Các DN dệt may gặp nhiều khó khăn khi đa số nguồn cung nguyên phụ liệu đều nhập từ Trung Quốc
Khai thác nguồn cung ngoài Trung Quốc
Với gần 10 nhà máy may đóng tại các Khu công nghiệp (KCN) ở Quảng Nam, Phú Thọ, Thái Bình, Thừa Thiên Huế…, trước diễn biến phức tạp của dịch Corona, Công ty TNHH MTV Sơn Hà Huế đóng tại KCN Phú Đa đang gặp nhiều trở lực khi nguồn cung nguyên phụ liệu đang dần cạn kiệt, trong khi các nhà máy sản xuất vải, phụ kiện ở Trung Quốc có kế hoạch đóng cửa dài ngày.
Giám đốc phát triển Tổng Công ty TNHH Sơn Hà, ông Huỳnh Trọng Nghĩa cho rằng, đa số đơn hàng trong quý I/2020 đều ký từ cuối năm 2019 nên việc cần làm hiện nay là phải duy trì sản xuất, đồng thời triển khai các giải pháp đảm bảo sức khỏe cho người lao động để không ảnh hưởng đến sản xuất, chậm đơn hàng.
Ông Nghĩa cho rằng, với hơn 60% nguyên phụ liệu nhập từ Trung Quốc, trong khi các nhà máy sản xuất thông báo đóng cửa đến hết tháng 3/2020 nên hiện DN đang liên hệ với các đối tác để thương lượng chuyển nguồn cung từ Trung Quốc sang các nước khác hoặc các nhà máy tại Việt Nam. Song, đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.
Đối với Công ty CP Dệt may Huế, với kinh nghiệm hơn 20 năm làm việc với các nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu Trung Quốc nên DN đã có sự chuẩn bị nguồn cung từ trước Tết Nguyên đán Canh tý 2020. Bởi, theo lãnh đạo DN, dường như năm nào các nhà máy ở đây cũng có kế hoạch nghỉ tết dài ngày, trong khi dịch bệnh corona diễn ra cùng thời điểm với dịp nghỉ tết.
Theo Giám đốc điều hành Nguyễn Hồng Liên, khó khăn lớn nhất hiện nay đó là mặc dù DN không xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc, song đa số các đối tác Mỹ, châu Âu đều đặt văn phòng đại diện tại Trung Quốc nên công tác duyệt mẫu thiết kế bị ảnh hưởng khi sản phẩm không thể gửi đến Trung Quốc trong thời điểm này. Theo kế hoạch, đến ngày 16/2 các nhà máy sẽ mở cửa trở lại nên DN chỉ biết chờ đợi và lên sẵn các kịch bản ứng phó trong tình trạng dịch bệnh chưa chấm dứt.
Bà Liên cho biết, hiện DN đang tìm cách khai thác nguồn cung ở Việt Nam hoặc các nước khác vì những nhà máy bên ngoài Trung Quốc vẫn đáp ứng nguồn cung. Về phía sản xuất, DN vẫn duy trì sản xuất và xuất hàng đi các nước Mỹ, châu Âu, đồng thời có kế hoạch tăng ca, nâng công suất để đáp ứng các đơn hàng khi nguồn cung ổn định trở lại.
Công ty CP Dệt may Huế huy động nhân lực, chuẩn bị nguyên liệu may 60.000 khẩu trang tặng UBND tỉnh góp phần phòng chống dịch Corona
Phó Giám đốc Sở Công thương - Phan Hùng Sơn thông tin, để hạn chế những tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh, các DN cần trao đổi với khách hàng, tập trung khai thác nguồn nguyên liệu, phụ liệu trong nước hoặc từ các nước khác để thay thế nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, đảm bảo duy trì sản xuất kinh doanh, ổn định tinh thần và đời sống của người lao động.
Chung tay phòng dịch
Mặc dù đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi nguồn cung nguyên liệu không ổn định, công tác kiểm duyệt hàng hóa bị đình trệ ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, song nhiều DN sản xuất hàng dệt may trên địa bàn đang chung tay phòng chống dịch corona bằng nhiều hình thức.
Trong ngày 6/2, 3 nhà máy may của Công ty CP Dệt may Huế đã thành lập nhiều chuyền may “dã chiến” và huy động hàng trăm công nhân tăng ca tập trung may 15.000 khẩu trang vải kháng khuẩn tặng cho UBND tỉnh phân bổ cho người dân và khách du lịch.
Theo lãnh đạo công ty, trước tình hình khan hiếm khẩu trang y tế do cầu vượt cung cũng như góp phần phòng dịch, đơn vị đã và đang may 60.000 khẩu trang vải kháng khuẩn với tổng giá trị gần 350 triệu đồng tặng cho UBND tỉnh để phát tận tay người dân và du khách đến Huế. Đây là loại khẩu trang được sản xuất từ vải dệt kim kháng khuẩn 2 lớp, trong đó có một lớp kháng khuẩn, tái sử dụng khoảng 20 lần giặt.
Đối với CBCNV- LĐ đang làm việc tại công ty, để phòng tránh dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe cho toàn thể CBCNV- LĐ, trước mắt công ty trang bị gần 30.000 khẩu trang y tế và yêu cầu đeo khẩu trang khi đến làm việc tại công ty, sau khi cấp phát đủ số lượng khẩu trang cho người dân trên địa bàn, công ty tiếp tục may khẩu trang vải cho CBCNV- LĐ; đồng thời triển khai phun thuốc phòng dịch trong khuôn viên các nhà máy.
Công ty CP Xuất nhập khẩu và Đầu tư Thừa Thiên Huế đo thân nhiệt cho CBCNV- LĐ trước khi vào nhà máy
Tại Công ty TNHH Kim Sora ở cụm công nghiệp Hương Hòa (Nam Đông), cùng với việc tặng hàng ngàn khẩu trang do DN sản xuất cho người dân, công ty đã huy động công nhân, nhập nguyên liệu để nâng công suất từ 3,75 triệu sản phẩm khẩu trang y tế/năm lên khoảng 4 triệu cái, đồng thời ưu tiên cung ứng sản phẩm nhằm đáp ứng nguồn cung cho người dân trên địa bàn.
Theo Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Nguyễn Văn Sơn, hiện trên địa bàn các KKT, KCN có trên 32.000 CBCNV- LĐ đang làm việc, trong đó lao động ngành dệt may chiếm trên 20.000 người. Hiện có 27 lao động Trung Quốc làm việc tại các KKT, KCN, trong dịp tết vừa qua có 19 người trở về quê ăn tết và đến nay có 7 lao động trở lại làm việc, qua kiểm tra, sức khỏe những người này đều ổn định và không có trường hợp nghi nhiễm virus Corona. Hiện Ban Quản lý Khu kinh tế đang tiếp tục kiểm soát tình hình lao động nước ngoài làm việc tại KKT, KCN, đặc biệt là lao động đến từ Trung Quốc, Hồng Kông.
Bài, ảnh: Thanh Hương