Khi các giải pháp thiết thực đã được thực thi, nhưng nợ xấu vẫn tiềm ẩn rủi ro cho nền kinh tế thì việc sử dụng ngân sách xử lý nợ xấu cũng cần phải được tính tới. Việc sử dụng ngân sách xử lý nợ xấu chỉ hiệu quả khi việc mua bán nợ xấu theo đúng cơ chế thị trường.
Rào cản trong xử lý nợ xấu
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có dự thảo kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có đề xuất dùng ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Tài chính được giao soạn thảo đề án nghiên cứu khả năng bố trí nguồn lực ngân sách Nhà nước để xử lý một phần nợ xấu, dự kiến trình Quốc hội thông qua. Ngay sau khi xuất hiện thông tin đó đã có những ý kiến trái chiều về vấn đề này.
Nợ xấu tuy đã giảm nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. (Ảnh minh họa: KT)
Có ý kiến chuyên gia kinh tế cho rằng, nợ xấu do lỗi của các ngân hàng, ngân sách Nhà nước mà thực chất là tiền thuế của người dân không nên sử dụng để giải quyết “hậu quả” mà người khác đã tạo ra. Ở chiều ngược lại nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, đã đến lúc Chính phủ cần dùng ngân sách để xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng.
Bảo vệ cho quan điểm này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, sau một thời gian dài áp dụng các giải pháp xử lý nợ xấu như giảm lợi nhuận, cắt giảm chi tiêu, trích lập dự phòng, bán nợ xấu cho VAMC..., phải thừa nhận nợ xấu tuy đã giảm nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng, ảnh hưởng tới tăng trưởng của nền kinh tế.
Thống kê mới nhất được NHNN công bố cho thấy, đến cuối tháng 6/2016, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống là 2,58%, giảm so với mức 2,78% vào tháng 5/2016. Tuy nhiên, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, việc xử lý nợ xấu diễn ra chậm đã ảnh hưởng đến quá trình giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng.
Lý giải về vấn đề này đại diện NHNN cho rằng, quá trình xử lý nợ xấu của VAMC cũng như các tổ chức tín dụng thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn, chủ yếu do cơ chế, chính sách về xử lý tài sản bảo đảm còn bất cập, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xử lý nợ xấu. Những yếu tố sở hữu tài sản liên quan tới quan hệ dân sự, việc xét xử, thi hành án kéo dài làm việc xử lý nợ xấu chậm.
Bên cạnh đó, dù các ngân hàng thương mại đã trích lập dự phòng rủi ro và bán nợ xấu cho VAMC nhưng thực chất các khoản nợ xấu này vẫn còn nằm trong tổ chức này. Vì thế, theo các chuyên gia tài chính, quá trình xử lý nợ xấu hiện nay là chưa triệt để bởi các yếu tố pháp lý chưa được giải quyết rốt ráo nên chưa thể hình thành thị trường mua bán nợ, bảo đảm thu hút dòng tiền của Chính phủ, của các nhà đầu tư tham gia mua, bán, xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại.
“Bơm tiền” nhưng phải hoàn thiện cơ chế, chính sách
TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cho rằng, chúng ta không nên sa đà vào việc tranh luận có nên dùng tiền thuế của người dân để xử lý nợ xấu. Vấn đề cốt lõi là bài toán đánh đổi, nếu sử dụng 5% GDP để xử lý nợ xấu ngay và 5 năm sau nền kinh tế thu lại 10% GDP từ tăng trưởng kinh tế thì đây là việc các nhà quản lý cần phải suy nghĩ, cần phải tính tới trong phương án xử lý nợ xấu của các ngân hàng.
Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Chí Hiếu cho rằng, dùng ngân sách là giải pháp duy nhất, không còn con đường nào khác. Để làm được điều này, theo ông Nguyễn Chí Hiếu, trước hết thời gian tới Nhà nước cần thiết phải hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, giúp thị trường mua bán nợ hình thành phát triển, bảo đảm việc mua bán nợ xấu phải theo đúng cơ chế thị trường.
Khi nợ xấu được bán đi thì quyền về bảo đảm tài sản thế chấp… phải được trao cho chủ nợ mới. Người chủ nợ mới phải được toàn quyền sử dụng quyền định đoạt tài sản thế chấp mà không cần sự hợp tác của chủ nợ cũ cũng như con nợ nữa.
Khi đã có cơ chế, chính sách bảo đảm việc mua bán nợ xấu theo đúng cơ chế thị trường, việc Chính phủ sử dụng ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu sẽ tạo động lực, thúc đẩy nguồn vốn của xã hội, các nhà đầu tư cùng tham gia xử lý nợ. Việc xử lý nợ xấu sẽ đi vào thực chất khi VAMC hoặc các nhà đầu tư sẽ mua đứt, bán đoạn, tiền tươi “thóc thật” trả cho các ngân hàng thương mại.
Vấn đề mấu chốt ở chỗ, các ngân hàng phải chấp nhận thiệt thòi khi bán nợ xấu cho VAMC hay nhà đầu tư với giá trị thực. Giá trị thực có thể chỉ còn 50% của giá trị sổ sách của những món nợ, hoặc 20% và thậm chí với món nợ rủi ro lớn thì chỉ còn 10% giá trị sổ sách.
“Các ngân hàng đã phải chấp nhận thiệt hại khi bán nợ xấu chỉ còn 50% giá trị sổ sách, 50% còn lại không thu hồi được thì luật pháp cũng phải cho phép họ xóa khỏi sổ sách kế toán…”, TS. Nguyễn Chí Hiếu đề xuất.
Vì thế, chuyên gia kinh tế Nguyễn Chí Hiếu cho rằng, việc Chính phủ dùng ngân sách để xử lý nợ xấu không đồng nghĩa với việc sẽ nhận phần thiệt hại về mình và chưa chắc đã lỗ khi tiếp tục bán nợ xấu này cho các nhà đầu tư trên thị trường.
Nhiều giải pháp thiết thực đã được thực thi và nợ xấu đã được ghìm cương, nhưng chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận, việc xử lý nợ xấu diễn ra chậm nên khó giảm lãi suất cho vay, ảnh hưởng tới sức tăng trưởng của nền kinh tế… Vì thế, đã đến lúc cũng cần thiết xem xét tới giải pháp sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu, nhưng trước hết phải hoàn thiện cơ chế pháp lý, bảo đảm việc xử lý nợ xấu theo đúng nguyên tắc thị trường.
Theo VOV