Vốn FDI tháng 1/2020 tăng gần 2,8 lần so với cùng kỳ
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20/01/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 5,33 tỷ USD, tăng gần 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2019. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 1,6 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Tính lũy kế đến ngày 20/01/2020, cả nước có 31.189 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 368,1 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 213,38 tỷ USD, bằng 58% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Về vốn đăng ký mới, đến ngày 20/01/2020, cả nước có 258 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 14,2% về số dự án được cấp mới. Tổng vốn đăng ký cấp mới đạt 4,46 tỷ USD, tăng 5,5 lần so với cùng kỳ năm 2019.
Dòng vốn FDI vào Việt Nam tháng đầu năm 2020 tăng mạnh bất chấp dịch Covid-19. (Ảnh minh họa)
Cục Đầu tư nước ngoài cho hay, vốn đăng ký mới tăng mạnh do trong tháng 1/2020 có dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu được cấp GCNĐKĐT mới với tổng vốn đầu tư là 4 tỷ USD. Vì vậy mô vốn đăng ký bình quân của dự án mới tăng từ 3,6 triệu USD trong tháng 1/2019 lên 17,3 triệu USD trong tháng 1 năm nay.
Tính theo lĩnh vực đầu tư, trong tháng đầu năm nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực sản xuất phân phối điện dẫn đầu với tổng số vốn đạt 4,04 tỷ USD, chiếm 75,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp đến là lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, khoa học công nghệ, bán buôn, bán lẻ...
Về đối tác đầu tư, trong tháng 1/2020, đã có 59 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 4,16 tỷ USD, chiếm 78,1% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 264,5 triệu USD, chiếm 5% tổng vốn đầu tư. Hong Kong (Trung Quốc) đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 212 triệu USD, chiếm 4% tổng vốn đầu tư. Tiếp đến là Trung Quốc, Nhật Bản...
Tính lũy kế đến ngày 20/01/2020, cả nước có 31.189 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 368,1 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 213,38 tỷ USD, bằng 58% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.
Theo đối tác đầu tư, dã có 135 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam. Trong đó đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký 68,2 tỷ USD (chiếm 18,5% tổng vốn đầu tư). Nhật Bản đứng thứ hai với 59,5 tỷ USD (chiếm 16,2% tổng vốn đầu tư), tiếp theo lần lượt là Singapore, Đài Loan, Hong Kong...
Khả năng dịch chuyển dòng vốn
Trung Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 tại Việt Nam với 2.875 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 16,3 tỷ USD, chiếm 4,4% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam. Dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (Covid-19) tại Trung Quốc có tác động không nhỏ đến dòng vốn FDI vào Việt Nam.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, hiện một số hoạt động tìm hiểu cơ hội đầu tư, hay các hoạt động xúc tiến đầu tư đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Trong báo cáo gửi Chính phủ mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hoạt động tìm hiểu cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư tiềm năng của Trung Quốc nói riêng và các nước khác có nhiều khả năng bị trì hoãn, bao gồm các hoạt động tìm hiểu cơ hội đầu tư, các hội thảo, diễn đàn doanh nghiệp, diễn đàn xúc tiến đầu tư…
Nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt đối với các mặt hàng không thiết yếu sẽ giảm mạnh, làm cho sản xuất bị đình trệ, hàng tồn kho lớn. Các nhà đầu tư mới sẽ do dự đưa ra các quyết định đầu tư ở thời điểm này. Đối với các dự án đã đầu tư, các nhà đầu tư có khả năng sẽ hoãn lại việc tăng vốn đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.
Theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, tác động đến lĩnh vực đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cần nhìn nhận ở hai khía cạnh: các dự án đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam; và sự dịch chuyển dòng vốn FDI từ Trung Quốc đến Việt Nam.
TS. Cấn Văn Lực cho rằng, Trung Quốc đầu tư ở Việt Nam nhiều nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất điện-khí nước-điều hòa. FDI của Trung Quốc có mặt tại hầu hết các tỉnh, thành Việt Nam nhưng chủ yếu tập trung tại các tỉnh ven biển, các thành phố đông dân, có sức thu hút lao động mạnh, có cơ sở hạ tầng tốt, thuận lợi cho xuất, nhập khẩu hàng hóa cũng như đi lại giữa 2 nước.
Nhiều dự án, doanh nghiệp do Trung Quốc làm chủ thầu hoặc chủ đầu tư sử dụng số lượng lớn chuyên gia và lao động Trung Quốc tham gia vào nhiều khâu quan trọng trong sản xuất và điều hành dự án, doanh nghiệp. Việc những lao động này đang bị hạn chế trở lại Việt Nam sau kỳ nghỉ Tết do các biện pháp phòng lây lan dịch Covid-19 có tác động trực tiếp đến các dự án, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp này, cũng như thu nhập và đời sống của người lao động trong dự án, doanh nghiệp liên quan.
Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực nhìn nhận, dịch nCoV cũng có thể mang lại thêm các dự án FDI mới bởi quan ngại dịch bệnh sẽ khiến các nhà đầu tư xem xét dịch chuyển dòng vốn, dự án FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Mặc dù Việt Nam bị đánh giá là một trong những nước dễ bị tổn thương, chịu nhiều rủi ro lây lan dịch bệnh Covid-19, nhưng quốc tế đánh giá cao sự chủ động và quyết liệt của Việt Nam trong phòng, chống dịch này, cũng như việc Chính phủ tiếp tục quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh.
Theo VOV