Lãnh đạo tỉnh tham quan Nhà máy chế xuất Billion Max Việt Nam
Đóng góp ngân sách, giải quyết việc làm
Là doanh nghiệp (DN) hoạt động trên lĩnh vực may mặc thuộc Tập đoàn Scavi (Pháp), sau 12 năm có mặt tại Khu công nghiệp Phong Điền với hệ thống 3 nhà máy may, Scavi Huế tạo dựng một môi trường làm việc ổn định cho hơn 6.000 thành viên.
Năm 2019, doanh thu của Scavi là 150 triệu USD, trong đó Scavi Huế hơn 100 triệu USD. Scavi Huế đang xây dựng nhà máy thứ 4 với mức đầu tư khoảng 85 tỷ đồng, quy mô 40 chuyền may, giải quyết việc làm cho khoảng thêm 1.000 lao động.
Scavi Huế có nhiều chính sách chăm sóc người lao động (NLĐ) như: thưởng cổ phần miễn phí cho những thành viên cốt yếu, có những cống hiến nổi bật; đầu tư trường mầm non cho con em công nhân theo học; thực hiện các DA xây dựng nhà tình nghĩa cho các thành viên nghèo và hỗ trợ các đối tượng khó khăn trên địa bàn.
Trước những biến động của thị trường do dịch COVID-19, Scavi Huế nhanh chóng chuyển đổi sản phẩm từ nội y, đồ tắm, đồ thể thao sang sản xuất khẩu trang, đảm bảo ổn định công việc cho NLĐ; và thực hiện các giải pháp tinh gọn chi phí để đảm bảo hiệu quả kinh doanh trong thời kỳ khó khăn.
Ông Trần Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Scavi Huế thông tin, với sự nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường, Scavi đã “thắng” được đơn hàng hơn 300 triệu khẩu trang, xuất đi các thị trường châu Mỹ và châu Âu. Scavi Huế tiếp tục phát triển liên kết toàn diện với các đối tác, tăng cường phát triển dịch vụ với các khách hàng, mở rộng hợp tác với bạn hàng sản xuất ra các nước ASEAN, đẩy mạnh chuỗi liên kết nguyên phụ liệu quốc tế.
Lĩnh vực dệt may giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người lao động
“Trong mối quan hệ với các doanh nghiệp FDI, Scavi Huế sẽ hỗ trợ thu hút các nhà đầu tư nhằm hình thành cụm công nghiệp phụ trợ tại Huế; ổn định và tạo dựng thêm công ăn việc làm cho NLĐ qua các chính sách giữ và thu hút nhân lực phục vụ mục tiêu tăng trưởng mở rộng quy mô lên đến 7.500 thành viên. Scavi Huế cũng sẽ đồng hành cùng tỉnh nhà để tiên phong trong các DA xã hội, DA môi trường Huế xanh-sạch-đẹp”, ông Mỹ chia sẻ.
Ông Nguyễn Đại Vui, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, các dự án FDI đang đóng góp rất lớn trong phát triển kinh tế, nhất là nộp vào ngân sách và giải quyết việc làm cho lao động địa phương. DA sản xuất bia của Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam với tổng vốn đăng ký đầu tư 107,7 triệu USD.
Năm 2019, công ty này đóng góp ngân sách tỉnh 72,6 triệu USD, chiếm 74% trong tổng thu ngân sách từ khu vực FID và chiếm 21,4% tổng thu ngân sách toàn tỉnh, giải quyết hơn 400 lao động. DA nhà máy may của Công ty TNHH Hanesbrands (Hoa Kỳ) với tổng vốn đăng ký 35,2 triệu USD; năm 2019 đóng góp cho ngân sách tỉnh 1,8 triệu USD, giải quyết việc làm cho 6.388 lao động...
Quảng bá hình ảnh Huế
Một số DA du lịch, nghỉ dưỡng khai thác tốt thế mạnh, góp phần quảng bá hình ảnh của Huế cho bạn bè thế giới như DA Khu du lịch Laguna Lăng Cô của Tập đoàn Bayantree (Singapore) với tổng vốn đăng ký 2 tỷ USD.
Năm 2019, khu du lịch này đóng góp ngân sách tỉnh 1,9 triệu USD, giải quyết việc làm cho 1.110 lao động. Hiện, công ty đã đưa vào khai thác sử dụng giai đoạn 1 với tổng vốn đầu tư gần 300 triệu USD. Đồng thời, nhà đầu tư đang tích cực tìm kiếm, đàm phán với các đối tác có năng lực, kinh nghiệm trong việc đầu tư, quản lý kinh doanh casino trên thế giới và thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư.
Bên cạnh những DA đã đi vào hoạt động, đóng góp tích cực cho nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp FDI cũng đang trong quá trình nghiên cứu DA, mở ra triển vọng mới trong đầu tư.
Ông Nguyễn Đại Vui chia sẻ, tỉnh đang có nhiều bước tiến trong cải thiện các thủ tục hành chính, hướng đến tạo một môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, với nhiều chính sách ưu đãi... Từ khi Câu lạc bộ DN đầu tư nước ngoài tỉnh được thành lập, làm cầu nối giữa chính quyền và các DN, góp phần hỗ trợ công tác xúc tiến đầu tư nước ngoài vào Thừa Thiên Huế.
Tỉnh đang ưu tiên kêu gọi các nhà đầu tư có uy tín, thương hiệu trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; du lịch, dịch vụ du lịch; hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu phi thuế quan; công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp lắp ráp, công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may và các ngành công nghiệp phụ trợ khác trong chuỗi giá trị của khu vực Đông Nam Á, châu Á Thái Bình Dương.
“Tỉnh nhất quán quan điểm không phát triển kinh tế bằng mọi giá, kiên quyết từ chối nhà đầu tư thiếu năng lực, DA ảnh hưởng đến đời sống người dân, kể cả đó là DA có tỷ suất đầu tư lớn. Thu hút đầu tư phải hướng tới phát triển bền vững, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước - DN - người dân. Tỉnh tiếp tục hướng đến thu hút các DA có hàm lượng khoa học công nghệ cao, thân thiện với môi trường, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội; các DA có khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; các DA trong các lĩnh vực: công nghiệp điện tử, viễn thông; công nghiệp cơ khí, công nghiệp hỗ trợ...”, ông Nguyễn Đại Vui cho hay.
Một số DA lớn trên địa bàn tỉnh đang triển khai có hiệu quả, giải quyết việc làm và đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách của tỉnh. Có thể kể đến DA sản xuất bia của Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam (Đan Mạch); DA sản xuất xi măng của Công ty TNHH Luks Việt Nam (Hồng Kông); DA Khu du lịch Laguna Lăng Cô (Singapore). Các DA dệt may lớn: Scavi (Pháp), HBI (Hoa Kỳ), MSV (Nhật Bản), Takson-Hanex (Hàn Quốc); DA sản xuất và gia công phần mềm của Công ty CP Brycen (Nhật Bản); DA nuôi tôm công nghiệp bằng công nghệ Greenhouse của Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam (Thái Lan)...
Bài, ảnh: HOÀNG LOAN