ClockThứ Năm, 01/08/2024 06:19

Cụ già “đan bình yên”

TTH - Có một cụ già người dân tộc Pa Cô tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng vẫn dẻo dai lên núi bứt mây, đốn tre nứa; ngày ngày cần mẫn ngồi chẻ tre, đan gùi, đan nong nia. Nhiều người dân xã Hồng Thủy (A Lưới) gọi ông Hồ Xuân Bột là người cao tuổi "đan bình yên" bằng sự chăm chỉ và tình yêu lao động, là tấm gương để con cháu noi theo.

Gìn giữ nghề đan lát của đồng bào Cơ Tu

 Ông Hồ Xuân Bột cần mẫn đan gùi

Chúng tôi ghé nhà ông Hồ Xuân Bột (74 tuổi), khi mặt trời đã đứng thẳng trên ngọn cây. Trưa nắng chang chang, nhưng không khí vẫn mát lành bởi tán lá của nhiều loại cây ăn trái bao quanh nhà. Khoảnh vườn rộng không có chỗ đất nào bỏ trống, mà phủ xanh các loài rau theo mùa và hồ cá rộng bên hiên, góp thêm sự dịu mát giữa trưa hè, đồng thời là “minh chứng” thành quả tình yêu lao động của đôi vợ chồng già. Dưới bóng cây đung đưa theo làn gió, ông Bột ngồi tỉ mẩn vót từng nan tre, thực sự là hình ảnh yên bình nơi núi rừng vùng cao.

Ông Bột nói rằng, nghề đan lát của người Pa Cô đã có từ rất lâu đời, nhưng bây giờ chẳng còn mấy ai mặn mà theo nghề. Người trẻ có sức khỏe, nếu không đi làm rừng làm rẫy, cũng đi làm ăn xa. Người già biết nghề đan lát, một số đã khuất bên kia núi. Nhưng những người hiếm hoi còn lại như ông Bột vẫn đang cần mẫn giữ lấy nghề của cha ông, vừa góp phần cải thiện đời sống gia đình.

Đôi tay khéo léo vừa vót nan tre, ông Bột vừa vui vẻ chuyện trò. Năm 17 tuổi, ông đi theo cách mạng, tham gia kháng chiến chống Mỹ. Chiến tranh chấm dứt, ông trở về quê hương, từng làm qua nhiều chức vụ ở địa phương. Sau khi nghỉ hưu, ngoài công việc trên nương rẫy; vợ chồng cùng trồng lúa, ngô, khoai, chăm sóc vườn tược, chăm ao cá để cải thiện bữa ăn, ông dành thời gian để đan lát, tăng thêm thu nhập.

“Người đồng bào Pa Cô mình khi lớn lên, đến tuổi đi nương đi rẫy đều sắm cho bản thân một chiếc gùi, nên số lượng gùi dân bản đặt nhiều lắm, đan không kịp” - ông Bột nói. Ngày xưa, ông thường hay xem những người già trong bản đan lát. Cứ nhìn mãi rồi cũng thích, nên mày mò tự học. Không nghĩ khi về già, nghề của cha ông lại gắn với mình.

Bên cạnh các sản phẩm như nong, nia, nồi hông xôi, mâm…, thì gùi là sản phẩm mọi người đặt mua nhiều nhất. Ông Bột cho biết, bí quyết để có một chiếc gùi đẹp, lâu hư thường nằm ở khâu chọn tre. Tre đan gùi phải chọn cây tre già vừa tới, không bị cụt mất ngọn. Khi chẻ ra, tre có màu đỏ mới là tre tốt. Tre sau khi chặt về, phải ngâm dưới bùn trong ao một thời gian để tăng độ dẻo dai của tre, tránh mối mọt. Gùi đan xong sẽ được treo bên bếp lửa để khói lửa làm nổi các vân tre, lên màu đẹp và tăng độ bền của sản phẩm.

