ClockThứ Bảy, 23/12/2023 07:32

Đảm bảo hiệu quả khai thác biển

TTH - Ngư dân Phú Vang đã cùng chính quyền địa phương các cấp trên địa bàn huyện, nỗ lực khắc phục nhiều khó khăn để đảm bảo phát triển khai thác biển, một trong những “mũi nhọn” kinh tế của địa phương.

Mưu sinh mùa biển độngChống khai thác hải sản bất hợp phápKhông để tàu cá khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài

 Ngư dân Phú Hải chuẩn bị cho một chuyến đánh bắt mới

Cơn mưa chiều mỗi lúc càng nặng hạt. Nhưng mọi nhà trong những làng chài xã biển Vinh Thanh vẫn khẩn trương, hối hả với công việc vá lưới. Bởi đoàn tàu đánh bắt xa bờ 27 chiếc vừa lần lượt cập bến sau 1 tuần vươn khơi. Ông Nguyễn Thanh Phát, Chi hội trưởng Chi hội tàu đánh bắt xa bờ xã Vinh Thanh cho hay, chuyến biển này doanh thu của mỗi tàu tầm 130 - 200 triệu đồng. “Chuyến này tàu của gia đình tôi và người em trai khai thác được 1 tấn cá các loại. Trừ mọi chi phí và khấu hao tài sản, phần còn lại chia cho 12 bạn thuyền mỗi người tầm 3-5 triệu đồng. Thu nhập không cao như những năm về trước, do ngư trường ngày càng cạn kiệt. Ngư dân phải nỗ lực hơn rất nhiều để đảm bảo duy trì và phát triển khai thác thủy sản. Ngay sau chuyến biển, mọi nhà bắt tay vá lưới, tu bổ, chuẩn bị ngư lưới cụ thật chu đáo để chủ động cho lần ra khơi tiếp theo” - ông Phát chia sẻ.

Theo bà con ngư dân Vinh Thanh, những năm qua, nghề khai thác biển, đặc biệt là đánh bắt xa bờ, ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn, mà một trong những nguyên nhân chính là do nguồn cá tôm ngày càng cạn kiệt, dẫn đến nhiều rủi ro, có chuyến “tay trắng”, lỗ chi phí. Do đó, ngư dân trên địa bàn đã tìm tòi, học tập kinh nghiệm tại các tỉnh bạn; đồng thời nghe theo vận động của chính quyền địa phương, ban ngành liên quan các cấp, mạnh dạn đầu tư đóng mới, cải hoán tàu thuyền (tàu công suất lớn hơn); chuyển đổi nghề đánh bắt, chuyển đổi, sắm mới ngư lưới cụ để thực hiện những chuyến khai thác xa bờ dài ngày trên biển. Theo đó, từ nghề lưới vây rút chì, đánh bắt các loại cá tầng nổi như cá nục, ngừ, sòng…, ngư dân Vinh Thanh chuyển đổi sang nghề lưới rê tầng đáy, đánh bắt các loại cá kinh tế cao như cá lạc, cá bơn, cá mú, đỏ cờ… “Hiện, chúng tôi có 1 tàu đánh bắt xa bờ đang thí điểm nghề lưới rê tầng nổi với ngư lưới cụ có kết cấu khác; đánh bắt cá thu, ngừ, cá hố… Nghề này giảm được chi phí khấu hao ngư lưới cụ vì ít hư hỏng, dễ tìm đủ số lượng bạn thuyền (nghề lưới rê tầng nổi chỉ cần 50% số lượng bạn thuyền so với nghề lưới rê tầng đáy). Nếu nghề mới có hiệu quả, ngư dân sẽ chuyển đổi để linh hoạt trong đánh bắt, duy trì ổn định và phát triển khai thác biển” - Chi hội trưởng Chi hội tàu đánh bắt xa bờ xã Vinh Thanh cho hay.

