ClockChủ Nhật, 11/02/2024 12:05

Đầu tư công thúc đẩy tăng trưởng GDP

TTH - Từ tháng 10/2023, dự báo của Chính phủ mức tăng trưởng GDP năm nay vào khoảng 5%, tuy không đạt kế hoạch đề ra nhưng vẫn được đánh giá đó là mức tăng trưởng khá cao so với khu vực.

Để đầu tư công là động lực đưa Huế "cất cánh"Nhiều dự án giao thông giải ngân vốn đầu tư công hiệu quảPhân bổ vốn ngân sách trung ương cho các bộ và địa phươngTập trung cao độ trong tháng cuối giải ngân vốn đầu tư côngTop đầu giải ngân vốn đầu tư công

Dự án Đê chắn sóng cảng Chân Mây (giai đoạn 2) được triển khai sẽ góp phần hoàn thiện hạ tầng tại khu vực cảng Chân Mây. Ảnh: Đắc Đức 

GDP tăng, tức là miếng bánh của nền kinh tế to hơn ra. Theo đó, thu nhập bình quân đầu người cũng tăng theo. Nhưng có vẻ như là một nghịch lý, GDP thì vẫn tăng nhưng đời sống của người dân, nói chung khó khăn hơn. Những thông tin thiếu tích cực của nền kinh tế liên tục được phát ra, như tình trạng thiếu đơn hàng của các công ty; hàng loạt công ty giãn việc làm, ngắt quãng việc làm, thậm chí là sa thải công nhân; tình trạng các công ty tạm ngưng hoạt động, thậm chí là nộp đơn xin phá sản là không ít. Năm 2023, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 172,6 ngàn doanh nghiệp, tăng 20,5% so với năm trước; bình quân một tháng có gần 14,4 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Bất động sản - một mảng quan trọng của nền kinh tế - và theo tính toán thì chiếm khoảng 10% GDP, chiếm 20% dư nợ tín dụng, có sức lan tỏa mạnh trong nền kinh tế trong năm rơi vào trạng thái trầm lắng và có nhiều trục trặc. Một yếu tố khác cũng phản ánh những khó khăn của nền kinh tế là lãi suất. Lãi suất giảm là một tín hiệu tích cực để hỗ trợ hoạt động cho DN và nền kinh tế, nhưng mặt khác nó cũng phản ánh tình trạng “tiền thừa”. DN cần thì không đủ điều kiện vay, DN đủ điều kiện vay thì vay không biết để làm gì, bởi DN nghiệp đang trong trạng thái “thủ thế”…

Đó là những chỉ số và nhận định mang tính chất “vĩ mô”. Còn thực tế, chúng ta ra chợ, vào các cửa hàng, các trung tâm mua sắm… sẽ nhận thấy việc người dân thắt chặt chi tiêu nên trạng thái tiêu dùng rơi vào ế ẩm. Các phố sầm uất nhất ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh luôn “phát” ra những tín hiệu trả lại mặt bằng kinh doanh, giảm giá mặt bằng kinh doanh.

 Đời nào cũng vậy, một khi nền kinh tế gặp phải những khó khăn, nhóm ảnh hưởng đầu tiên và nhiều nhất là người nghèo, người thu nhập thấp, giới công nhân làm công ăn lương. Thu nhập thấp đã bào khuyết đồng lương; CPI (chỉ số giá tiêu dùng) tăng một lần nữa làm cho đồng lương eo hẹp. Một cuộc khảo sát về mức thu nhập của giới công nhân cho biết, có đến 58% công nhân sụt giảm thu nhập từ 30 -50% vào tháng gần cuối năm.

Người nghèo, người thu nhập thấp, đồng lương, đồng tiền công làm ra chi tiêu chủ yếu vào những “mặt hàng thiết yếu”, nhưng những mặt hàng này trong năm qua đều tăng. Gạo tăng, xăng dầu giữ ở mức cao, giờ điện nước cũng tính chuyện rục rịch tăng theo… Người giàu thì “khóc” theo bất động sản, người nghèo thì “rầu” khi thấy quả trứng, con cá, con tôm tăng giá. Nói chung tất cả đều có những nỗi khổ riêng nhưng những nỗi khổ này là rất khác nhau. Chủ có nỗi khổ của chủ, “tớ” có nỗi khổ của “tớ”. Nhưng là hai nỗi khổ khác nhau!

