ClockThứ Hai, 02/08/2021 08:50

Đẩy mạnh tiêm vaccine, gỡ vướng lưu thông hàng hóa để tăng trưởng

Theo công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê, các chỉ số sản xuất công nghiệp, hoạt động đầu tư, thương mại, vận tải và du lịch... trong tháng 7/2021 đều giảm do COVID-19 bùng phát kéo dài. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine, kiểm soát dịch; tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa sẽ giúp Việt Nam phục hồi đà tăng trưởng.

Muốn bền vững, hãy nhìn từ thực tếKhơi thông dòng vốn thu hút đầu tư cho tăng trưởngTập trung thu hút các dự án công nghiệp quy mô lớn vào khu kinh tế, khu công nghiệp

Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp để phục hồi tăng trưởng kinh tế. Ảnh: TTXVN.

Gỡ vướng lưu thông hàng hóa

Số liệu kinh tế tháng 7/2021 đã bắt đầu phản ánh những khó khăn, tác động rất lớn của đợt dịch thứ 4 đến nền kinh tế và xu hướng này có thể còn tiếp tục ít nhất trong tháng 8/2021, trước khi có thể khả quan trở lại.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7/2021 chỉ tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất trong 7 tháng qua. Tuy nhiên, tính chung 7 tháng năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp vẫn tăng 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đợt dịch lần thứ 4 đã tấn công vào các cứ điểm sản xuất công nghiệp quan trọng, khiến sản xuất công nghiệp bị ảnh hưởng lớn. Theo đó, chỉ số IIP tháng 7/2021 của TP Hồ Chí Minh giảm 19,4%; Long An giảm 14,6%; Cà Mau giảm 13,7%; Đồng Tháp giảm 5,7%; Trà Vinh giảm 5,3%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 1,9%... Với các tỉnh có các khu công nghiệp lớn như: Bắc Ninh và Bắc Giang, dù về cơ bản đã khống chế, kiểm soát được dịch bệnh và hoạt động sản xuất dần hồi phục, nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ năm trước rất nhiều. Tốc độ tăng chỉ số IIP của Bắc Giang tháng 5/2021 giảm 26,7%; tháng 6/2021 giảm 49,8% và tháng 7 giảm 15,3%. Chỉ số này ở Bắc Ninh tháng 5/2021 tăng 23,9%; tháng 6/2021 giảm 8,6% và tháng 7/2021 tăng 1,1%.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7/2021 ước tính đạt 339.400 tỷ đồng, giảm 8,3% so với tháng trước và giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước. “Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng thời gian qua gần như dậm chân tại chỗ so với cùng kỳ 2 năm trước. Tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ chỉ tương đương tốc độ tăng trưởng thấp của khu vực nông, lâm, ngư nghiệp… Đây là những tín hiệu đáng lo ngại. Tuy nhiên, chúng ta vẫn kỳ vọng vào sự tăng trưởng của dịch vụ và đó là ‘ngôi sao’ hy vọng của nền kinh tế Việt Nam”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết.

“Việt Nam duy trì mục tiêu kép là hợp lý, nhưng thời điểm này giữa chống dịch và phát triển kinh tế, việc chống dịch quan trọng hơn. Nếu chúng ta chống dịch không tốt, không thể nào nỗ lực phát triển kinh tế được. Ba lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế là: Nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ đang bị ảnh hưởng mạnh bởi COVID-19, song ảnh hưởng nhiều nhất là công nghiệp và dịch vụ”, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết.

Tránh đứt gãy nguồn cung; cần gói hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ

“Tình hình khó khăn của các doanh nghiệp, đặc biệt trong lưu thông hàng hóa đã ảnh hưởng đến Việt Nam trong duy trì chuỗi cung ứng. Điển hình như: Cảng Cát Lái và một số cửa ngõ trung chuyển hàng hóa đi toàn cầu gặp ùn ứ… Thực tế này cho thấy, không chỉ khó khăn trong duy trì năng lực sản xuất, mà còn khó trong đảm bảo duy trì nơi sản xuất và thị trường trong nước, cũng như toàn cầu”, TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam cho biết.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2021, ông Vũ Tiến Lộc (VCCI) đề nghị: Việt Nam cần đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine, đặc biệt khu vực động lực tăng trưởng của nền kinh tế, để vừa bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, vừa duy trì sản xuất kinh doanh, tránh đứt gãy nguồn cung; chuẩn bị điều kiện và lộ trình để mở cửa nền kinh tế, tương ứng với tỷ lệ tiêm chủng vaccine của người dân.

