ClockThứ Tư, 15/06/2016 15:44

Kết nối hàng nông sản

TTH - Tiềm năng có, nguồn hàng đa dạng và chất lượng đảm bảo, song lâu nay hàng nông, đặc sản địa phương ít có cơ hội đứng chân ở hệ thống siêu thị.

Các nhà phân phối tìm hiểu nguồn gốc, chất lượng sản phẩm địa phương để liên kết đưa vào siêu thị

Nhà cung cấp e dè

Theo thống kế của Sở Công thương, toàn tỉnh có 74 DN, cơ sở sản xuất với 50 mặt hàng nông, đặc sản thế mạnh của địa phương có thể kết nối để đưa vào kênh siêu thị. Song, do các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, kinh doanh hộ gia đình, vừa sản xuất vừa kinh doanh nên năng lực hoàn thành các hồ sơ theo quy định còn gặp nhiều khó khăn. Các nhà cung cấp (NCC) còn e ngại khi đưa hàng vào hệ thống phân phối lớn, chưa chú trọng đến khâu kiểm nghiệm, bao bì nhãn mác và đăng ký thương hiệu. Vì vậy, đến thời điểm này chỉ có 30 NCC đưa hàng vào siêu thị, trong đó Co.opMart 19 và Big C 11.

Một nguyên nhân nữa khiến sản phẩm địa phương khó đứng chân ở siêu thị là do kết quả kiểm nghiệm sản phẩm ban đầu của một số doanh nghiệp không đạt yêu cầu hoặc chưa thống nhất phương thức thực hiện nên chưa kết nối được, như nước mắm Hồ Thị Giang, Bà Gái (Quảng Điền) thiếu chứng chỉ hợp chuẩn, thiếu mã vạch; Công ty CP Vật tư nông nghiệp chưa thống nhất cách thức bán sản phẩm, công ty muốn bán vịt trời sống trong khi các siêu thị yêu cầu nhập sản phẩm đã được làm sạch đóng gói và có đóng dấu của cơ quan thú y; cơ sở nem chả tré Hảo Hảo kiểm nghiệm không đạt…

Trưởng ngành hàng thực phẩm tươi sống, Siêu thị Big C Huế - Trần Như Hồng Tấn cho rằng: “Con số NCC địa phương có mặt tại Big C Huế chỉ đếm được “trên đầu ngón tay”, với 11/1.300 NCC; doanh số bán hàng đạt 3,1 tỷ đồng/năm. Nguyên nhân là do đa số các cơ sở đều sản xuất nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình nên số lượng hàng không đáp ứng theo nhu cầu thị trường. Vào mùa cao điểm, nhà cung cấp địa phương lại không cung ứng hàng theo cam kết nên DN gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh”.

Trong khi đó, số lượng các NCC đưa hàng vào Siêu thị Co.opMart hàng năm liên tục sụt giảm theo năm do không kham nổi các chi phí kiểm nghiệm. “Chi phí kiểm nghiệm cao, thời gian tái kiểm nghiệm ngắn chính là nguyên nhân khiến ít NCC địa phương đưa hàng vào siêu thị, ngoại trừ những DN lớn và có doanh thu cao”, Giám đốc Siêu thị Co.opMart Huế - Lê Thanh Tú lý giải.

Hỗ trợ sản phẩm địa phương

Trước những khó khăn, vướng mắc khi số lượng hàng nông, đặc sản địa phương chỉ chiếm từ 3-5% trên tổng số hàng hóa có mặt tại các siêu thị, Sở Công thương đã tổ chức hội nghị bàn giải pháp kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông, đặc sản cho người dân trên địa bàn tỉnh. 

