ClockChủ Nhật, 31/12/2023 07:51

Chuyện về người Pa Cô thờ Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

TTH - Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1914 - 1967) là nhà chính trị, quân sự lỗi lạc của Đảng. Suốt cuộc đời, ông đã cống hiến cho cách mạng với một lòng yêu nước nồng nàn, ý chí mãnh liệt, niềm tin bất diệt vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Thế hệ trẻ tưởng nhớ Đại tướng Nguyễn Chí Thanh “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh – Nhà lãnh đạo chiến lược, người chỉ đạo thực tiễn xuất sắc của cách mạng Việt Nam”Dâng hương, tưởng nhớ công lao to lớn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

 Không gian trưng bày tại Bảo tàng Nguyễn Chí Thanh (đường Đặng Thái Thân, TP. Huế)

Để ghi nhớ những công lao của Đại tướng sau khi ông qua đời, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thừa Thiên Huế đã xây dựng nhiều công trình để tưởng niệm, như: Khu lưu niệm Nguyễn Chí Thanh; Bảo tàng Nguyễn Chí Thanh; Thư viện Nguyễn Chí Thanh; Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh; Công viên và tượng đài Nguyễn Chí Thanh; đường phố mang tên Nguyễn Chí Thanh…

Điều đặc biệt hơn, một số cán bộ, chiến sĩ dân tộc Pa Cô thuộc huyện miền núi A Lưới với tấm lòng ngưỡng mộ sau khi ông qua đời, đã tổ chức thờ cúng và xem Đại tướng như một vị lãnh tụ kính yêu bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cũng như nhiều cán bộ và chiến sĩ người Pa Cô, hai ông Hồ Thanh Xoa và Hồ Vai tham gia cách mạng từ rất sớm và đổi sang họ Hồ (họ của Chủ tịch Hồ Chí Minh), nguyện sắt son một lòng đi theo con đường cách mạng do Đảng và Bác Hồ lãnh đạo. Được mang họ Hồ và tổ chức treo ảnh Bác, thờ cúng Bác là một niềm vinh dự và tự hào của người Pa Cô nói chung và 2 ông hai ông Hồ Thanh Xoa, Hồ Vai nói riêng. Tuy nhiên, trên bàn thờ của họ còn có thêm ảnh thờ của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với những tình cảm và kỷ niệm mà họ đã dành cho Đại tướng trong hơn nửa thế kỷ qua.

Ông Hồ Thanh Xoa sinh năm 1942, nguyên Trưởng ban Dân vận huyện A Lưới, ủy viên Trung ương MTTQVN nhiệm kỳ VI, VII. Ông cho biết: Khi đang làm Trưởng ban Tổ chức Quận ủy Quận 1 thuộc Đảng ủy miền Tây Trị Thiên Huế, vào tháng 6/1966, đồng chí Nguyễn Chí Thanh từ Trung ương Cục miền Nam ra Hà Nội theo tuyến đường mòn phía tây Trường Sơn đã ghé thăm và nghỉ một đêm tại cơ quan Quận 1. Đại tướng khi đó chỉ mặc quần đùi, đội nón lá, tay cầm gậy, chân mang dép cao su nhưng toát lên trong con người ông hình ảnh của một vị tướng rất bình dị và gần gũi, làm mọi người ở đây vô cùng kính mến, cảm phục. Trong tâm trí ông, hàng ngày thường nghe mọi người nói Nguyễn Chí Thanh là “Đại tướng Nhân dân”, “vị tướng của Bác Hồ” giờ ông mới có cơ hội tận mắt nhìn thấy.

Khi nghe tin Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từ trần (6/7/1967), Đảng ủy miền Tây Trị Thiên Huế vô cùng thương tiếc, tổ chức học Nghị quyết về thực hiện những lời dạy của Đại tướng và làm lễ Truy điệu cho Đại tướng. Ngoài việc tổ chức học Nghị quyết và làm lễ Truy điệu, Quận ủy còn tổ chức các buổi nói chuyện, sinh hoạt chuyên đề về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cho cán bộ, chiến sĩ.

 Tham quan Bảo tàng Nguyễn Chí Thanh

Riêng ông Hồ Thanh Xoa đã có ý định về việc thờ Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nhưng vì trong hoàn cảnh chiến tranh nên ông chưa có điều kiện để thể hiện. Mãi đến tháng 9/1969, sau khi Bác Hồ qua đời; cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc miền Tây Thừa Thiên Huế tổ chức lấy họ Hồ và lập bàn thờ thờ Bác Hồ. Nhân tiện, ông thờ thêm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Ảnh thờ trước đây là tấm hình nhỏ, được lấy từ trong sách viết về Đại tướng. Sau năm 1975, ông mới có điều kiện và tổ chức thờ cúng khang trang trong gia đình mình như bây giờ.

