Văn hóa tộc người là tiềm năng để đồng bào khai thác thành sản phẩm du lịch
Chúng tôi đến điểm du lịch sinh thái thác A Nor, xã Hồng Kim vào một ngày cuối tuần, rất nhiều du khách đến tham quan. Cảnh vật nơi đây còn nguyên vẻ hoang sơ nhờ sự giữ gìn của bà con bản Việt Tiến. Một người dân trong bản bảo: “Bây giờ đồng bào mình đã làm du lịch nên phải bảo vệ rừng, bảo vệ nó thì nó nuôi dân mình…”.
Khu du lịch thác A Nor rộng khoảng 10ha, với cơ ngơi lưu trú cho du khách khá tiện nghi. Từ ngoài cổng khu du lịch vào đến điểm tắm thác, các bảng hiệu, biển chỉ dẫn, biển nội quy và bảng niêm yết giá được lắp đặt rất bài bản. Người dân trong bản chia thành các bộ phận tiếp tân, chế biến ẩm thực, trình diễn các hoạt động văn hóa văn nghệ truyền thống của đồng bào để phục vụ du khách khá chuyên nghiệp… Sau khi ngắm cảnh vẻ đẹp hùng vĩ của chuỗi thác liên hoàn A Nor, chúng tôi được người dân của bản Việt Tiến tận tình hướng dẫn tham quan khu nhà sàn, được tận mắt chứng kiến những bàn tay tài nghệ của những phụ nữ người Pa Cô, Tà Ôi thoăn thoắt bên những khung dệt thổ cẩm truyền thống (Zèeng) mang đậm bản sắc của văn hóa tộc người.
Đêm tại bản, chúng tôi còn được nghe dân ca của đồng bào, được xem các chị, các mẹ biểu diễn văn nghệ tuyền thống của người Pa Cô. Với tấm lòng hiếu khách, dân bản còn đãi du khách những vò rượu cần, các món ẩm thực đặc sắc riêng có của của núi rừng… Anh Trần Diên, một đồng nghiệp ở huyện A Lưới, làm hướng dẫn viên du lịch cho chúng tôi, bảo: Khác với trước đây, bà con ở bản Việt Tiến thường chỉ biết lên nương, lên rẫy, thì nay họ lại chuyên làm du lịch, trở thành hướng làm ăn mới đem lại nguồn thu nhập ổn định cho đồng bào.
Trong năm 2016, các điểm du lịch Pâr Le, A Lin, A Nôr... có tổng doanh thu hơn 3,5 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận 50%; hơn 30 ngàn lượt khách đến tham quan du lịch, tăng gấp 10 lần so với năm 2015.
|
Cùng với khu du lịch thác A Nor, đồng bào thiểu số ở A Lưới cũng khai thác các địa điểm du lịch sinh thái khác ở suối A Lin, xã Hồng Trung; suối Pâr Le, xã Hồng Hạ; các địa điểm thám hiểm hang động, suối nước nóng Tôm Trung, xã A Roàng… Loại hình du lịch văn hóa truyền thống của đồng bào gồm văn hoá vật thể và phi vật thể cũng thu hút du khách rất lớn. Du khách được tham quan cấu trúc các nhà ở truyền thống. Nhà Moong (nhà sàn dài) của người Pa Cô, nhà dài của người Tà Ôi, nhà Gươl của người Ka Tu, là biểu tượng của cộng đồng, là linh hồn của làng, bản, tộc người. “Ở A Lưới, chúng tôi còn được hòa mình vào các lễ hội rất đa dạng, phong phú của đồng bào, đó là lúc các nghi lễ, hoạt động văn hoá cộng đồng từ ngàn xưa được tái hiện” – anh Quách Hải Phúc, một du khách đến từ Đà Nẵng chia sẻ.
A Lưới còn là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, từng là nơi căn cứ địa cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Các địa danh được ghi dấu như cụm địa đạo Động So, địa đạo Lam Sơn, đồi ABia (còn gọi là đồi Thịt Băm – Di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia), động Tiên Công, sân bay ASo… Đó là sản phẩm được đồng bào A Lưới khai thác theo loại hình du lịch di tích lịch sử cách mạng.
Chủ tịch UBND huyện A Lưới, ông Nguyễn Mạnh Hùng thông tin: Huyện đang xây dựng cơ chế đầu tư và hưởng lợi phù hợp từ khai thác tiềm năng du lịch cho các địa phương có lợi thế. Trước tiên, sẽ tiến hành điều tra, thống kê, đánh giá về những địa bàn có tiềm năng để xây dựng các dự án đầu tư phù hợp. Sau đó, hoàn thiện công tác quy hoạch chi tiết các điểm du lịch trên địa bàn, hướng đến phát triển loại hình du lịch sinh thái cộng đồng, kết hợp phát huy các nét văn hoá độc đáo của đồng bào dân tộc, tạo cho du lịch trở thành nguồn lực xoá đói nghèo ở địa phương.
Bài, ảnh: Quốc Tuấn