GDP tăng nhưng đời sống của người dân không tăng thế thì tăng trưởng GDP có ý nghĩa gì không? Nhìn trong hiện tại có vẻ như không có mấy ý nghĩa. Miếng bánh kinh tế to ra nhưng hầu bao của đại bộ phận người dân co lại. Nhưng nhìn ở tương lai thì chúng ta có quyền kỳ vọng. Đầu tư tư nhân dù có tăng ít nhưng vẫn tăng. Năm 2023, vốn đầu tư của khu vực ngoài Nhà nước vẫn chiếm 56,1% trong tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội. Hơn 146 nghìn DN rút lui khỏi thị trường thì có đến hơn 183 nghìn DN gia nhập thị trường. Đồng vốn vẫn cứ được đầu tư, guồng máy kinh tế vẫn quay. Biết đâu sau những khó khăn mà nền kinh tế gặp phải, DN Việt được sàng lọc và ngày càng trưởng thành hơn. Đồng vốn đầu tư tư nhân cũng góp phần tạo ra những nền tảng cho sự phát triển kinh tế trong tương lai.

Nhân tố nhìn thấy rõ nhất thúc đẩy tăng trưởng GDP là đầu tư công. Năm nay nguồn vốn đầu tư công được thực hiện rất lớn. Một khi nguồn vốn này được giải ngân sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm và thu nhập cho người dân; kích thích độ lan tỏa của nền kinh tế. Một tuyến đường cao tốc được làm ra thì phải cần tiêu thụ sắt thép, xi măng, cát sạn. Ngành vận tải cũng có công ăn việc làm; cô bán bún buổi sáng cũng có cơ may bán thêm được tô bún cho những người tham gia thi công công trình… Nhưng điều quan trọng nhất của đầu tư công là nâng cao năng lực cơ sở hạ tầng của đất nước. Xưa anh chở hàng hóa chạy được 50 - 60km/h thì giờ có thể chạy được 100km/h. Rõ ràng, hàng hóa được lưu thông nhanh hơn. Có thể thông qua đó mà hàng hóa nâng cao chất lượng hơn, tươi ngon hơn. Vòng quay của đồng vốn nhanh hơn.

Dường như đất nước nào cũng vậy, một khi nền kinh tế gặp những khó khăn thì một trong những giải pháp để thúc đẩy tiêu dùng là đầu tư công. Nhưng cũng nên lưu ý một điều, nguồn vốn này chỉ được phát huy tối ưu khi nó được sử dụng một cách hiệu quả, tạo ra cơ sở hạ tầng chất lượng. Còn không, có khi nó sẽ để lại những gánh nặng trong tương lai.

Lê Phương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

COP29: Công nghệ kỹ thuật số và AI có thể thúc đẩy hành động khí hậu

Cuối tuần qua, các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực công nghệ và môi trường tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP29 của Liên hợp quốc (LHQ) đang diễn ra ở Baku (Azerbaijan) đã thông qua một tuyên bố cam kết sử dụng công nghệ số để đẩy nhanh hành động vì khí hậu. Đồng thời, tuyên bố cũng cam kết nỗ lực giảm lượng khí thải carbon và ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất công nghệ và giải quyết vấn đề rác thải điện tử đang ngày càng gia tăng.

COP29 Công nghệ kỹ thuật số và AI có thể thúc đẩy hành động khí hậu
Ấn Độ và Đông Nam Á sẽ thúc đẩy tăng trưởng của châu Á trong tương lai

Trong một phân tích của Morgan Stanley, các thị trường mới nổi như Ấn Độ đang trên đà thúc đẩy tăng trưởng của châu Á, khi ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc dần suy giảm. Đáng chú ý, Ấn Độ cùng với các nền kinh tế Đông Nam Á, như Indonesia, Philippines và Malaysia được dự báo sẽ dẫn đầu tăng trưởng của khu vực.

Ấn Độ và Đông Nam Á sẽ thúc đẩy tăng trưởng của châu Á trong tương lai
Giới lãnh đạo doanh nghiệp APEC kêu gọi hành động để thúc đẩy tăng trưởng bền vững

Trước thềm cuộc đối thoại thường niên giữa các thành viên Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC) với các nhà lãnh đạo APEC sẽ diễn ra ở Peru vào cuối tuần này, giới lãnh đạo doanh nghiệp từ khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương kêu gọi các nhà lãnh đạo APEC có hành động quyết đoán hơn để thúc đẩy tăng trưởng bền vững và toàn diện giữa những thách thức xuyên biên giới hiện nay.

Giới lãnh đạo doanh nghiệp APEC kêu gọi hành động để thúc đẩy tăng trưởng bền vững

TIN MỚI

Return to top