ClockChủ Nhật, 31/12/2023 07:51

Đánh bắt xa bờ bội thu

TTH - Dù vẫn bắt gặp nhiều khó khăn, thách thức, song đánh bắt thủy sản năm nay được xác định là năm gặt hái những kết quả đáng ghi nhận, với tổng sản lượng hơn 41 ngàn tấn.

Hướng đến điện tử hóa nhật ký đánh bắt xa bờThu nhập tiền tỷ từ khai thác xa bờ

 Một chuyến khai thác bội thu

Một chuyến đánh bắt kéo dài hơn 10 ngày vào thời điểm cuối năm, tàu cá vỏ thép của ông Trần Văn Chiến ở xã Phú Thuận (Phú Vang) thu nhiều tấn cá các loại. Các loại hải sản chủ yếu là cá ngừ chù, nục, hố, bánh lái… tuy giá trị kinh tế không cao nhưng bù lại sản lượng lớn nên tàu ông Chiến cũng như nhiều tàu cá đều có lãi. Mỗi chuyến biển sau khi trừ các chi phí, chủ tàu lãi hơn 100 triệu đồng, thu nhập của thuyền viên 7 - 10 triệu đồng mỗi chuyến.

Ông Chiến bảo, thời gian gần đây, hải sản vùng lộng và trung bờ ngày càng khan hiếm, nhất là các loài cá có giá trị kinh tế như thu, chủa, cờ… Không còn cách nào khác, tàu ông Chiến cũng như nhiều tàu phải đa dạng hóa ngư, lưới cụ, vươn khơi xa và bám biển dài ngày. Hầu hết các chuyến biển của tàu ông Chiến đều hiện diện ở các vùng biển xa, nguồn lợi hải sản tương đối dồi dào. Trong điều kiện bám biển dài ngày có thể đánh bắt trúng những mẻ cá có giá trị kinh tế cao.

Ngư dân Đỗ Văn Thành ở xã Vinh Thanh (Phú Vang) chia sẻ, trong điều kiện khó khăn chung như giá xăng, dầu tăng cao, có thời điểm cao gấp rưỡi, kéo theo nhiều mặt hàng phục vụ hoạt động xa bờ tăng nhưng vẫn có nhiều tàu vươn khơi, bám biển liên tục, dài ngày đã mang lại hiệu quả. Ông Thành bảo, phải liên tục bám biển, “canh me” luồng cá mới có thể hoạt động hiệu quả. Đội tàu lưới rê tầng đáy tại xã Vinh Thanh đã làm được điều này. Nhiều tàu doanh thu trung bình từ hàng tỷ đồng/tàu, trừ các chi phí, mỗi tàu lãi bình quân trên 1 tỷ đồng”.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh đánh giá, dù chưa phải là năm đạt hiệu quả cao nhất, nhưng năm nay đội tàu khai thác vùng biển khơi ở Vinh Thanh và toàn tỉnh nói chung được đánh giá có hiệu quả hơn so với nhiều năm trở lại đây. Ngoài đội tàu lưới rê còn có đội tàu lưới vây kết hợp ánh sáng hoạt động có hiệu quả. Nhiều tàu doanh thu bình quân từ 1 - 1,5 tỷ đồng/năm, lãi 500 triệu đến trên 1 tỷ đồng.

Để có được thành quả trong hoạt động khai thác biển, ngoài nỗ lực, sự chủ động của các chủ tàu cá, ngành thủy sản tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tích cực. Nhiều tàu đầu tư trang, thiết bị, ngư cụ hiện đại như lưới, câu, máy dò cá… ở vùng biển xa. Ngành thủy sản cấp giấy phép khai thác thủy sản cho 35 tàu thuyền, tạo điều kiện khai thác thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh theo quy định của pháp luật, trong đó cấp mới 30 giấy phép và cấp lại 5 giấy phép. Có 333 tàu cá có chiều dài 15 mét trở lên được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm và tổ chức thẩm định đánh giá định kỳ 26 tàu cá.

Tổng số tàu cá đã đăng ký hoạt động hiện đưa vào sử dụng 676 chiếc, trong đó tàu cá xa bờ có chiều dài từ 15 mét trở lên là 433 chiếc. Năm 2023, có 392 tàu cá đăng ký tham gia khai thác trên vùng biển xa và đến nay có khoảng 1.439 chuyến khai thác vùng biển xa. Hoạt động khai thác trên vùng biển xa không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần củng cố an ninh quốc phòng toàn dân ở vùng biển Hoàng Sa.