Gùi của người Pa Cô được đan bằng tre, nhưng đáy gùi, dây gùi lại được đan bằng mây. Dây gùi được đánh bằng những sợi mây nhỏ, mỏng, cuộn lại với nhau một cách khéo léo không chỉ tăng độ bền mà còn đẹp mắt. Dây gùi giúp đỡ toàn bộ sức nặng của chiếc gùi từ đáy lên còn có tác dụng tăng tuổi thọ cho thân gùi và miệng gùi. Ông Bột cho biết, người Pa Cô thường lên núi lấy dây mây về với số lượng vừa đủ dùng trong một khoảng thời gian chứ không lấy nhiều. Khi nào dùng hết lại lên núi lấy tiếp. Đan một chiếc gùi thường mất từ 3 đến 5 ngày tùy theo gùi lớn hay nhỏ. Giá cũng chênh lệch từ 250 đến 500 nghìn  đồng. Mỗi tháng chăm chỉ, ông Bột có thể đan từ 6 đến 10 chiếc.

Bà Hồ Thị Ích, vợ ông Bột cho biết, thu nhập từ công việc đan gùi của chồng mỗi tháng vài ba triệu đồng, giúp đôi vợ chồng già tăng thêm thu nhập. Lúa, ngô, rau, cá... sản xuất được, đảm bảo cho gia đình cuộc sống ổn định. Những khoản tích cóp được, vợ chồng ông Bột sắm sửa vật, sửa sang nhà cửa chắc chắn, khang trang.

Nụ cười của người đàn ông Pa Cô cao tuổi tươi như ngọn nắng, khi trả lời câu hỏi sẽ theo nghề đan gùi đến khi nào? Ông Bột bảo: “Khi nào dân bản còn mang gùi lên nương, thì ông còn giữ lấy nghề của cha ông mình, miễn là tay chân vẫn còn sức để lên núi lên đồi chặt tre, bứt mây…”.

Bài, ảnh: Hà Lê – Quỳnh Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Kho báu” của người Pa Cô

“Mình luôn sợ thời gian đi nhanh quá mà mình thì chậm, chỉ lo lắng làm không kịp nhiều thứ cho con cháu mai sau” - Già Hạnh hướng mắt về dãy Trường Sơn trùng điệp phía xa xa, bày tỏ tiếng lòng. Bao đời nay người Pa Cô của già đều nương náu dưới chân dãy núi này. Nhìn văn hóa truyền thống của cha ông mai một dần theo năm tháng khiến lòng già đau đáu, phải bằng mọi cách gìn giữ, bảo tồn được những nét đẹp của dân tộc mình.

“Kho báu” của người Pa Cô
Lần về dấu xưa

Cũng như nhiều dân tộc khác đang sinh sống trên dãy Trường Sơn, cộng đồng người Pa Cô ở huyện A Lưới có nhiều tín ngưỡng độc đáo về văn hóa và tâm linh thờ cúng. Trong tâm thức của đồng bào, những ngôi nhà piing - nhà mồ được dựng lên ngoài để che chắn, tưởng nhớ người đã khuất thì đó còn là nơi lưu dấu những ký ức về tổ tiên, dòng họ.

Lần về dấu xưa
Giữ nghề cha ông

Ngoài tạo ra những đồ vật thông dụng trong sinh hoạt và lao động sản xuất hàng ngày, anh Hoàng Thanh Xuân (thôn Đút 1, xã Hồng Kim, huyện A Lưới) còn kế thừa nét thẩm mỹ, văn hóa độc đáo của dân tộc nhờ trân trọng kỹ thuật đan lát của cha ông.

Giữ nghề cha ông
Chuyện về người Pa Cô thờ Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1914 - 1967) là nhà chính trị, quân sự lỗi lạc của Đảng. Suốt cuộc đời, ông đã cống hiến cho cách mạng với một lòng yêu nước nồng nàn, ý chí mãnh liệt, niềm tin bất diệt vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Chuyện về người Pa Cô thờ Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Gìn giữ nghề đan lát của đồng bào Cơ Tu

Cuộc sống hiện tại với nhiều vật dụng mới đã len lỏi khắp các bản làng, nguy cơ mai một nghề đan lát sản phẩm mây tre rất cao bởi thiếu những chính sách bảo tồn tổng thể. Điều này khiến các nghệ nhân tâm huyết với nghề vô cùng trăn trở. Hiện nay, người thành thạo nghề chỉ còn số ít, đa phần đều cao tuổi.

Gìn giữ nghề đan lát của đồng bào Cơ Tu

TIN MỚI

Return to top