|
Nhà máy Scavi Huế 2 vừa đưa vào hoạt động, đáp ứng tiêu chí "Nhà máy Xanh", thân thiện môi trường |
Đầu tư trang thiết bị
Công ty Scavi Huế vừa đưa vào hoạt động nhà máy Scavi Huế 2 tại Khu công nghiệp Phong Điền (Phong Điền), tạo động lực để nâng cao giá trị xuất khẩu trong năm 2024.
Theo đó, nhà máy chuyên sản xuất quần áo thể thao có tổng diện tích xây dựng 14.500m2, vốn đầu tư trên 250 tỷ đồng với thời gian thực hiện trong 6 tháng. Để đáp ứng các tiêu chí về “đơn hàng xanh” của các đối tác, công trình hoàn thành có thiết kế thân thiện môi trường, với việc áp dụng tối đa các giải pháp sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng cũng như vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, đạt tiêu chuẩn “Nhà máy Xanh”, góp phần vào việc thực hiện tiên phong số 3 của tập đoàn về trách nhiệm với môi trường.
Tổng Giám đốc Công ty Scavi Huế, ông Trần Văn Mỹ cho rằng, mặc dù tình hình đơn hàng năm 2023 đối với ngành may mặc rất khó khăn (giảm từ 30-50%); tuy nhiên, công ty vẫn duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh thu đạt khoảng 115,5 triệu USD, giá trị xuất khẩu đạt 104 triệu USD, nộp ngân sách 39 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho khoảng 6.500 người.
Theo ông Mỹ, những khó khăn, thách thức trong năm 2023 chính là cơ hội để DN thay đổi hình ảnh và hướng đến xây dựng thương hiệu Scavi theo phương châm thân thiện môi trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường thế giới. Từ nhà máy Scavi Huế 2, trong 2 năm 2025 và 2026, DN tiếp tục xây dựng thêm những nhà máy may mới mang hình ảnh thân thiện môi trường, thân thiện với khách hàng, đảm bảo các tiêu chí “Nhà máy Xanh”, đồng thời gắn kết và thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh, đời sống cho người lao động.
Cùng với Scavi, năm 2024 Công ty CP Dệt may Huế cũng duy trì và phát triển DN theo hướng bền vững, trong đó xây dựng chiến lược đưa Dệt may Huế trở thành đối tác tin cậy của các thương hiệu thời trang lớn, cũng như đáp ứng yêu cầu cao nhất của khách hàng.
Bứt phá để tăng tốc
Cùng với chiến lược kinh doanh, để vượt qua khó khăn, đáp ứng với nhu cầu khách hàng, trong 2 năm 2023, 2024, Công ty CP Dệt may Huế triển khai nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, trong đó đầu tư bổ sung thiết bị nhà máy sợi, đầu tư nhà máy may 3 tầng, xây dựng kho nguyên liệu nhà máy may 4, trang bị hệ thống lò hơi, lò dầu tải nhiệt…
Tổng Giám đốc Công ty, ông Nguyễn Văn Phong cho rằng, để đạt doanh thu 1.920 tỷ đồng, tăng gần 5% so với năm 2023; lợi nhuận 110 tỷ đồng và thu nhập tăng thêm từ 5 - 10%, năm 2024, Công ty CP Dệt may Huế tiếp tục đầu tư bổ sung các thiết bị hiện đại, tự động hóa để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Đồng thời, tìm kiếm khách hàng phù hợp với năng lực, trình độ quản lý, tay nghề, thiết bị của DN để có điều kiện tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Trong đó, DN tiếp tục thay đổi cách thức quản trị, đầu tư thêm thiết bị tự động hóa và xây dựng phần mềm quản trị; đào tạo tay nghề và nâng cao ý thức cho người lao động.
Theo lãnh đạo Sở Công thương, tiếp tục thực hiện mục tiêu đưa ngành dệt may trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, năm 2024, ngành công thương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất hiện có, các dự án (DA) mới đầu tư đi vào sản xuất ổn định, khai thác tốt công suất thiết bị và hiệu quả đầu tư. Đông thời, phối hợp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai các DA đầu tư sản xuất hàng dệt may trên địa bàn, đặc biệt là các DA quy mô lớn, như nhà máy Kanglongda, các DA nhà máy may mặc của Công ty Scavi, Công ty CP Dệt may Thiên An Phú... góp phần tăng năng lực sản xuất và tạo bước đột phá cho ngành công nghiệp tỉnh trong thời gian tới.