Công tác chống khai thác IUU (hoạt động đánh bắt trái phép, không báo cáo và không được quản lý) được triển khai đồng bộ, quyết liệt theo kế hoạch, hành động của Trung ương và địa phương. Kết quả cho thấy, tàu cá ở Thừa Thiên Huế không vi phạm đánh cá trái phép ở vùng biển nước ngoài. Hầu hết tàu cá đều lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) đúng quy định pháp luật. Việc nâng cấp, đầu tư trang, thiết bị hoàn chỉnh tại trạm bờ và Văn phòng đại diện Kiểm soát nghề cá tại Cảng cá Thuận An được quan tâm, đảm bảo cơ bản vận hành phục vụ công tác kiểm soát tàu cá chặt chẽ.

Cơ quan chức năng thực hiện 19 cuộc kiểm tra chuyên ngành theo kế hoạch năm 2023. Theo đó, phát hiện, xử lý 11 cá nhân vi phạm trong lĩnh vực thủy sản và đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền. Tổng số tiền vi phạm đã được nộp vào tài khoản tại Kho bạc Nhà nước 55,4 triệu đồng. Trong đó, quý ba năm nay có 4 tàu cá vi phạm, tổng số tiền xử phạt gần 29 triệu đồng. Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xử phạt 2 cá nhân vi phạm, đã nộp Kho bạc Nhà nước tổng số tiền 26,5 triệu đồng.

Từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra tàu cá cập cảng, rời cảng, trong đó có 1.292/2.082 tàu cá cập cảng (đạt 62,02%) và 1.298/1.921 tàu cá rời cảng (đạt 67,57%). Việc kiểm tra tàu cá cập và rời cảng được thanh tra, kiểm ngư tiếp tục thực hiện theo kế hoạch nhằm tăng cường việc thực thi pháp luật về thủy sản, nhất là công tác phòng, chống khai thác thủy sản IUU.

Tuy nhiên, theo ông Bình, công tác thực thi pháp luật, kiểm tra, xử lý vi phạm của chủ tàu cá hoạt động trên biển còn hạn chế nhất định. Lực lượng và phương tiện kiểm ngư chưa chính thức được biên chế, vị trí việc làm, nhân lực thiếu, chưa đáp ứng hoạt động tuần tra, kiểm soát trên biển. Việc điều động đấu tranh các hành vi vi phạm trong khai thác thủy sản gặp nhiều khó khăn.

Việc kiểm soát các nghề khai thác “nhạy cảm” như tàu giã cào đang còn bất cập, chưa kiểm soát chặt chẽ vùng hoạt động hợp pháp, trong khi các tàu đều có xu hướng xâm hại vùng bờ. Nghề khai thác hủy diệt trên vùng nội đồng còn tồn tại gây ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản.

Mục tiêu đặt ra của ngành thủy sản năm 2024, sản lượng khai thác thủy, hải sản đạt 42 ngàn tấn gắn với mục tiêu phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Đồng thời, phát triển bền vững và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, kết hợp cơ cấu và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả cao theo định hướng tại kế hoạch, hành động triển khai thực hiện chiến lược phát triển thủy sản giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030 của tỉnh.

Bài, ảnh: HOÀNG THẾ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhặt “lộc biển”

Từ sau tháng Giêng đến nay, sứa biển đã bắt đầu xuất hiện. Tùy theo con nước, sứa thường bị sóng đánh dạt vào bờ. Đây cũng là thời điểm nhiều người đi biển thử vận may với việc nhặt sứa.

Nhặt “lộc biển”
Vững bến neo

“Vững bến neo” là tâm nguyện, là sự mong ngóng của bao thế hệ ngư dân vươn khơi bám biển và chính quyền các cấp của Thừa Thiên Huế trong nỗ lực đáp ứng tốt nhất có thể các nhu cầu phát triển nghề cá của bà con ngư dân. Và dự án cảng cá Thuận An (phường Thuận An, TP. Huế) kết hợp khu neo đậu, tránh trú bão được xây dựng với kinh phí 220 tỷ đồng đã được triển khai và hoàn thành sau hơn ba năm xây dựng. Nằm trước cửa biển Thuận An, cảng cá Thuận An kết hợp với khu neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão trở thành một điểm kết nối, điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển.

Vững bến neo
Tôm, cá trở về

Đã mấy chục năm rồi, ngư dân vùng biển Ngũ Điền (Phong Điền, Thừa Thiên Huế) mới được chứng kiến những đàn cá nục, cá trích, khuyết (ruốc)… bơi vào tận ven bờ. Vùng biển lộng đang hồi sinh!

Tôm, cá trở về
Sớm đưa Cảng cá Thuận An vào hoạt động

Đơn vị tư vấn giám sát đang thực hiện đo bình đồ luồng cảng và vùng nước trước cầu cảng Thuận An (TP. Huế) và hoàn thiện các thủ tục gửi Cục Hàng hải Việt Nam để đăng ký công bố mở cảng.

Sớm đưa Cảng cá Thuận An vào hoạt động
Return to top