|
Mô hình sản xuất xanh đang là xu thế được nhiều doanh nghiệp hướng đến |
Năm 2023, trên địa bàn KKT, CN tỉnh có 172 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký 112.790 tỷ đồng. Trong đó, có 44 dự án vốn FDI với vốn đầu tư đăng ký là 71.701 tỷ đồng. Lũy kế đến năm 2023, vốn đầu tư của các dự án ước đạt khoảng 39.326 tỷ đồng; vốn đầu tư thực hiện ước đạt 3.400 tỷ đồng.
Kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2023 cho thấy, doanh thu tại khu vực này ước đạt 35.000 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 900 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 590 triệu USD. Nộp ngân sách ước đạt 3.500 tỷ đồng, lao động đang làm việc 38.500 lao động.
Dẫn số liệu trên để minh chứng rằng, các KKT, CN đã có những đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng chung của tỉnh thời gian qua. Thông qua việc thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; khơi dậy và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong nước, bổ sung nguồn vốn quan trọng trong tổng vốn đầu tư xã hội, qua đó, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách và tạo việc làm.
Hiện nay, xu thế phát triển các KKT, CN tại nhiều tỉnh, thành, mô hình sinh thái đang được áp dụng. Nghĩa là tạo ra giải pháp hiệu quả để xây dựng KCN xanh, giảm thiểu các tác động đến môi trường. Đây là yếu tố then chốt để không chỉ nâng cao hiệu quả, mà còn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, KCN - đô thị - dịch vụ là mô hình nhiều quốc gia hướng đến.
|
Ký kết hợp đồng và bàn giao xe bus giường nằm KIM LONG MOBILINE là một phần giai đoạn 1 của dự án Khu liên hợp sản xuất lắp ráp Kim Long Motors Huế tại KKT Chân Mây - Lăng Cô |
Đặt trong bối cảnh đó, mô hình các KKT, CN trên địa bàn tỉnh buộc phải thay đổi. Điều đáng mừng là những chuyển động vừa qua cho thấy, tỉnh rất quan tâm để việc định hướng thay đổi mô hình chiến lược phát triển các KKT, CN, thông qua một số cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất xanh; việc thu hút đầu tư vào khu vực này cũng được chọn lọc, các dự án đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường. Đặc biệt, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết về nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô; điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Khu công nghiệp Phong Điền; điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Khu công nghiệp Phú Bài giai đoạn I, II, III, thị xã Hương Thủy để phù hợp với thực tế.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Định hướng phát triển các KKT, CN tại quy hoạch này chỉ rõ, phát triển KKT, CN nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới công nghiệp hóa đất nước theo hướng hiện đại, tận dụng được cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh đảm bảo hài hòa về kinh tế, xã hội, môi trường. Ưu tiên dự án đầu tư có công nghệ hiện đại, có hợp tác chuyển giao công nghệ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả sử dụng tài nguyên và lao động, có giá trị gia tăng cao và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đổi mới, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư có trọng tâm, đặc biệt thu hút các nhà đầu tư lớn, có thương hiệu.
Đối với Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô sẽ phát triển theo hướng bền vững, là trung tâm giao lưu quốc tế, trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp, trung tâm logistics trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối khu vực Bắc Trung Bộ, Lào, Đông Bắc Thái Lan và là cửa ngõ vận tải hàng hóa qua biển phía đông, gắn kết với các tỉnh, thành trong vùng động lực miền Trung. Đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ kết cấu hạ tầng, xúc tiến đầu tư các dự án về hạ tầng cảng, hạ tầng khu công nghiệp, khu phi thuế quan, khu công nghiệp công nghệ cao, khu đô thị Chân Mây. Xây dựng khu vực Chân Mây đạt tiêu chí đô thị loại III.
Phát triển Khu kinh tế cửa khẩu A Đớt là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực. Là cửa ngõ giao thương quốc tế, đầu mối giao thông quan trọng đảm bảo an ninh biên giới quốc gia và một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, dịch vụ, du lịch của vùng phía tây. Huy động nguồn vốn đầu tư trong đó đặc biệt chú trọng đến nguồn vốn xã hội hóa để xây dựng các kết cấu hạ tầng kỹ thuật; thu hút đầu tư phát triển KCN Hương Lâm nằm trong KKT cửa khẩu A Đớt để tạo việc làm cho lao động địa phương, tạo đầu ra cho nông, lâm sản của địa phương và tăng cường giao thương quốc tế với nước bạn Lào.
Dễ dàng nhận thấy, định hướng từ Quy hoạch tỉnh cũng nhằm tạo ra các mô hình KCN sinh thái và KCN - đô thị - dịch vụ. Đây hứa hẹn sẽ tạo ra động lực phát triển lớn từ các KKT, CN. Dù vậy, để từng bước hiện thực hóa điều đó, tỉnh cần giải quyết các vấn đề còn tồn tại, được xem như trở lực cho sự phát triển. Đó là hệ thống hạ tầng kỹ thuật KKT, KCN chưa đồng bộ, thiếu hệ thống xử lý nước thải KCN đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, hỗ trợ hơn nữa cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Bởi hiện nay, tỷ lệ lấp đầy tại các KKT, CN chưa cao. KCN Phú Bài đạt 29,6%, trong đó KCN Phú Bài I và II có tỷ lệ lấp đầy là 99%; KCN Phong Điền đạt 32,2%; KCN La Sơn đạt 29,3%; KCN Phú Đa đạt 22,1%; KCN Tứ Hạ (giai đoạn 1) đạt 37,8%.