ClockChủ Nhật, 01/08/2021 21:29

Muốn bền vững, hãy nhìn từ thực tế

TTH - Dẫu ảnh hưởng dịch bệnh, nhưng ngành tôm Việt Nam vẫn duy trì đà tăng tưởng, tăng cả về sản lượng lẫn kim ngạch xuất khẩu. Và trong Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, con tôm đóng vai trò rất quan trọng. Song, tại Thừa Thiên Huế, nghề nuôi tôm vẫn thiếu bền vững.

Hướng đến nuôi thủy đặc sản bền vữngKhơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển nhanh và bền vững

Kiểm tra kích cỡ tôm nuôi

Thừa Thiên Huế là một trong 28 tỉnh, thành phố ven biển toàn quốc tham dự Hội nghị trực tuyến Giải pháp phát triển ngành tôm năm 2021 và Triển khai Quyết định 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045” vừa qua.

Con số thống kê của Sở NN&PTNT tại hội nghị cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2021, diện tích nuôi tôm nước lợ ước đạt 757 ha, tăng 4,8% so với cùng kỳ. Trong đó diện tích nuôi tôm sú 360 ha, tăng 3,4%; diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng đạt 346 ha, tăng 5,5% so với cùng kỳ…

Nhìn vào những con số ấy, cảm nhận ngành tôm của tỉnh có bước phát triển; song, thực tế người dân vẫn cứ loay hoay khâu đầu vào, đầu ra; việc sử dụng kháng sinh khiến sản phẩm không “đúng chuẩn” để DN nhập hàng; vụ hè nhiều ao tôm bỏ hoang dẫn đến lãng phí tài nguyên đất,…

Hãy bỏ qua vụ hè, đặc biệt là ở các vùng nuôi tôm chân trắng ven biển, bởi đây là thời điểm người nuôi thất thế nhất khi ứng phó với thời tiết cực đoan. Bây giờ, họ đang chuẩn bị đầu tư, cải tạo ao nuôi để sản xuất vụ đông - vụ chính trong năm.

Đối diện với người nuôi đang là nỗi lo cực lớn, dịch bệnh khiến các giá trị đầu vào cao, từ nguồn giống đến chi phí thức ăn, đó chưa kể đến kinh phí cải tạo ao nuôi sau hơn nửa năm nằm phơi giữa đất trời.

Trong tất cả, con giống vẫn là nỗi lo lớn nhất. Người nuôi tôm tại Thừa Thiên Huế không chủ động được nguồn giống mà phụ thuộc vào các cơ sở giống tại các tỉnh thành phía Nam. Các cơ quan chức năng cũng khẳng định, nhiều đại lý vẫn chưa được kiểm tra cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ươm dưỡng giống. Và COVID-19 hoành hành, điều này khó càng thêm khó.

Thành tố đầu vào thông thường mang tính quyết định cho quy trình nuôi. Không ai đảm bảo rằng với những con giống không tốt, nguy cơ dịch bệnh không bùng phát. Nhất là khi hầu hết hộ nuôi tôm đều mang tính tự phát, chưa có quy mô công nghiệp, người nuôi chỉ dựa vào kinh nghiệm kiểm tra chất lượng nguồn giống và tự chuẩn hóa quy trình.

Tại Thừa Thiên Huế hiện nay, ngoài Công ty CP chăn nuôi CP Việt Nam, không có một DN nào bao tiêu sản phẩm, rồi chế biến để tiêu thụ, trong khi ngành công nghiệp chế biến đóng vai trò then chốt cho việc định hướng thị trường. Vậy, con tôm ở Thừa Thiên Huế bán cho ai? Thương lái đang thâu tóm thị trường đến mức “định hướng” cả người nuôi, nghĩa là các giá trị đầu vào phụ thuộc vào thương lái và các đại lý. Tình trạng nợ chi phí nuôi phổ biến ở nhiều địa phương. Khi thu hoạch, nếu lãi sẽ trả còn lỗ chỉ có nước bán luôn ao nuôi.

Các cơ quan chức năng đang nói nhiều đến việc xây dựng chuỗi, thế nhưng ngành thủy sản nói chung và con tôm nói riêng tại Thừa Thiên Huế hiện chưa có “chuỗi” nào cho ra hồn. Công ty CP chăn nuôi CP Việt Nam sẵn sàng cung cấp nguồn giống, quy trình nuôi và kiểm soát giá trị đầu ra, nhưng người nuôi không thể đáp ứng. Lỗi không chỉ tại bởi chủ nuôi mà bởi nhiều quy trình đã sai từ gốc.

Theo Luật Thủy sản, chủ thể nuôi tôm bắt buộc phải thực hiện thủ tục để được ngành chức năng cấp giấy xác nhận nuôi tôm, nhưng đến nay việc kiểm soát vấn đề này còn nhiều khó khăn; ngoại trừ DN, chuỗi an toàn thực phẩm trong nuôi tôm và truy xuất nguồn gốc vẫn chưa hình thành nên tôm thương phẩm phải phụ thuộc thương lái.

Trở lại với Hội nghị trực tuyến Giải pháp phát triển ngành tôm năm 2021 và Triển khai Quyết định 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị các địa phương quan tâm chỉ đạo triển khai đăng ký đối tượng thủy sản nuôi chủ lực; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, đáp ứng với nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế; ưu tiên nâng cao giá trị và phát triển bền vững; tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi tôm; thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, hướng tới an toàn sinh học…

Chiếu theo những định hướng đó, chúng ta nên dựa vào thực tiễn để nhìn nhận vấn đề!

Bài, ảnh: LÊ THỌ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển các dịch vụ nông thôn thông minh

Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, việc áp dụng công nghệ trong dịch vụ nông thôn giúp nâng cao hiệu quả và chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững và hiện đại hóa khu vực này. Để làm được điều này, mô hình xã nông thôn mới thông minh là lựa chọn tối ưu.

Phát triển các dịch vụ nông thôn thông minh
Làm giàu từ nuôi trồng thủy sản

Từ một hộ nông dân vốn nhiều khó khăn, nay ông Trương Ngọc Nhật ở xã Phú Gia, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi huyện Phú Vang đã vươn lên làm giàu chính đáng trên đất quê hương.

Làm giàu từ nuôi trồng thủy sản
Phát triển nhà ở xã hội: Ý Đảng thỏa lòng dân - Bài 2: Khó ở đâu, gỡ ở đó

Hiện, số lượng các dự án nhà ở thương mại được đầu tư hàng năm khá lớn, nhưng các dự án nhà ở xã hội (NƠXH) triển khai chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì thế, ngoài hoàn thiện chính sách thuộc thẩm quyền, đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) trong thúc đẩy đầu tư NƠXH, việc lãnh đạo, chỉ đạo đa dạng nguồn lực đầu tư NƠXH đã là hiệu lệnh.

Phát triển nhà ở xã hội Ý Đảng thỏa lòng dân - Bài 2 Khó ở đâu, gỡ ở đó
Phát triển nhà ở xã hội: Ý Đảng thỏa lòng dân - Bài 1: Giải bài toán về nhu cầu

Các cơ quan, ban ngành liên quan cần phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) là yêu cầu của Ban Bí thư tại Chỉ thị 34 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển NƠXH trong tình hình mới (Chỉ thị 34). Thừa Thiên Huế đã có nhiều giải pháp phát huy hiệu quả của Chỉ thị này nhằm thực hiện đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, Thừa Thiên Huế đầu tư 7.700 căn hộ.

Phát triển nhà ở xã hội Ý Đảng thỏa lòng dân - Bài 1 Giải bài toán về nhu cầu
Return to top