạ tầng KCN, hệ thống xử lý nước thải và tập trung tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư. Việt Nam sắp bước vào thực hiện Hiệp định TPP nên nguyên phụ liệu dệt may được ưu tiên số 1 để thụ hưởng các ưu đãi. UBND tỉnh và các ban, ngành chức năng sẽ tạo điều kiện tối đa để các DN đầu tư các dự án sản xuất hàng phụ trợ nhằm đáp ứng nhu cầu của các DN trên địa bàn tỉnh”.

Giám đốc Công ty Huayan- bà Michelle cho biết: “Huayan có hai nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu dệt may tại Trung Quốc và là đối tác cung cấp nguyên phụ liệu nội y cho Scavi gần 10 năm nay. Để giảm bớt phí vận chuyển và mở rộng việc cung ứng cho các nhà máy may tại Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng, sắp tới DN sẽ tiến hành khảo sát và chọn KCN Phong Điền để đầu tư nhà máy, cung ứng nguyên phụ liệu tại chỗ cho Scavi Huế cũng như các DN dệt may ở đây”.

Thông qua hội thảo, có ít nhất 5 nhà đầu tư nước ngoài có ý định đầu tư tại Thừa Thiên Huế và mở rộng các nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu tại Việt Nam, trong đó nhiều DN đã chọn KCN Phong Điền để đặt nhà máy, mở ra triển vọng lớn và thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ dệt may tỉnh phát triển theo hướng bền vững. “Chúng tôi đã đến Việt Nam từ nhiều năm và hiện đang có nhà máy sản xuất hàng phụ trợ dệt may tại Quảng Ngãi. Xuất phát từ nhu cầu khách hàng và xu hướng chuyển dần nhập siêu sang sử dụng nguyên phụ liệu trong nước của các DN dệt may, thời gian tới DN sẽ nghiên cứu để triển khai dự án tại Thừa Thiên Huế để đáp ứng nhu cầu cung cấp nguyên phụ liệu tại chỗ và phát triển chuỗi cung ứng hàng phụ trợ tại Việt Nam”, Giám đốc Công ty Freetex Elastic (Thái Lan)- Andras Kuschel nói.

Bài, ảnh: THANH HƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Doanh nghiệp dệt may, da giày lo ngại vì giá đô la tăng cao

Căng thẳng Biển Đỏ chưa hạ nhiệt, những ngày qua, tỷ giá giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) tại các ngân hàng liên tục tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu lo ngại; trong đó, các doanh nghiệp dệt may, da giày cũng không ngoại lệ.

Doanh nghiệp dệt may, da giày lo ngại vì giá đô la tăng cao
Dệt may phục hồi, tăng tốc trong xu thế xanh

Sau thời gian gặp khó khăn do thị trường tiêu thụ cũng như yêu cầu xuất khẩu vào thị trường EU và một số thị trường khác phải đảm bảo “đơn hàng xanh”, năm 2024 các doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng dệt may trên địa bàn tích cực đầu tư nhà xưởng, thay đổi chiến lược kinh doanh để đáp ứng các yêu cầu nên đã phục hồi trở lại và ổn định sản xuất kinh doanh.

Dệt may phục hồi, tăng tốc trong xu thế xanh
Vì người lao động

Là doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng dệt may xuất khẩu, nhiều năm qua Công ty CP Dệt may Huế luôn thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT)... Đơn vị được nhận danh hiệu “DN vì người lao động” trong nhiều năm liền.

Vì người lao động

TIN MỚI

Return to top