Chủ cơ sở thực phẩm Tâm Huế, chị Khánh Tâm chia sẻ: “Bất cập lớn nhất khiến nhiều cơ sở không thể đưa hàng vào siêu thị là phí kiểm nghiệm quá cao, từ 2-5 triệu đồng/sản phẩm, thời gian tái kiểm nghiệm chỉ sau 6 tháng, gây khó khăn cho các cơ sở sản xuất nhỏ. Sản phẩm mắm cá rò có giá thành thấp nhưng phí kiểm nghiệm lại quá cao, gần 4 triệu đồng/sản phẩm; mứt gừng chỉ bán trong 2 tháng tết nhưng cũng mất trên 3 triệu đồng cho phí kiểm nghiệm…, trong khi doanh số bán hàng các sản phẩm này không cao nên chúng tôi rất khó khăn để duy trì việc đưa hàng vào siêu thị”. Theo cơ sở nước mắm Hồ Thị Giang ở xã Quảng Công (Quảng Điền) thì việc đưa sản phẩm đi kiểm nghiệm, cấp mã vạch và các thủ tục hợp pháp để đưa vào siêu thị quá nhiêu khê, trong khi cơ sở ở cách xa thành phố hàng chục cây số, khó khăn trong việc đi lại.

Trước thực trạng này, lãnh đạo 2 nhà phân phối lớn là Big C và Co.opMart cam kết sẽ cắt giảm bớt các thủ tục nhập hàng, đơn giản hóa các quy trình để NCC có thể dễ dàng đưa hàng vào siêu thị. “Đối với việc tái kiểm nghiệm, các cơ sở không cần đưa sản phẩm đi tái kiểm nghiệm định kỳ 6 tháng/lần mà chỉ cần đưa một vài chỉ số quan trọng để giảm bớt chi phí. Riêng các NCC không đảm đương được phí kiểm nghiệm, DN sẽ hỗ trợ một phần chi phí và thực hiện giúp các hồ sơ giấy tờ liên quan với mục đích kêu gọi ngày càng nhiều NCC địa phương đưa hàng hóa vào cung ứng tại hệ thống siêu thị Co.opMart”, Giám đốc Co.opMart Huế - Lê Thanh Tú nhấn mạnh.

Giám đốc Sở Công thương, Nguyễn Thanh khẳng định: “Đưa hàng hóa địa phương vào cung ứng ở kênh siêu thị không chỉ để bán, nâng cao doanh số mà quan trọng là quảng bá và nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm. Thông qua hệ thống siêu thị trong cả nước, sản phẩm địa phương sẽ được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn để hợp tác giao thương, ký kết nhiều hợp đồng giá trị lớn. Trong năm 2016, sở sẽ làm đầu mối trung gian giúp các DN, cơ sở đưa hàng vào siêu thị, đồng thời tạo điều kiện tối đa để các DN đầu mối, nhà phân phối lớn liên kết với NCC để nhập hàng với mục đích đến cuối năm 2016, sẽ có trên 200 sản phẩm đứng chân tại hệ thống siêu thị trên toàn quốc”.

Bài, ảnh: THANH HƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kết nối di sản

Sự kiện đoàn tàu chạy chuyên khu đoạn Huế - Đà Nẵng và ngược lại với tên gọi “Kết nối di sản miền Trung” được vận hành vừa qua hứa hẹn sẽ mở ra cơ hội lớn. Song, để duy trì và khẳng định được tính “kết nối di sản” thì cần nhiều yếu tố, bởi đây không phải là lần đầu tiên mô hình này được áp dụng.

Kết nối di sản
Kết nối cùng thiên nhiên

Thừa Thiên Huế lưu dấu với du khách không chỉ có những giá trị văn hóa đặc biệt mà còn hấp lực bởi cảnh quan thiên nhiên khi muốn trải nghiệm...

Kết nối cùng thiên nhiên
Tôn vinh các tập thể và cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác xã hội

Chiều 25/3, UBND tỉnh tổ chức lễ kỷ niệm ngày Công tác xã hội Việt Nam lần thứ 8 năm 2024 với chủ đề: "Công tác xã hội Việt Nam - Tiên phong, chuyên nghiệp và kết nối"; đồng thời tôn vinh tập thể, cá nhân có thành tích nổi bật trong hoạt động công tác xã hội (CTXH) trên địa bàn tỉnh. Đến dự lễ kỷ niệm có ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Tôn vinh các tập thể và cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác xã hội

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top