ClockThứ Sáu, 14/06/2024 06:39

Đa dạng các chương trình tín dụng ưu đãi

TTH - Các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng thương mại vốn nhà nước đang thực hiện khá nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ khi triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp cho người dân, doanh nghiệp.

TP. Huế triển khai gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèoVốn cần, nhưng chưa đủ - Bài 1: Khi cần câu “đủ mồi”Thoát nghèo từ chính sách tín dụng ưu đãi

 Vietcombank đang triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi cho khách hàng

Lo ngại lãi suất

Tiếp tục đà tăng lãi suất của các ngân hàng từ tháng 5, trong tháng 6 này, nhiều ngân hàng thương mại tiếp tục điều chỉnh lãi suất huy động tăng từ 0,1 đến 0,3 điểm % ở một số kỳ hạn. Theo khảo sát, lãi suất huy động tại nhóm ngân hàng tư nhân đã tăng 0,2-0,5 điểm phần trăm tập trung ở các kỳ hạn ngắn, trong khi đó, nhóm ngân hàng quốc doanh không có biến động về lãi suất. Đa phần, các ngân hàng đều neo lãi suất kỳ hạn 12 tháng quanh mức 5%/năm.

Cụ thể, Agribank, BIDV, Vietinbank niêm yết lãi suất 12 tháng ở mức 4,7%/năm; Vietcombank thấp hơn với 4,6%/năm. Các ngân hàng niêm yết lãi suất kỳ hạn 12 tháng cao nhất trên thị trường hiện nay có thể điểm tên như: Bac A Bank; HDBank với mức lãi 5,5%/năm. Với kỳ hạn 15 tháng, lãi suất cao nhất thuộc về HDBank với mức 6%/năm và kỳ hạn 18 tháng là 6,1%/năm; OceanBank đang trả 6%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 24 tháng và 6,1%/năm cho kỳ hạn 36 tháng.

Động thái tăng lãi suất huy động của các ngân hàng đặt doanh nghiệp trước mối lo tăng thêm chi phí. Bởi khi lãi suất huy động tăng, đồng nghĩa ngân hàng cũng sẽ điều chỉnh các chính sách cho vay theo hướng phù hợp hơn.

Theo lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, các chỉ số phát triển kinh tế tại địa phương cho thấy, doanh nghiệp đang bắt đầu bước vào thời kỳ phục hồi. Đến cuối tháng 5, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 12,3%; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tăng 36,7%; chỉ số sản xuất công nghiệp cũng tăng 3% so với cùng kỳ. Đây chính là thời điểm doanh nghiệp cần vốn xoay vòng phục vụ sản xuất, kinh doanh. Việc điều chỉnh lãi suất cho vay thời điểm này sẽ gây sức ép lớn cho doanh nghiệp. Vì thế, doanh nghiệp cần nhiều hơn sự đồng hành đến từ các tổ chức tín dụng.

Mối quan hệ cộng sinh đang được phát huy

Thực tế, các ngân hàng trên địa bàn không chỉ giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay, mà còn tích cực tung ra nhiều gói vay ưu đãi để thúc đẩy tín dụng, nhất là các ngân hàng thương mại vốn nhà nước. Hiện, các ngân hàng này đang cho khách hàng doanh nghiệp vay vốn với lãi suất bình quân từ 4-6%/năm, khách hàng cá nhân từ 6-8%/năm. Nhiều ưu đãi như cố định lãi suất 1-2 năm đầu hay miễn lãi tháng đầu tiên cũng được triển khai. Nhiều ngân hàng còn tung các chương trình cho vay với lãi suất thấp hơn 5%.

Cụ thể, BIDV triển khai gói tín dụng ngắn hạn hỗ trợ sản xuất, kinh doanh với lãi suất cho vay từ 4,5%/năm. Vietcombank triển khai chương trình cho vay ưu đãi thấp nhất chỉ 4,2%/năm, áp dụng đối với khách hàng kinh doanh các ngành thương mại, thực phẩm đồ uống, thiết bị y tế. Với khách hàng cá nhân, Vietcombank cũng triển khai chương trình cho vay ưu đãi với lãi suất thấp nhất chỉ 4,9%/năm.

Cùng với gói tín dụng ưu đãi, các ngân hàng còn giảm lãi suất cho vay theo từng đối tượng. Hiện, Vietcombank triển khai các gói cho vay mới với lãi suất giảm 1,5%/năm so với mặt bằng lãi suất cho vay. Chương trình này hướng đến các khách hàng thuộc các ngành sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, các lĩnh vực xuất khẩu… nhằm thúc đẩy tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ.

Ngoài Vietcombank, Agribank là ngân hàng triển khai mạnh nhất các gói tín dụng ưu đãi phục vụ cho các lĩnh vực trọng điểm. Hiện, ngân hàng này đang triển khai 10 chương trình tín dụng lãi suất thấp dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Với khách hàng cá nhân đang đầu tư sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP sẽ được tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp hơn tối đa 2%/năm so với sàn lãi suất cho vay của Agribank. Khách hàng cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống được vay vốn với lãi suất lãi ưu đãi thấp hơn tối đa 2,5%/năm so với sàn lãi suất cho vay phục vụ nhu cầu đời sống.

Với khách hàng là doanh nghiệp, ngân hàng này cũng triển khai nhiều chương trình tín dụng riêng dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp xuất, nhập khẩu… với lãi suất thấp hơn lãi suất sàn từ 1,5 đến 2,5%/năm.

Ngoài ra để đẩy mạnh tín dụng, mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nỗ lực giảm thêm 1-2% điểm lãi suất cho vay, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, trong tháng 6 này, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh cũng sẽ triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm nắm bắt các khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp, từ đó có những đề xuất và hướng tháo gỡ kịp thời.

Bài, ảnh: Hoàng Loan
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Rộng cửa” cho tín dụng bất động sản

Tín dụng bất động sản luôn chiếm tỷ lệ khá cao trong cơ cấu cho vay của các ngân hàng thương mại và được cho là một thành tố kích thích tăng trưởng tín dụng trong năm 2024. Đó cũng là lý do, ngân hàng đang đẩy mạnh các chương trình tín dụng ưu đãi trong lĩnh vực này.

“Rộng cửa” cho tín dụng bất động sản
Return to top