Ông Hồ Vai sinh năm 1940, Anh hùng LLVTND, Đại biểu Quốc hội khóa VI, VII. Người 4 lần được gặp Bác Hồ. Khi nghe chúng tôi đặt vấn đề về câu chuyện của ông với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, ông tỏ ra cảm động mà nói rằng: “Từ lâu nay, đã có rất nhiều người và nhiều đoàn công tác đến nhà ông chỉ tìm hiểu chuyện ông đánh Mỹ được phong anh hùng, chuyện ông được gặp Bác Hồ, chuyện ông lấy họ Hồ, chuyện ông thờ cúng Bác Hồ… chứ chưa có ai hỏi về chuyện ông được gặp Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và tình cảm của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã dành cho ông, ông dành riêng cho Đại tướng”. Ông kể: Tháng 5/1965, khi vào Tây Ninh dự Đại hội Anh hùng và chiến sĩ thi đua các LLVT giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ I, ông được may mắn và vinh dự gặp Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, lúc này là Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Vì là người cùng quê hương, nên Đại tướng rất quan tâm đến ông, hay hỏi chuyện về cuộc sống của đồng bào Pa Cô, về cách người Pa Cô đánh giặc… Qua những câu chuyện đó, Đại tướng càng thấu hiểu thêm tình hình cách mạng tại quê nhà, cảm mến tấm lòng yêu nước, gan dạ của đồng bào dân tộc thiểu số ở miền Tây Thừa Thiên Huế. Trong thời gian ở đây, ông được Đại tướng đưa đi tham quan nhiều nơi ở chiến khu Tây Ninh. Bản thân ông sau lần gặp và được sự quan tâm của Đại tướng, ông xem đây là một người thầy, một người lãnh đạo tài ba và một người đồng hương thân thiết, nên đã dành tất cả sự kính trọng và ngưỡng mộ về Đại tướng.

Cuối tháng 9/1965, khi ông rời Tây Ninh ra Hà Nội, trước lúc lên đường, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã gặp ông và gửi một lá thư tay nhờ mang đến cho gia đình. Khi nhận được lá thư, bà Nguyễn Thị Cúc vô cùng vui mừng, xúc động và cảm ơn rất nhiều. Bà đã làm một bữa cơm mời ông đến dự và xem ông như một người đồng hương thân thiết của gia đình.

Trong thời gian Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở Hà Nội thỉnh thoảng đồng chí đến đưa ông về nhà ăn cơm, rồi đưa đi dạo quanh bờ hồ Hoàn Kiếm với người con trai là Nguyễn Chí Vịnh.

Ngày 6/7/1967, khi nghe tin Đại tướng Nguyễn Chí Thanh qua đời, ông vô cùng buồn và xúc động, ông đến viếng đám tang tại Câu lạc bộ Quân đội; sau đó tìm một tấm ảnh nhỏ từ tập sách của Đại tướng rồi cất trong người để khi buồn và nhớ Đại tướng thì đem ra tưởng niệm. Sau ngày giải phóng, ông tổ chức treo ảnh Đại tướng để thờ cùng với Bác Hồ. Bởi theo ông Hồ Vai, nói đến Nguyễn Chí Thanh là nói đến Bác Hồ, nên ông vô cùng kính trọng hai vị lãnh tụ này.

Khi được chúng tôi hỏi có muốn về quê hương Đại tướng để thăm và thắp cho Đại tướng một nén nhang không? Ông Xoa và ông Vai đều có chung một nguyện vọng là rất muốn từ lâu lắm rồi, nhưng do điều kiện khó khăn và cũng chưa biết nhà của Đại tướng ở đâu… (chỉ biết Đại tướng quê ở Thừa Thiên Huế), nên chỉ dừng lại ở chuyện ấp ủ trong lòng. Còn nếu khi có điều kiện, các ông sẽ tìm đến để thắp cho Đại tướng một nén nhang, đồng thời để nhìn lại những hình ảnh, kỷ vật, hiện vật của Đại tướng; để tưởng nhớ một vị tướng lỗi lạc tài ba, nhưng quá gần gũi mà giản dị đã đi vào tiềm thức của mình gần 60 năm về trước.

Bài, ảnh: MINH THUẤN - NGỌC HÒA
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trưng bày chuyên đề về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Chiều 22/3, tại Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 6 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (đóng tại TX. Hương Thủy) đã khai mạc trưng bày chuyên đề “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà lãnh đạo chiến lược, người chỉ đạo thực tiễn xuất sắc của cách mạng Việt Nam”.

Trưng bày chuyên đề về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Giới thiệu hơn 100 hình ảnh, tư liệu, hiện vật tiêu biểu về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

“Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà lãnh đạo chiến lược, người chỉ đạo thực tiễn xuất sắc của cách mạng Việt Nam” là nội dung trưng bày chuyên đề do Bảo tàng Lịch sử phối hợp với Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Phòng giáo dục - Đào tạo huyện Quảng Điền tổ chức tại Trường THCS Ngô Thế Lân sáng 14/3.

Giới thiệu hơn 100 hình ảnh, tư liệu, hiện vật tiêu biểu về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Lần về dấu xưa

Cũng như nhiều dân tộc khác đang sinh sống trên dãy Trường Sơn, cộng đồng người Pa Cô ở huyện A Lưới có nhiều tín ngưỡng độc đáo về văn hóa và tâm linh thờ cúng. Trong tâm thức của đồng bào, những ngôi nhà piing - nhà mồ được dựng lên ngoài để che chắn, tưởng nhớ người đã khuất thì đó còn là nơi lưu dấu những ký ức về tổ tiên, dòng họ.

Lần về dấu xưa

TIN MỚI

Return to top