Những xã biển có nhiều đoàn tàu đánh bắt xa bờ số lượng lớn như Phú Hải, Phú Thuận, ngư dân cũng đang tiếp tục mạnh dạn đầu tư, đẩy mạnh việc cải hoán tàu thuyền, ngư lưới cụ, đầu tư thiết bị hiện đại, dò tìm luồng cá, để những chuyến vươn khơi dài ngày trên biển đạt hiệu quả cao nhất. Ngư dân Trần Văn Cộ, Đặng Cường, Lê Văn Tiến…, là những điển hình khai thác, đánh bắt hiệu quả. Từ chiếc thuyền nan của gia đình, bây giờ ngư dân Lê Văn Tiến đã là chủ của chiếc tàu công suất lớn gần 800CV, với những chuyến vươn khơi từ 10-20 ngày. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn về ngư trường, nguồn cá, nguồn lao động…, nhưng người dân đã cùng chính quyền, các ban ngành liên quan các cấp trên địa bàn huyện nỗ lực vượt qua khó khăn để trong năm 2023, sản lượng khai thác biển đạt 17.160 tấn, đạt 100,1% kế hoạch năm .

Theo ông Nguyễn Văn Chính, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Vang: Để đạt được kết quả trên, huyện đã chỉ đạo hướng dẫn bà con ngư dân thường xuyên cải tiến ngư cụ, mạnh dạn đầu tư thêm nghề mới, nhân rộng mô hình đánh bắt có hiệu quả như nghề đánh bắt cá lạc, rê cá chim, rê hỗn hợp, rê chuồn, rê mực khơi, bẩy ghẹ ốc hương... Đảm bảo các tàu được trang bị 2 nghề chính nhằm hoạt động đánh bắt quanh năm (2 vụ bắc và nam). Ưu tiên phát triển các nghề khai thác sản phẩm có giá trị xuất khẩu như rê bùng nhùng, rê mực nang, câu mực, chụp mực, rê tôm, giã tôm, rê cá chim, rê mực khơi,... để tăng hiệu quả khai thác.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, các cơ quan liên quan lồng ghép chương trình dự án, công tác khuyến ngư để tổ chức tập huấn nâng cao năng lực về kỹ thuật khai thác và kỹ năng sử dụng các trang thiết bị hiện đại trên tàu cá, xử lý các tình huống khi có sự cố xảy ra. Xây dựng mô hình, hỗ trợ vốn và kỹ thuật để phát triển nghề mới nâng cao hiệu quả đánh bắt.

Đặc biệt, tình yêu của những ngư dân Phú Vang đối với nghề, với biển cũng chính là động lực để họ vượt qua những khó khăn, tiếp tục bám biển vươn khơi, đồng thời chung tay bảo vệ chủ quyền biển, đảo của quê hương.

Đến Phú Hải trong một ngày hửng nắng, chúng tôi gặp ngư dân Lê Văn Tiến, Trần Văn Cộ cùng những “đồng nghiệp” trên địa bàn đang kỹ lưỡng kiểm tra lại con tàu, ngư lưới cụ và chuẩn bị những vật dụng cần thiết để sẵn sàng cho một chuyến vươn khơi mới.

UBND huyện chỉ đạo Phòng Tài nguyên & Môi trường, Công an môi trường, Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn phối hợp Chi cục Thủy sản tỉnh, UBND các xã, thị trấn, chi hội nghề cá tăng cường công tác quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản biển, xử lý nghiêm các trường hợp đánh bắt bằng các nghề cấm làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản và tăng cường phối hợp với các cơ quan cấp tỉnh thực hiện các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).             

Bài, ảnh: QUỲNH ANH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển kinh tế tập thể: Hướng đi hiệu quả

Việc liên kết sản xuất, đổi mới mẫu mã, phương thức bán hàng đã giúp các mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) phát huy tối đa lợi thế, thúc đẩy sự phát triển, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn...

Phát triển kinh tế tập thể Hướng đi hiệu quả
Hiệu quả từ cảnh báo, phòng chống thiên tai qua ứng dụng Hue-S

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin, cảnh báo thiên tai đến người dân bằng nhiều biện pháp, hình thức khác nhau. Trong đó, ứng dụng Hue-S của Trung tâm Giám sát và Điều hành đô thị thông minh (IOC) và các nền tảng mạng xã hội đã phát huy hiệu quả, giúp người dân chủ động nắm bắt thông tin và ứng phó kịp thời.

Hiệu quả từ cảnh báo, phòng chống thiên tai qua ứng dụng Hue-S
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI:
Đảm bảo thông suốt, ổn định

Triển khai thực hiện Nghị quyết (NQ) của Quốc hội về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và NQ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã của thành phố Huế giai đoạn 2023 – 2025 là vấn đề quan trọng, cấp bách, bởi từ ngày 1/1/2025, các NQ này sẽ có hiệu lực.

Đảm bảo thông suốt, ổn định

TIN MỚI

Return to top