Hàng siêu trường, siêu trọng đang được chuyên chở thông qua cảng nước sâu Chân Mây. Ảnh: ĐỨC QUANG
Cạnh tranh gay gắt
Thực tế, đội ngũ khai thác tàu VTB trên địa bàn tỉnh và cả một số tỉnh, thành khu vực miền Trung, như: Quảng Trị, Đà Nẵng… hầu hết sử dụng tàu có tải trọng nhỏ, từ 1.500 tấn trở xuống. Trong khi theo Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT), với xu thế và nhu cầu thị trường hiện nay, những con tàu VTB phải đạt tải trọng trung bình từ 2.500 – 3.000 tấn trở lên mới mong kinh doanh có hiệu quả.
Nguyên do, từ khi tàu SB (tàu sông pha biển) được tham gia chuyên chở hàng hóa trên biển vào năm 2014 đã khiến nhiều chủ tàu VTB nhỏ (trong đó có Huế) hoặc phải nâng cấp, hoặc bán tàu cũ để đầu tư tàu mới tải trọng lớn hơn mới có thể cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường.
“Việc cho phép tàu SB tham gia vận tải tuyến biển là quyết sách mang tính đột phá, giúp DN xuất nhập hàng hóa tiết giảm khá nhiều chi phí bởi cùng một tải trọng, nhưng tàu SB chở được nhiều hàng hóa hơn. Để tồn tại, cạnh tranh, chủ tàu VTB tải trọng nhỏ phải nâng cấp, đóng mới là chuyện tất yếu. Tuy nhiên, đó là với các DN tiềm lực kinh tế mạnh, có truyền thống và có nguồn hàng chuyên chở quy mô; còn với những DN nhỏ thì vô cùng khó khăn”, một DN về VTB chia sẻ.
Ông Võ Văn Trí, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP Cảng Thuận An (P. Thuận An - TP. Huế) cho hay, Công ty CP Cảng Thuận An là một trong những đơn vị đầu tiên có tàu VTB ở Huế (khoảng năm 1993 - 1994). Sau thời gian khai thác, tàu 150 tấn của công ty nâng cấp lên 400 tấn, tiếp đó là 1.000 tấn nhưng vẫn không thể cạnh tranh, bởi xu thế lúc đó là tàu 2.000 tấn trở lên. Và do không có kinh phí để tiếp tục nâng cấp, vừa không tìm được nguồn hàng chuyên chở ổn định nên công ty phải bán tàu.
Hàng siêu trường, siêu trọng đang được chuyên chở thông qua cảng nước sâu Chân Mây
“Ngoài chuyện không đủ tiềm lực để nâng cấp, đóng mới tàu VTB, việc luồng ra vào cảng Thuận An thường xuyên bị bồi lấp khiến cầu cảng dù cho phép tàu 3.000 tấn, tàu giảm tải 3.200 tấn cập cảng nhưng trên thực tế, tàu VTB 1.500 tấn cũng khó vào mà chỉ có tàu VTB dưới 1.200 tấn và tàu SB dưới 2.000 tấn mới có thể vào được. Nhưng vấn đề ở đây, tàu dưới 1.200 tấn lại không hiệu quả về mặt kinh tế”, ông Trí nói.
Cũng từ việc tàu lớn không thể cập cảng Thuận An đã xảy ra câu chuyện khá “tréo ngoe”. Thời điểm xăng, dầu chưa tăng, trung bình một tấn hàng từ Quảng Ninh về cảng Thuận An xê xích từ 120 – 130 ngàn đồng. Nhưng nếu về cảng Chân Mây, giá chỉ từ 70-80 ngàn đồng, thấp hơn 50 -60 ngàn đồng/tấn, dù quãng đường dài hơn. Lý do, cảng Thuận An bị bồi lấp nên tàu lớn không thể cập cảng trừ khi chia nhỏ hàng và đi nhiều chuyến khiến tiền cước tăng cao. Do đó, DN chọn tàu to cập cảng Chân Mây để tiết giảm chi phí.
Khai thác tiềm năng
Vận tải biển đóng vai trò quan trọng trong hoạt động giao thương quy mô lớn, cũng như là mắt xích không thể thiếu trong chuỗi logistics bởi nó có rất nhiều lợi thế so với vận tải bằng đường bộ, đường hàng không và đường sắt.
Theo tính toán, dù giá cước rẻ hơn rất nhiều nhưng hiện, vận tải đường sắt vẫn đang yếu về năng lực xếp dỡ, trung chuyển container; tính cơ động không cao; chưa có hệ thống đường ray đến các cảng biển… Trong khi đó, vận tải bằng đường hàng không vẫn đang ở dạng tiềm năng, chủ yếu vận chuyển các mặt hàng giá trị cao nhưng trọng lượng nhỏ; ngành hàng không Việt Nam chưa có đội bay chuyên dụng vận tải hàng hóa…
Đường bộ tuy có nhiều ưu điểm hơn, nhưng giá cước lại quá cao so với vận tải đường biển. Thời điểm giá dầu khoảng 17 - 18 ngàn đồng/lít, để vận chuyển một container hàng từ miền Nam ra miền Bắc theo đường bộ mất tới 30 triệu đồng/chuyến 1 chiều, trong khi bằng đường biển, giá cước mỗi container chỉ khoảng 5 - 7 triệu đồng.
Từ những ưu, khuyết của các loại hình vận tải kể trên, cũng như từ tiềm năng, lợi thế khi có Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô; Cảng nước sâu Chân Mây; 6 khu công nghiệp: Phú Bài, Phong Điền, Tứ Hạ, La Sơn, Phú Đa, Quảng Vinh; hơn 80 DN xuất, nhập hàng hóa bằng container…, Thừa Thiên Huế đang đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, phát triển dịch vụ logistics, trong đó, chú trọng phát triển VTB thông qua khai thác tàu chở container ở Cảng nước sâu Chân Mây.
“Cảng nước sâu Chân Mây đã khai thác tàu tải trọng 50 ngàn tấn giảm tải và đang quy hoạch để khai thác tàu có tải trọng 70 ngàn tấn, tàu container 4.000 TEU, tàu khí LNG 150 ngàn tấn... Điều này sẽ giúp khoảng 85% DN logistics xuất, nhập hàng container ở Huế không phải trung chuyển hàng đến cảng Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, TP. Hải Phòng…, đồng thời, tạo thêm nhiều việc làm, thúc đẩy DN trên địa bàn tỉnh phát triển và tăng thu ngân sách”, ông Đinh Quang Đăng, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế cho biết.
Ngoài cảng nước sâu Chân Mây, khu vực cảng Chân Mây cũng đang được quy hoạch khu dịch vụ logistics với diện tích trên 50ha, trong đó có khoảng 23ha làm nơi dịch vụ container, định hướng sẽ trở thành khu dịch vụ logistics hạng 1; Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô được quy hoạch trở trung tâm tiếp vận, lưu thông hàng hóa; mục tiêu đến năm 2025 các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh đều có các trung tâm logistics...
Những động thái trên cho thấy, Thừa Thiên Huế đang tập trung phát triển dịch vụ logistics và VTB bài bản. Điều này sẽ giúp gia tăng sự gắn kết phát triển sản xuất hàng hóa, tạo cơ hội cạnh tranh bình đẳng cho các DN, đẩy mạnh thu hút đầu tư ở nhiều lĩnh vực, đem lại giá trị gia tăng cao, tạo động lực cho ngành công nghiệp tỉnh bứt phá...
Bài: HÀN ĐĂNG - Ảnh: ĐỨC QUANG