Sản xuất giày xuất khẩu. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Để đón nhận cơ hội Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EAEU vừa có hiệu lực và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhiều doanh nghiệp trong ngành da giày Việt Nam đã chủ động đầu tư và có các phương án, chiến lược sản xuất kinh doanh.
Đại diện Công ty cổ phần Ladoza cho biết đón đầu Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam-EAEU, Công ty Ladoza đã tập trung nhập các nguyên liệu da từ Ấn Độ và các thiết bị máy móc, với thuế suất hiện tại là 0% và hiện Ladoza đang tìm kiếm các đối tác nước ngoài như Mexico. Công ty đang xuất khẩu sang các nước EAEU với các sản phẩm balô-túi xách. Cùng với đó, công ty cũng thiết kế khoảng 20 sản phẩm mới để đưa sang các thị trường khác trong năm 2017.
Tuy nhiên, theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam, các doanh nghiệp da giày chủ yếu vẫn nhập nguyên phụ liệu đầu vào. Các nguyên liệu quan trọng như da thuộc, da nhân tạo, vải mũ giày vẫn phải nhập khẩu.
Tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chỉ đạt từ 40-45%. Trong khi đó, nguyên phụ liệu chiếm tỷ trọng lớn từ 68-75% trong cơ cấu giá thành sản phẩm giày dép.
Khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EAEU cũng như các hiệp định thương mại tự do trong thời gian tới có hiệu lực, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đầu tư phát triển sản xuất nguyên phụ liệu để hưởng ưu đãi theo xuất xứ. Nhờ đó, Việt Nam có thể cải thiện được nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm. Đây là cơ hội lớn, giúp ngành da giày khắc phục điểm yếu là phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu.
Hiện nay, các doanh nghiệp da giày trong nước đều có sự đổi mới về sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tích cực tìm kiếm mở rộng thị trường. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)... đã đến Việt Nam xây dựng nhà máy để tận dụng những cơ hội mà FTA mang lại.
Chiếm tới hơn 70% kim ngạch xuất khẩu ngành da giày, vì thế các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang được coi là có nhiều lợi thế hơn cả để tận dụng cơ hội vàng từ các FTA. Cũng giống như dệt may, các sản phẩm giày dép xuất sang EU hay EAEU sẽ được hưởng mức thuế về 0% trong vòng bảy năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực.
Nhưng theo bà Phan Thị Thanh Xuân, “khi mở cửa thị trường sẽ không phân biệt doanh nghiệp FDI hay doanh nghiệp nội địa. Bởi, bất cứ doanh nghiệp nào cũng được hưởng lợi từ FTA và cuộc chơi chỉ dành cho những doanh nghiệp đáp ứng tốt các tiêu chí và yêu cầu của thị trường.”
Bên cạnh những thuận lợi, thách thức cũng đặt ra cho ngành da giày-túi xách Việt Nam. Đó là tỷ lệ sản xuất gia công cao chiếm tới 70% nên lợi nhuận thấp và hạn chế sự năng động của doanh nghiệp. Mặt khác, các rào cản kỹ thuật áp đặt từ phía EU hay EAEU, cùng với các yêu cầu về trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường và tuân thủ các thủ tục để được hưởng lợi thuế FTA cũng làm tăng chi phí cho doanh nghiệp.
Trong khi đó, tỷ lệ nội địa hóa trên sản phẩm xuất khẩu chỉ đạt 40% do công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển nên nguyên phụ liệu (gồm cả da thuộc, vải làm giày, đế giày) vẫn đang phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài trên 60%, chủ yếu từ Trung Quốc. Các chi phí điện, nước, nguyên phụ liệu, vận tải... và chi phí nhân công tăng cao do sức ép tăng tiền lương tối thiểu hàng năm cũng làm chi phí đầu vào tăng cao.
Để tận dụng hiệu quả lợi ích mà hiệp định mang lại, khắc phục những điểm yếu, Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam Nam cho rằng không còn cách nào khác là mỗi doanh nghiệp cần nỗ lực vươn lên và định hình cho mình những chiến lược, giải pháp mới trong việc tạo ra các sản phẩm có giá trị cao để đủ sức cạnh tranh với các đối tác nước ngoài và trụ vững trên thị trường trong nước.
Theo Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp da giày khi đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu là về tài chính. Hiện nay, hầu như các doanh nghiệp vẫn phải “tự bơi” do chưa có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu. Mặc dù Chính phủ và Bộ Công Thương đã khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư để đón đầu hội nhập, nhưng muốn đầu tư được thì các doanh nghiệp phải được ưu đãi về lãi suất vốn vay trung dài hạn. Bên cạnh đó, cũng cần có chính sách ưu đãi về đất đai, thuế để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư.
Theo đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn giày Phong Châu, các chính sách hỗ trợ cho xuất khẩu da giày hiện nay mới chỉ tập trung vào giải quyết phần ngọn là tiêu thụ sản phẩm, còn phần gốc là nguyên phụ liệu và công tác đào tạo thì lại chưa được quan tâm đúng mức. Công ty hiện vẫn sản xuất theo hợp đồng gia công, quy mô nhỏ nên doanh thu phụ thuộc nhiều vào biến động thị trường.
Khi mà Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam-EAEU có hiệu lực với sự thuận lợi từ các FTA, cùng sự chuyển dịch cơ cấu sản xuất về Việt Nam, công ty sẽ ký kết được nhiều hợp đồng hơn. Vì vậy, công ty cũng đang tính tới mở rộng sản xuất trong thời gian tới.
Theo TTXVN