|
Dàn thêu vi tính của Công ty Thêu may Đoan Trang do nguồn vốn khuyến công hỗ trợ một phần kinh phí đã phát huy tác dụng, tạo ra nhiều mẫu mã mới |
Thời gian qua, nhiều nghề và làng nghề truyền thống (LNTT) trên địa bàn được khôi phục và phát triển, như: đúc đồng Phường Đúc, mộc điêu khắc Mỹ Xuyên, mây tre đan Bao La, đệm bàng Phò Trạch, hoa giấy Thanh Tiên, dệt zèng A Lưới…; một số làng nghề được bảo tồn như tranh làng Sình, gốm Phước Tích, rèn Hiền Lương… Trong đó, một số LNTT được bảo tồn, khôi phục đã gắn với phát triển du lịch, bước đầu đã hình thành một số tour du lịch đến các LNTT nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch trên địa bàn.
Để có được những kết quả trên, một phần nhờ vào sự đóng góp của chương trình KC, trong đó nguồn “vốn mồi” đã phát huy tác dụng trong việc tiếp sức cho các cơ sở đầu tư kinh phí trang bị máy móc tiên tiến phục vụ sản xuất. Các hoạt động KC đã góp phần nâng cao nhận thức và hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) trong việc đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ và cải tiến mẫu mã nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao giá trị sản xuất CN-TTCN của các địa phương và giải quyết việc làm trong khu vực nông thôn.
Theo lãnh đạo Sở Công thương, giai đoạn 2010 – 2023, tổng kinh phí KC hỗ trợ để phát triển các sản phẩm nghề, làng nghề, LNTT chiếm hơn 13 tỷ đồng thông qua các hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ máy móc thiết bị tiên tiến, thiết kế mẫu mã sản phẩm, tham gia các hội chợ triển lãm thương mại trong và ngoài nước để giới thiệu, xúc tiến, phát triển thị trường tiêu thụ.
Để nâng cao hiệu quả quản lý vốn KC, ngoài việc tăng cường kiểm tra giám sát chặt chẽ của các cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở, Sở Công thương còn nắm bắt thị trường để tư vấn giúp các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh đầu tư mua máy móc phù hợp với thực tế. Đối với những sản phẩm mới liên quan đến công nghệ tiên tiến phải dành thời gian nghiên cứu, đánh giá, thử nghiệm trước khi đưa vào đầu tư vận hành, tránh việc đầu tư không hiệu quả, lãng phí.
Theo lãnh đạo Sở Công thương, để phát huy nguồn “vốn mồi” của chương trình KC, thời gian tới sẽ tập trung hỗ trợ các đề án KC theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, có sự lan tỏa nhằm tạo bước chuyển rõ rệt cho sự phát triển trong lĩnh vực CN-TTCN. Trong đó, nâng cao chất lượng trong việc lựa chọn các DN, cơ sở CNNT được thụ hưởng các chương trình KC. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ các ngành nghề, sản phẩm tiêu biểu, chủ lực theo hướng phát huy tốt lợi thế so sánh, nguồn lực có sẵn về tài nguyên, nguyên liệu, thị trường lao động của địa phương; hạn chế xây dựng các đề án dàn trải, phân tán, nhỏ lẻ, hiệu quả thấp.
Nhiệm vụ quan trọng nữa đó là thường xuyên rà soát, xây dựng, bổ sung, sửa đổi để hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực KC, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, giới thiệu các chủ trương, chính sách trong lĩnh vực KC; đồng thời tích cực kêu gọi, vận động các DN, cơ sở CNNT, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tham gia xã hội hóa thực hiện chương trình KC nhằm hỗ trợ sản xuất, tạo dựng được thương hiệu cho nhiều sản phẩm và nhiều lao động vùng nông thôn có việc làm với thu nhập ổn định.