Theo Bộ Công Thương, trong số 142 vụ việc phòng vệ thương mại mà các nước điều tra với Việt Nam, có tới 35 vụ liên quan tới sản phẩm thép. Riêng trong giai đoạn 2016 - 2017, có 9 vụ việc mới được khởi xướng.
Mới đây nhất, sau khi Hoa Kỳ áp dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu thép theo Mục 232, Đạo luật Mở rộng thương mại, EU và Thổ Nhĩ Kỳ đã khởi xướng điều tra tự vệ đối với một loạt các sản phẩm thép nhập khẩu.
Các sản phẩm thép bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại khá đa dạng và ngày càng được mở rộng, không chỉ giới hạn ở mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn, mà còn mở rộng với những sản phẩm có giá trị và lượng xuất khẩu trung bình và nhỏ như: thép chịu lực không gỉ, đinh thép, ống thép dẫn dầu, mắc áo thép dây thép...
Thép là mặt hàng có số vụ kiện phòng vệ thương mại nhiều nhất hiện nay. (Ảnh minh họa: KT)
Nếu như trước đây, các vụ việc thường tập trung vào các sản phẩm cụ thể thì nay cùng một biện pháp có thể hướng tới rất nhiều nhóm sản phẩm khác nhau như: vụ việc EU khởi xướng điều tra tự vệ với 26 nhóm sản phẩm thép, Thổ Nhĩ Kỳ điều tra tự vệ với 21 nhóm sản phẩm, Hoa Kỳ áp dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu theo Đạo luật Mở rộng thương mại với 177 mã HS thép…
Cùng với xu thế bảo hộ, số lượng thị trường áp dụng biện pháp PVTM với thép của Việt Nam cũng tăng mạnh hơn so với trước.
Qua theo dõi tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương nhận thấy, việc tăng trưởng nhập khẩu ồ ạt với những sản phẩm này đã giảm đi đáng kể.
Tuy nhiên, về lâu dài, Bộ Công Thương xác định, cần có các chính sách hợp lý nhằm thúc đẩy xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là trong ngành thép.
Bởi khi các doanh nghiệp FDI tăng xuất khẩu sẽ tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp trong nước xuất khẩu, tăng sức cạnh tranh với sản phẩm thép nhập khẩu từ nước ngoài… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thép cần đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, tránh tăng trưởng xuất khẩu quá nóng vào một thị trường, nhằm giảm thiểu rủi ro từ các biện pháp hạn chế nhập khẩu thép từ các nước.
Theo VOV