|
Các doanh nghiệp tham gia kết nối sản phẩm công nghệ mới. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+) |
Theo thống kê của Bộ Công thương, qua 10 tháng, cả nước đã xuất khẩu hàng hóa ước đạt 291,28 tỷ USD. Đáng chú ý, có 33 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó, có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,2%.
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, ước đạt 47 tỷ USD. Tiếp đến là Điện thoại các loại và linh kiện, thu về 44,02 tỷ USD; Ngoài ra, xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 35,51 tỷ USD; hàng dệt may đạt 27,8 tỷ USD; giày dép các loại đạt 16,05 tỷ USD); phương tiện vận tải và phụ tùng ước đạt 11,58 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,8 tỷ USD…
Đại diện Bộ Công Thương cho hay, trong xuất khẩu đã thực hiện tốt việc đa dạng hóa thị trường. Theo đó, xuất khẩu sang các thị trường lớn của Việt Nam mặc dù giảm tại Mỹ và EU, nhưng xuất khẩu sang các nước châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á đã tăng trưởng tốt.
Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã thực hiện tốt các giải pháp về xuất khẩu sang các nước có chung đường biên giới, hàng hóa cơ bản không bị ách tắc, kể cả lúc cao điểm thời vụ, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc - đây là thị trường xuất khẩu duy nhất trong số các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương (tăng 5%), trong khi các thị trường lớn khác đều giảm.
Nhờ vậy, cán cân thương mại tiếp tục duy trì trạng thái xuất siêu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời, hỗ trợ lớn cho cán cân thanh toán quốc tế./.