Bên cạnh duy trì năng lực sản xuất, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, Việt Nam cần chú ý nhiều hơn đến lưu thông hàng hóa, không chỉ là lưu thông đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người dân, mà lưu thông từ nơi sản xuất đến thị trường toàn cầu, bởi GDP của Việt Nam bản chất vẫn phụ thuộc phần lớn vào xuất nhập khẩu. Nếu không duy trì được lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ ảnh hưởng đến tăng trường kinh tế những tháng cuối năm, thậm chí là một vài năm sau.

Còn theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Việt Nam cần có các giải pháp thiết thực vực dậy sức khỏe của các khu vực doanh nghiệp, bởi đây là động lực tăng trưởng thiết yếu của nền kinh tế. Chính phủ cần tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng; đồng thời, cần có gói hỗ trợ mạnh cho doanh nghiệp nhỏ; gói hỗ trợ lãi suất có trọng tâm trọng điểm cho một số lĩnh vực ngành nghề, địa phương khoảng 50.000 - 60.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay khoảng 3 - 4%, hỗ trợ trong vòng 1 năm.

Trong bối cảnh diễn biến dịch còn hết sức phức tạp, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) dự báo: Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021 khoảng 4,5 - 5,1%, thấp hơn 1,2 – 1,5 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.

Để giảm thiểu các tác động tiêu cực và duy trì tăng trưởng ở mức cao nhất, thực hiện đạt mục tiêu kép như Chính phủ đặt ra, nhóm chuyên gia của VEPR đề xuất: Thứ nhất: Việt Nam cần có một chiến lược tổng thể và nhất quán đối phó với các tình huống bệnh dịch; các bất cập liên quan đến lây nhiễm chéo trong khu cách ly, khai báo y tế, đứt gãy trong lưu thông hàng hóa do các biện pháp cực đoan, thiếu trang thiết bị y tế cần phải được tập trung nguồn lực để giải quyết nhanh chóng.

Thứ hai: Chính phủ và các bộ ngành nên khẩn trương triển khai và giải ngân các gói hỗ trợ đối với người lao động mất việc, đặc biệt là những lao động trong khu vực phi chính thức.

Thứ ba: Chính sách tài khóa nên tập trung thúc đẩy giải ngân các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn ở cấp quốc gia, làm nền tảng cho giai đoạn phục hồi sau đại dịch. Cùng với đó, chính sách tiền tệ thích ứng nên được thực hiện với tăng trưởng cung tiền được kiểm soát ở mức phù hợp (10%) và các biện pháp kiểm soát rủi ro ở mức vừa phải.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

PMI:
Ngành sản xuất ASEAN duy trì tăng trưởng

Tổ chức S&P Global ngày hôm nay (4/11) công bố Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn phần ngành sản xuất Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trong đó, ngành sản xuất ASEAN vào tháng 10/2024 đã ghi nhận sự cải thiện bền vững, mặc dù một lần nữa chỉ là mức cải thiện nhẹ.

Ngành sản xuất ASEAN duy trì tăng trưởng
Đẩy mạnh giáo dục di sản cho học sinh

Chiều 22/10, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã có buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo về việc triển khai chương trình giáo dục di sản cho học sinh.

Đẩy mạnh giáo dục di sản cho học sinh
Singapore: Sản xuất phục hồi, kinh tế quý III/2024 tăng trưởng cao hơn dự kiến

Ước tính sơ bộ từ Bộ Thương mại và Công nghiệp (MTI) Singapore vào sáng 14/10 cho biết, nền kinh tế nước này đã tăng trưởng 4,1% trong quý III/2024 so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức dự báo 3,8% được đưa ra trước đó. Mức tăng trưởng này cũng nhanh hơn nhiều so với mức tăng 2,9% của quý II.

Singapore Sản xuất phục hồi, kinh tế quý III 2024 tăng trưởng cao hơn dự kiến

TIN MỚI

Return to top